Thái Nguyên:
Vụ dân kiện chủ tịch huyện Đại Từ: Nhìn lại nhiều uẩn khúc trong vụ án
(Dân trí) - Cũng giống như phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án hành chính dân kiện quan ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được đưa ra khi nguyên đơn là người dân cho rằng hàng loạt các vấn đề mấu chốt chưa giải quyết trong khi ròng rã hai năm trời, người dân “vác đơn” đi kiện chỉ với mong muốn có một bản án được xem xét khách quan, toàn diện dựa trên căn cứ chính xác, hợp tình, hợp lý.
Nhìn lại toàn bộ vụ việc, ông Nguyễn Văn Bắc là bộ đội xuất ngũ về địa phương năm 1987 và là hộ nông dân làm kinh tế V.A.C điển hình. Năm 2010, mặc dù không có quyết định thu hồi đất, ông Bắc vẫn giao gần 40.000 m2 đất cho UBND huyện Đại Từ để thực hiện dự án khai thác quặng ở Núi Pháo do Công ty TNHH Núi Pháo chủ đầu tư. Hết đất ở gia đình ông kéo về làm ngôi nhà tạm trên mảnh đất hợp pháp của mình tại xóm 2 xã Hà Thượng đồng thời tiếp tục khiếu nại đòi sự công bằng.
Quá trình giải quyết khiếu nại chủ tịch UBND huyện Đại Từ Nguyễn Hải Đường đã làm việc với ông Bắc. Đặc biệt trong buổi làm việc với ông Bắc ngày 6/9/2012 có đầy đủ thành phần, chủ tịch huyện đã kết luận bằng văn bản yêu cầu gia đình ông Bắc không được xây dựng thêm trên mảnh đất xóm 2, phải phối hợp với ban GPMB dự án thực hiện đo đếm kiểm kê tài sản trên đất đồng thời đền bù cho gia đình ông Bắc.
Sau buổi làm việc, ông Bắc cho biết ông đã không xây gì thêm, thực hiện việc đo đếm kiểm kê tài ản chuẩn bị nhận quyết định thu hồi đất và đền bù nhưng về phía chủ tịch huyện lại không cấp đất tái định cư và trả lời khiếu nại của ông như lời hứa.
Cho rằng mình bị lừa, ông Bắc đã làm đơn tố cáo ông Nguyễn Hải Đường gửi các cơ quan thẩm quyền. Đơn tố cáo của ông chưa được các cấp thẩm quyền xem xét giải quyết, bất ngờ ngày 11/12/2012, UBND huyện đưa một lực lượng lớn đến đập phá ngôi nhà tạm của gia đình ông từ tháng 9/2012 đã được chính quyền thừa nhận đo đếm tài sản chuẩn bị thu hồi đất và đền bù.
Lực lượng này còn thu giữ nhiều tài sản có giá trị của ông như 3xe ô tô, 1 máy phát điện, 3 tạ chè khô …là công cụ kiếm sống hàng ngày của gia đình ông Bắc. Quá bức xúc, ông Bắc muốn kiện chủ tịch huyện nhưng do không được giao bất kỳ văn bản hành chính nào nên đơn khởi kiện của ông Bắc chỉ nêu khởi kiện chung chung là kiện “Các Quyết định hành chính và hành vi hành chính của Chủ tịch UBND huyện Đại Từ ”. Sau hơn nửa năm khởi kiện, cuối cùng ngày 08/5/2013, TAND huyện Đại Từ mới chịu thụ lý vụ án. Do nhận được Thông báo về thu giữ tài sản nên ông Bắc mới biết ngôi nhà của mình bị đập phá và thu giữ tài sản là do chủ tịch UBND huyện Đại Từ Nguyễn Hải Đường ban hành quyết địh cưỡng chế số 6957 /QĐ-CCK-UBND
Quyết định 6987/QĐ-CCK-UBND do Chủ tịch UBND huyện Đại Từ ký là quyết định cưỡng chế. Để ban hành quyết định này theo quy định phải dựa trên hàng loạt các văn bản như biên bản xử phạt, quyết định xử phạt, biên bản giao quyế, niêm yết quyết định…Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ ánTAND huyện Đại Từ và TAND tỉnh Thái Nguyên lại chỉ đánh giá đơn độc quyết định này mà không xem xét đến các thủ tục ban hành và văn bản liên quan. Vấn đề này, trao đổi với PV Dân Trí, luật sư luật sư Ngô Tất Hữu và luật sư Trương Anh Tú cho biết: “Trong vụ án này, không chỉ đánh giá riêng quyết định 6987, việc đánh giá riêng là phiến diện dẫn đến tình trạng “thầy bói xem voi” Cần phải đặt quyết định này trong tổng thể quy trình đền bù giải tỏa tái định cư khi nhà nước thu hôi đất và vấn đề trật tư xây dựng mới giải quyết vụ việc một cách khách quan và thấu đáo, đúng pháp luật.
Quá trình giải quyết vụ án, hầu hết tài liệu Tòa án sử dụng làm chứng cứ là tài liệu đóng dấu sao y của Phòng Tài nguyên & Môi trường, thậm chí chỉ là bản photo. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật các tài liệu được coi là chứng cứ phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Và đơn vị có thẩm quyền sao y chứng thực là UBND, không phải là Phòng TN&MT. Nghi vấn chứng cứ có dấu hiệu bị giả mạo do đó ông Bắc và hai luật sư bảo vệ đã liên tục có đơn thư, công văn yêu cầu TAND huyện Đại Từ tiến hành giám định tài liệu chứng cứ có trong vụ án. “Phớt lờ” yêu cầu chính đáng trên, ngày 23/10/2014, TAND huyện Đại Từ vẫn cố tình đưa vụ án ra xét xử và đương nhiên bản án phúc thẩm chỉ là sự nối dài những điều vô lý đó.”
Đặc biệt điều đáng nói là: Trong phiên tòa sơ thẩm lần thứ 7, hai luật sư đã buộc ông Trần Văn Mỳ - người được ông Nguyễn Hải Đường ủy quyền phải xuất trình toàn bộ tài liệu (gồm 47 đầu tài liệu) mà ông cho là tài liệu gốc và ngay tại phiên tòa, thẩm phán Lương Đức Long đã đọc to, đối chiếu từng loại giấy tờ, thậm chí còn xác định loại nào là bản chính, loại nào là bản sao chứng thực, bản photo trước đương sự, đại diện viện kiểm sát và đông đảo người dân dự khán.
Thế nhưng điều khó hiểu là biên bản giao nhận tài liệu do thư ký Nguyễn Xuân Mừng lập lại chỉ xác nhận ông Mỳ nộp có 18 loại tài liệu và thực tế hồ sơ cũng chỉ thể hiện có 18 đầu tài liệu được giao nộp tại phiên tòa sơ thẩm. Vậy còn 29 tài liệu khác như: Biên bản kiểm tra đất đai ngày 06/6/2012; Quyết định số 91/QĐ-UBND thành lập tổ công tác xử lý lập biên bản đối với các hộ dân xây dựng, lấn chiếm trái phép diện tích đã có quyết định thu hồi của UBND tỉnh ngày 08/6/2012; Quyết định số 92 về việc đình chỉ xây dựng, cơi nới nhà ở vật kiến trúc ngày 11/6/2012… đã “bốc hơi” khỏi hồ sơ.”
Trong khi đó, từ khi vụ án được khởi động đến nay, đương sự cùng các cơ quan báo chí đã nhiều lần lên tiếng phản ánh về tình trạng “ma” khi giải quyết vụ án từ việc thẩm phán ban hành “quyết định ma” đến việc mở “phiên tòa ma” với đày đủ HĐXX “ma” có đủ họ tên để ra quyết định Tạm đình chỉ vụ án trước (vụ án kiện quyết định cưỡng chế 6987) chờ kết quả giải quyết vụ sn án sau ( vụ án bổ sung khởi kiện quyết định XPHC 6240 ) trong khi vụ án sau tòa chưa thụ lý.
Tiếp đó, các luật sư còn yêu cầu Tòa án phúc thẩm dừng phiên tòa giám định 18 loại tài liệu nêu trên vì nghi ngờ có sự giả mạo. Tuy nhiên, các yêu cầu và đề xuất này đều bị Tòa phúc thẩm phớt lờ tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, hai luật sư đã phân tích rất cụ thể các căn cứ để xác định Bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: sử dụng các tài liệu không đảm bảo tính hợp pháp làm chứng cứ giải quyết vụ án, không đủ người làm chứng tham dự phiên tòa; áp dụng văn bản hướng dẫn Luật Điện lực để giải quyết vụ án hành chính, người bị kiện giao hơn 47 đầu tài liệu nhưng chỉ lập biên bản giao cho tòa phúc thẩm 18 đầu tài liệu, mở phiên tòa “ma”; Bản án sơ thẩm không xem xét quyết định cưỡng chế trong cả một quá trình để đánh giá sự việc khách quan toàn diện... Thế nhưng, HĐXX phúc thẩm vẫn quyết y án bản án sơ thẩm nêu trên.
Tại phiên tòa phúc thẩm, trong khi luật sư bảo vệ cho ông Bắc đòi thẩm vấn ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Hà Thượng nơi xẩy ra vụ án, nhưng HDXX lại cho nghỉ trưa. Phiên tòa tiếp tục vào buổi chiều thì không hiểu lý do gì ông chủ tịch này cùng 2 cán bộ liên quan đặc biệt đến vụ án ông chủ tịch và ông phó trưởng công an xã Bình thuận ) lại bất ngờ mất tích khó hiểu.
Luật sư Ngô tất Hữu cho rằng lời khai của họ rất quan trọng, chưa thẩm vấn xong mà họ vắng mặt đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập lại. Tuy nhiên, HĐXX không chấp thuận với lý do “đã có lời khai trong hồ sơ”. Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: “Tôi cho rằng mọi phán quyết của HĐXX phải được dựa trên sự thẩm vấn công khai tại phiên tòa, nếu vắng những người này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình truy tìm sự thật, hơn nữa nói như vị chủ tọa thì chúng ta cũng chẳng cần triệu tập những người này đến phiên tòa, thậm chí không cần mở phiên tòa làm gì cho tốn công tốn của mà chỉ cần nghiên cứu hồ sơ rồi ra luôn bản án là xong , nhưng thực tế các nhân chứng vắng mặt này chưa hề có lời khai trong hồ sơ vụ án".
Vụ kỳ án "dân kiện quan" đã kết thúc nhưng vẫn còn nhiều khúc mắc khiến người trong cuộc tỏ ra bất bình. Ông Nguyễn Văn Bắc khẳng định thời gian tới ông sẽ gửi đơn khiếu nại giám đốc thẩm.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Anh Thế