Hà Tĩnh:

Vụ cột viễn thông đè nát chân cháu bé 5 tuổi: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc cháu Nguyễn Trần Đức Sang bị cột viễn thông đè nát chân, câu hỏi đang được dư luận đặt ra, ai là người chịu trách nhiệm dẫn đến sự cố này và phải chịu trách nhiệm đến đâu? Trách nhiệm của Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà đến đâu khi để xảy ra sự cố trên và trách nhiệm bồi thường cho cháu bé sẽ như thế nào?

Để làm rõ những vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Chiều, Phó văn phòng Luật An Phát, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh.

Luật sư Phan Chiều, Phó văn phòng Luật An Phát, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh.
Luật sư Phan Chiều, Phó văn phòng Luật An Phát, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh.

PV: Thưa ông, để làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức khi để xảy ra vụ việc thương tâm cho cháu Sang, điều quan trọng cần thiết lúc này là gì?

Luật sư Phan Chiều: Để xác định trách nhiệm trực tiếp của cá nhân gây ra sự cố trong vụ việc này thì theo tôi Cơ quan điều tra Công an huyện Lộc Hà cần phối hợp với các cơ quan liên quan cần phải vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc cột viễn thông bị đổ trong quá trình thi công là do đâu?. Những ai là người có trách nhiệm quản lý, giám sát, thi công trong trường hợp này, tại thời điểm thi công có biển cảnh báo hay không?…

Nếu cơ quan điều tra xác định nguyên nhân sự cố cột viễn thông là do quá trình thi công không đúng quy trình, không có biển cảnh báo, thì những cá nhân liên quan tại đơn vị thi công cũng như những công nhân trực tiếp tham gia thi công, người giám sát là những người có lỗi và phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả thiệt hại đã gây ra.

PV: Khi đã xác định được nguyên nhân, trách nhiệm của những người liên quan thì quyền lợi của cháu Sang sẽ được đảm bảo như thế nào?

Luật sư Phan Chiều: Căn cứ theo quy định tại Điều 600 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Điều 600. Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra:

Đã nhiều tháng qua, gia đình cháu bé đã đi đến các cơ quan liên quan để tìm quyền lợi cho con nhưng cứ đùn đẩy trách nhiệm
Đã nhiều tháng qua, gia đình cháu bé đã đi đến các cơ quan liên quan để tìm quyền lợi cho con nhưng cứ đùn đẩy trách nhiệm

Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Như vậy, ở đây mặc dù đã giao khoán cho nhóm lao động thi công nhưng Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà cũng phải bồi thường thiệt hại cho cháu Sang.

Gia đình cháu Sang có thể yêu cầu Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà bồi thường: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất của cháu Sang như: Tiền thuê phương tiện đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu...

Bồi thường về chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của cha, mẹ cháu hoặc người khác chăm sóc cháu trong thời gian điều trị và một khoản tiền tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

PV: Trong trường hợp giữa các bên không thống nhất được cách thức và chi phí bồi thường thì bước tiếp theo gia đình cháu Sang phải làm gì?

Luật sư Phan Chiều: Trong trường hợp giữa gia đình cháu Sang và Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà không thống nhất được cách thức và chi phí bồi thường thì cha mẹ cháu có quyền làm đơn khởi kiện yêu cầu TAND huyện Lộc Hà để được giải quyết theo quy định pháp luật. Vì cháu Sang thuộc một trong những đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí nên nếu cần hỗ trợ về mặt pháp lý trong quá trình đi tìm quyền lợi của mình thì gia đình có thể liên hệ Luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Hà Tĩnh để được tư vấn, hướng dẫn.

PV: Trong báo cáo của Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà có nêu là sự việc xảy ra khi nhóm thi công đang tiến hành trồng cột viễn thông. Vậy, trách nhiệm của người đứng đầu Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà đến đâu khi xảy ra sự cố?

Luật sư Phan Chiều: Theo nội dung Công văn số 69/VTLH ngày 28/11/2016 của Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà báo cáo về vụ tai nạn lao động tại đơn vị thể hiện rất rõ: “khi đã bàn giao cột và mặt bằng xong thì ông Nguyễn Xuân Dương - tổ trưởng tổ kỹ thuật trở về đơn vị”. Như vậy tại thời điểm xảy ra sự việc không có bất cứ ai của chủ đầu tư (Trung tâm Viễn thông Lộc Hà) tiến hành giám sát, quản lý nhóm người lao động này làm việc để đảm bảo chất lượng công trình, an toàn lao động.

Vụ cột viễn thông đè nát chân cháu bé 5 tuổi: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự? - 3
Chiếu theo quy định pháp luật, Luật sư Phan Chiều cho biết: Giám đốc Trung tâm Viễn thông Lộc Hà có hành vi: “Không giao nhiệm vụ hoặc giao nhiệm vụ cho cấp dưới không rõ; không kiểm tra hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực hiện.” thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, có thể phải chịu một hoặc nhiều hình thức trách nhiệm: kỷ luật, dân sự, vật chất và trách nhiệm hình sự.
Chiếu theo quy định pháp luật, Luật sư Phan Chiều cho biết: Giám đốc Trung tâm Viễn thông Lộc Hà có hành vi: “Không giao nhiệm vụ hoặc giao nhiệm vụ cho cấp dưới không rõ; không kiểm tra hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực hiện.” thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, có thể phải chịu một hoặc nhiều hình thức trách nhiệm: kỷ luật, dân sự, vật chất và trách nhiệm hình sự.

Việc ông Nguyễn Xuân Dương không ở lại trực tiếp công trình để giám sát, quản lý nhóm lao động trên làm việc mà rời bỏ vị trí của mình trở về đơn vị là hoàn toàn trái quy định pháp luật, cho thấy sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong công tác giám sát, quản lý của Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà đối công trình thuộc đơn vị mình quản lý dẫn đến sự cố đau lòng trên.

Đối chiếu quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 3 Điều 10 Nghị định 157/2007/NĐ-CP Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ thì trong trường hợp này nếu Giám đốc Trung tâm Viễn thông Lộc Hà có hành vi: “Không giao nhiệm vụ hoặc giao nhiệm vụ cho cấp dưới không rõ; không kiểm tra hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực hiện.” thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, có thể phải chịu một hoặc nhiều hình thức trách nhiệm: kỷ luật, dân sự, vật chất và trách nhiệm hình sự.

Xin cảm ơn ông!

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Xuân Sinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm