Thái Nguyên:

Vụ dân kiện chủ tịch huyện: Luật sư phát giác 29 tài liệu bị “mất tích” một cách khó hiểu

(Dân trí) - Ngày 23/10/2014, vụ kỳ án dân kiện quan ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đã được đưa ra xét xử sơ thẩm.Trong phiên tòa, phía UBND huyện Đại Từ đã phải giao nộp 47 đầu tài liệu được cho là tài liệu gốc của vụ việc. Tuy nhiên, trước phiên tòa xét xử phúc thẩm, luật sư Ngô Tất Hữu và luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết 29 tài liệu trong số đó đã biến mất khó hiểu.

Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm sơ thẩm vụ án người dân khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Đại Từ (Thái Nguyên), do nghi ngờ các tài liệu mà UBND huyện Đại Từ cung cấp có dấu hiệu giả mạo nên ông Nguyễn Văn Bắc và hai luật sư bảo vệ (luật sư Ngô Tất Hữu luật sư Trương Anh Tú) đã nhiều lần yêu cầu HĐXX sơ thẩm tiến hành giám định toàn bộ tài liệu tuy nhiên HĐXX sơ thẩm từ chối với lý do “toàn bộ các tài liệu do UBND huyện Đại Từ cung cấp đều là bản sao công chứng, không phải là tài liệu gốc để làm cơ sở giám định” (công văn 137/CV-TA ngày 29/08/2014).

Để có tài liệu phục vụ mục đích giám định, tại Phiên tòa sơ thẩm, hai luật sư buộc ông Trần Văn Mỳ - người đại diện cho người bị kiện giao nộp toàn bộ 47 tài liệu mà ông Mỳ cho là tài liệu gốc, là bản chính, bản sao, bản photo và thẩm phán Lương Đức Long đã đối chiếu và công bố công khai trước tòa.

Vụ dân kiện chủ tịch huyện: Luật sư phát giác 29 tài liệu bị “mất tích” một cách khó hiểu.
Vụ dân kiện chủ tịch huyện: Luật sư phát giác 29 tài liệu bị “mất tích” một cách khó hiểu.

Theo Luật sư Ngô Tất Hữu và Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), người được ông Nguyễn Văn Bắc mời tham gia bảo vệ quyền lợi thì: “Hiện nay, vụ án đang bước vào giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” nhất khi phiên tòa phúc thẩm sẽ được diễn ra vào hôm nay 29/01/2015, để có cơ sở làm việc trong phiên xét xử, ngày 20/01/2015, hai luật sư chúng tôi đã tiến hành sao chụp hồ sơ tài liệu giai đoạn phúc thẩm. Nhưng thật ngạc nhiên, trong số 47 tài liệu gốc mà ông Trần Văn Mỳ giao nộp đã được thẩm phán Long đối chiếu nay chúng tôi phát hiện chỉ còn lại 18đầu tài liệu, 29 tài liệu khác như: Biên bản kiểm tra đất đai ngày 06/6/2012; Quyết định số 91/QĐ-UBND thành lập tổ công tác xử lý lập biên bản đối với các hộ dân xây dựng, lấn chiếm trái phép diện tích đã có quyết định thu hồi của UBND tỉnh ngày 08/6/2012; Quyết định số 92 về việc đình chỉ xây dựng, cơi nới nhà ở vật kiến trúc ngày 11/6/2012… đã “bốc hơi” khỏi hồ sơ.

Trong khi đó, từ khi vụ án được khởi động đến nay, đương sự cùng các cơ quan báo chí đã nhiều lần lên tiếng phản ánh về tình trạng “ma” khi giải quyết vụ án từ “quyết định ma” đến “phiên tòa ma” trong vụ việc.

“Dù lý do nào đi chăng nữa thì việc29 tài liệu bị thất lạc không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính khách quan, toàn diện, đầy đủ khi giải quyết vụ án, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà còn có dấu hiệu của “Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo quy định tại Điều 300, BLHS. Điều này buộc HĐXX Phúc thẩm, TAND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.” Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Ngày 08/05/2013, TAND huyện Đại Từ đã thụ lý đơn ông Nguyễn Văn Bắc ở xã Hà Thương, huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên khởi kiện các quyết định hành chính và hành vi hành chính của Chủ tịch UBND huyện Đại Từ. Sau 07 lần hoãn phiên tòa, ngày 23/10/2014, vụ án đã được đưa ra xét xử. Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, ông Bắc đã kháng cáo và được TAND tỉnh Thái Nguyên thụ lý giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Ngày 21/01/2015, phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất đã được hoãn theo yêu cầu của ông Nguyễn Văn Bắc cần giám định các tài liệu. Nhưng nay Tòa phúc thẩm lại ấn định phiên xử vào ngày 29/01/2015.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế