Vụ cụ bà 76 tuổi kêu cứu ở Long An: Trở lại “điểm ban đầu” sau hàng trăm lá đơn khiếu nại!

(Dân trí) - Hàng trăm lá đơn khiếu nại, kiến nghị, cầu cứu được bà cụ 76 tuổi gửi đến các cấp từ địa phương đến Trung ương nhưng sau nhiều năm nỗi oan khuất của bà lại trở về “điểm ban đầu” đã giải quyết là TAND huyện Bến Lức. Nỗi lo mất trắng gần 15.000m2 đất đang khiến cụ bà mòn mỏi ở tuổi xế chiều.

Hủy toàn bộ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm

Vụ cụ bà 76 tuổi kêu cứu ở Long An: Trở lại “điểm ban đầu” sau hàng trăm lá đơn khiếu nại! - Ảnh 1.

TAND Cấp cao quyết định tuyên hủy hoàn toàn hai bản án dân sự sơ thẩm số 11/2013/DSST ngày 31/1/2013 của TAND huyện Bến Lức và bản án dân sự phúc thẩm số 233/DSPT ngày 30/8/2013 của TAND tỉnh Long An

Sau khi nhận hai bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm của TAND huyện Bến Lức và TAND tỉnh Long An, bà Đỗ Thị Ngọc (76 tuổi, ngụ phường 5, TP Tân An, tỉnh Long An, nguyên Chi cục Trưởng chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Long An) đã có đơn gửi đến TAND Cấp cao tại TP HCM để cầu cứu về việc gần 15.000 đất của gia đình bị bà bà Trần Thị Sáu (nguyên Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Bến Lức, tỉnh Long An) ngang nhiên chiếm đoạt.

Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2013/DSST ngày 31/1/2013 của TAND huyện Bến Lức và bản án dân sự phúc thẩm số 233/DSPT ngày 30/8/2013 của TAND tỉnh Long An về vụ án đều bác yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc đối với bà Sáu. Tòa chỉ yêu cầu bà Sáu hoàn trả cho bà Ngọc gần 7,1 triệu đồng tiền đền bù thu hồi đất, không chấp nhận yêu cầu bà Ngọc đòi lại phần đất hợp pháp của mình đã bị chiếm đoạt trước đó…

Cho rằng các bản án nêu trên đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bà Ngọc tiếp tục hành trình cầu cứu đến Viện KSND Cấp cao, TAND Cấp cao để tìm công lý.

Tại quyết định giám đốc thẩm số 47/2016/DS-GĐT ngày 22/2/2016 của Ủy ban thẩm phán – TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên hủy toàn bộ hai bản án dân sự sơ thẩm số 11/2013/DSST ngày 31/1/2013 của TAND huyện Bến Lức và bản án dân sự phúc thẩm số 233/DSPT ngày 30/8/2013 của TAND tỉnh Long An. Ủy ban thẩm phán – TAND Cấp cao tại TP HCM xét thấy, bà Ngọc không ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho bà Sáu, cũng không ủy quyền cho người khác chuyển nhượng QSDĐ cho bà Sáu. TAND cấp sơ thẩm và phúc thẩm công nhận cho vợ chồng bà Sáu được quyền sử dụng phần đất của bà Ngọc được cấp là trái pháp luật.

Với nhiều điểm uẩn khúc, bất thường trong hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên đối với bà Ngọc, TAND Cấp cao đã quyết định tuyên hủy toàn bộ hai bản án này. Giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Bến Lức, tỉnh Long An xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện TAND huyện Bến Lức đã tiếp nhận xét xử lại vụ án và nhiều lần mời các bên liên quan lên làm việc và làm các thủ tục để thẩm định tài sản tranh chấp.

“Mấu chốt” khiến cụ bà 76 tuổi kêu cứu nhiều năm ở đâu?

Vụ cụ bà 76 tuổi kêu cứu ở Long An: Trở lại “điểm ban đầu” sau hàng trăm lá đơn khiếu nại! - Ảnh 2.

Cụ Ngọc mòn mỏi trên hành trình tìm công lý

Trong đơn kêu cứu gửi đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh Long An, bà Ngọc luôn khẳng định, “mấu chốt” khiến vụ việc của bà kéo dài chính là việc “quả bóng trách nhiệm" của UBND huyện Bến Lức và Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện này.

Theo bản tường trình của UBND xã Thạnh Lợi về việc cấp GCNQSDĐ của bà Ngọc thể hiện, ngày 10/7/1995, bà Ngọc được UBND huyện Bến Lức ban hành quyết định số 1008/QĐ-UB cấp cho diện tích đất gần 15.000m2. Đến năm 2005, bà Trần Thị Sáu đến UBND xã Thạnh Lợi gặp cán bộ địa chính đăng kí xin cấp GCNQSDĐ và đại diện đăng kí hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho bà Ngọc. Sau khi xem xét các điều kiện, cán bộ địa chính đã tham mưu, lập tờ trình đề nghị UBND huyện Bến Lức cấp GCNQSDĐ cho bà Ngọc. Điều đáng nói, dù cuốn sổ đỏ mang tên bà Ngọc nhưng UBND huyện Bến Lức lại đưa cho bà Sáu…cầm hộ.

Khi có trong tay có cuốn sổ đỏ của bà Ngọc, năm 2007, bà Sáu đã chuyển nhượng phần đất của bà Ngọc cho người khác. Lần này cũng không có mặt bà Ngọc nhưng mọi giao dịch vẫn được UBND xã Thạnh Lợi tiếp nhận. Năm 2008, bà Ngọc đến UBND xã Thạnh Lợi đăng kí cấp sổ đỏ mới phát hiện vụ việc.

Sau đó UBND xã Thạnh Lợi đã thu hồi GCNQSDĐ của bà Ngọc với lí do chữ ký trong đơn cấp GCNQSDĐ không đúng với chữ ký người được cấp. Sau khi thu hồi vào ngày 24/4/2009, bà Ngọc đã đến UBND xã Thạnh Lợi xin cấp sổ đỏ cho diện tích đất gần 15.000 của mình, UBND xã Thạnh Lợi đã niêm yết công khai thông tin xin đăng ký cấp GCNQSDĐ của bà Ngọc tại UBND xã từ ngày 19/6 – 3/7/2009. Khi hết thời hạn công khai, bà Ngọc đã đem hồ sơ xin cấp sổ đỏ nộp về Văn Phòng đăng kí quyền sử dụng đất huyện Bến Lức.

Tưởng rằng, khi mọi việc đã rõ ràng thì bà Ngọc sẽ được cấp sổ đỏ cho phần diện tích đất hợp pháp của gia đình. Nhưng bộ hồ sơ của bà Ngọc đã bị “nghẽn lại” ở Phòng TN&MT huyện Bến Lức.

“Lẽ ra UBND huyện phải xem xét cấp GCNQSDĐ cho tôi thì ngược lại huyện lại ngăn chặn không cấp, việc làm này là cố ý vi phạm pháp luật, làm khó tôi. Thay vì thiện chí giải quyết cái sai của mình thì huyện Bến Lức đẩy sự việc sang tòa án, buộc TAND huyện thụ lý không đúng thẩm quyền. Đến tòa thì câu chuyện của tôi lại bị cuốn vào theo hướng khác khiến đến nay, dù tôi đã mòn mỏi, gửi đơn cầu cứu khắp nơi thì sự việc vẫn giậm chân tại chỗ. Tôi khiếu nại việc không cấp sổ đỏ cho tôi từ năm 2008 nhưng đến nay UBND huyện Bến Lức vẫn im lặng một cách khó hiểu”, bà Ngọc bức xúc trình bày.

Vụ cụ bà 76 tuổi kêu cứu ở Long An: Trở lại “điểm ban đầu” sau hàng trăm lá đơn khiếu nại! - Ảnh 3.

Dù gia đình cụ Ngọc có truyền thống cách mạng và đóp góp cho đất nước nhưng đến tuổi 76 cụ Ngọc vẫn chưa một ngày được yên vì cách giải quyết cơ quan chức năng

Nhằm làm rõ nội dung bà Ngọc phản ánh về việc bị “làm khó” khi xin cấp sổ đỏ tại huyện Bến Lức vào năm 2009, PV Dân trí nhiều lần liên lạc với lãnh đạo UBND huyện này để đặt lịch làm việc nhưng những người đứng đầu, có trách nhiệm trước dân đều “bận họp” không có thời gian để tiếp phóng viên.

Liên quan đến vụ việc này, đại diện gia đình bà Ngọc cho biết đã “cầu cứu” đến Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên - Xuân Hinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm