TP.HCM:

Vụ điêu đứng vì quyết định đình chỉ xét xử: Bản án sơ thẩm chưa thỏa đáng?

(Dân trí) - Gia đình ông Huy khẳng định phiếu chi cho hợp đồng tín dụng không phải là chi cho công ty của ông và số tiền 8,7 tỷ đồng chi trước ngày hợp đồng tín dụng có hiệu lực là điều vô lý. Trong khi đó, tòa cấp sơ thẩm cho rằng viện dẫn của ông Huy là không có cơ sở.

bananphuctham

Bản án dân sự phúc thẩm của TAND Q. Tân Bình.

Ông Phạm Gia Nguyên Huy (SN 1986), người đại diện cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thương mại và Dịch vụ Thiên Phúc Thành (trụ sở P.6, Q.Tân Bình) là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” với nguyên đơn là Công ty tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam (viết tắt Cty Cao su Việt Nam, đóng tại Q.3) và được TAND Q.Tân Bình đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 24/9/2014. Ở phiên tòa này, ông Huy ủy quyền cho mẹ là bà Phạm Thị Ngượi tham gia.

Theo bản án sơ thẩm, ngày 18/10/2011, DNTN) Thương mại và Dịch vụ Thiên Phúc Thành (Cty Thiên Phúc Thành) ký hợp đồng tín dụng với Cty Cao su Việt Nam để vay số tiền 8,7 tỷ đồng lãi suất 21%/năm. Để đảm bảo cho khoản vay, Cty Thiên Phúc Thành thế chấp cho Cty Cao su Việt Nam căn nhà và mảnh đất có gắn liền tài sản tại đường Âu Cơ (P.9, Q. Tân Bình). Sau đó, Cty Cao su Việt Nam kiện ông Huy ra toà. Ngày 24/9/2014, TAND Q.Tân Bình đã ban hành bản án sơ thẩm số 214/2014/KDTM-ST với nội dung chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Cty Cao su Việt Nam, buộc ông Huy phải có trách nhiệm trả cho Cty Cao su Việt Nam số tiền gần 14,5 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Ngượi (mẹ ông Huy) cho rằng bản án sơ thẩm của TAND Q. Tân Bình chưa phản ánh đúng bản chất vụ việc. Bà Ngượi trình bày, Cty Thiên Phúc Thành có vay vốn của Cty Cao su Việt Nam. Tuy nhiên, bà Ngượi đã thanh toán các khoản vay, còn hợp đồng vay số tiền 8,7 tỷ đồng, bà Ngợi khẳng định số tiền này thực chất là tiền lãi, tiền phạt cho các hợp đồng mà bà đã thanh lý trước đó và phía Cty Cao su Việt Nam hứa sẽ giảm trừ.

“Cty Cao su Việt Nam buộc chúng tôi phải thế chấp nhà và đất tại đường Âu Cơ để đảm bảo cho số tiền 8,7 tỷ đồng nhưng thực tế khi việc công chứng hợp đồng thế chấp đã hoàn tất và có đăng ký giao dịch bảo đảm, Cty Cao su Việt Nam đã không ký bất cứ một phiếu chi nào cho hợp đồng tín dụng cho khoản vay trên. Phiếu chi ngày 20/10/2011 không phải chi cho Cty Thiên Phúc Thành”, bà Ngượi trình bày.

Phiếu chi ngày 20/10/2011 của Cty Cao su Việt Nam chi cho DNTN Thương mại và Dịch vụ Thiên Phúc chứ không phải chi cho Cty Thiên Phúc Thành.
Phiếu chi ngày 20/10/2011 của Cty Cao su Việt Nam chi cho DNTN Thương mại và Dịch vụ Thiên Phúc chứ không phải chi cho Cty Thiên Phúc Thành.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24/9/2014, HĐXX cho rằng trình bày và viện dẫn của bà Ngượi là không có cơ sở vì sau khi hợp đồng tín dụng được ký kết ngày 18/10/2011 thì ngày 20/10/2011 ông Huy đã ký khế ước nhận nợ vay số tiền 8,7 tỷ đồng. Đồng thời làm giấy đề nghị giải ngân số tiền này và tại phiếu chi ngày 20/10/2011 do Cty Cao su Việt Nam xuất thì người kí nhận là ông Huy.

Tuy nhiên, bà Ngượi xác định, tại phiếu chi ngày 20/10/2011 của Cty Cao su Việt Nam thì người nhận là Công ty Thiên Phúc, chứ không không Cty Thiên Phúc Thành của gia đình bà. “Chữ ký của con trai tôi trong phiếu chi cũng là giả, nó chưa hề ký bao giờ. Cơ quan chức năng cần giám định chữ ký để làm rõ vụ việc này. Đặc biệt là số tiền 8,7 tỷ đồng chi trước ngày hợp đồng tín dụng có hiệu lực là điều vô lý”, bà Ngượi khẳng định.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24/9/2014, HĐXX đã tuyên buộc ông Huy phải có trách nhiệm trả cho Cty Cao su Việt Nam số tiền gần 14,5 tỷ đồng. Ngày 4/10/2014, ông Huy làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 214/2014/KDTM-ST của TAND Q.Tân Bình. Sau khi thụ lý vụ án, TAND TP.HCM đã triệu tập ông Huy để tống đạt thông báo thụ lý vụ án phúc thẩm. Ngày 8/12/2014, bà Phạm Thị Ngượi (đại diện cho ông Huy) đến tòa ký nhận thông báo thụ lý vụ án và nộp bản giải trình.

Ngày 24/9/2015, TAND TP.HCM bất ngờ ban hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại giữa ông Huy và Cty Cao su Việt Nam. Quyết định của TAND TPHCM thể hiện việc cơ quan này 2 lần triệu tập hợp lệ người kháng cáo là ông Phạm Gia Nguyên Huy tham gia phiên tòa vào các ngày 28/8/2015 và 24/9/2015 nhưng ông Huy đều vắng mặt. Chính vì vậy TAND TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ vụ án, giữa nguyên bản án sơ thẩm và công nhận có hiệu lực.

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại của TAND TPHCM.
Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại của TAND TPHCM.
Ngày 16/2/2016, đơn của ông Huy được TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận và sẽ tiến hành xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn chưa được xem xét, giải quyết.
Ngày 16/2/2016, đơn của ông Huy được TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận và sẽ tiến hành xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn chưa được xem xét, giải quyết.

Trong đơn xin xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm gửi đến TAND Cấp cao tại TP.HCM, ông Phạm Gia Nguyên Huy khẳng định quyết định đình chỉ của TAND TP.HCM đã xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của ông và gia đình vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Ông Huy cho rằng, trong thời hạn quy định ông đã nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND Q.Tân Bình. Sau đó, TAND TP.HCM có mời ông một lần lên ghi ý kiến về các nội dung kháng cáo. “Từ đó đến nay tôi và gia đình không nhận được bất cứ thông báo, giấy triệu tập nào của tòa án. Các địa chỉ ghi trong hồ sơ không thay đổi. Tôi chỉ biết vụ án bị đình chỉ giải quyết qua một cơ quan tố tụng khác và lý do đình chỉ là chúng tôi được mời hợp lệ 2 lần vẫn vắng mặt”, ông Huy trình bày trong đơn gửi đến TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Ngày 16/2/2016, đơn của ông Huy được TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận và sẽ tiến hành xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, gần 2 năm trôi qua, vụ việc này vẫn chưa được giải quyết.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm