Vụ công nhân bị sa thải kèm hình ảnh "kéo cắt cổ": Xin lỗi là xong?
(Dân trí) - Vụ 2 công nhân xin nghỉ việc nhưng lại phải nhận thông báo sa thải kèm hình ảnh bạo lực khiến dư luận hết sức bất bình. Độc giả Dân trí cho rằng, phía công ty chỉ xin lỗi là chưa đủ...
Sự việc hai công nhân thuộc công ty TNHH Iiyama Seiki Việt Nam (thuộc KCN VSIP Hải Phòng) nộp đơn xin nghỉ việc và được chấp thuận nhưng lại bị phía công ty dán thông báo sa thải kèm theo hình ảnh bạo lực đang gây bức xúc với nhiều người.
Giám đốc công ty này cũng bị người lao động tố là thường xuyên chèn ép, đối xử không đúng quy định pháp luật khi thường xuyên vào nhà vệ sinh chụp ảnh công nhân đưa lên các nhóm nội bộ của công ty; tự ý ra vào phòng nghỉ của công nhân trong giờ nghỉ để kiểm tra, làm mất giấc ngủ và vi phạm quyền riêng tư của công nhân.
Điều khiến dư luận bức xúc hơn cả là sau tất cả sự việc, phía công ty cho biết giám đốc công ty sẽ có thư xin lỗi và cam kết không có những hành vi nêu trên, trong khi đây là những hành động vi phạm pháp luật, không thể nói xin lỗi là xong được.
Dẫn chứng cho điều này, độc giả Toan Tran viết: "Theo Luật lao động, người lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động và báo trước 30 ngày đối với HĐLĐ có thời hạn, và 45 ngày đối với HĐLĐ không thời hạn. Để giải quyết các công việc của người lao động còn tồn tại, khi không vướng mắc gì thì người sử dụng lao động phải làm quyết định chấm dứt HĐLĐ cho người lao động và người sử dụng lao động phải thanh toán toàn bộ tiền lương, thưởng, chế độ quyền lợi cho người lao động trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định. Trường hợp người sử dụng lao động xúc phạm đến danh dự, của người lao động thì đưa ra xử lý theo quy định của luật thôi".
Nhiều độc giả cùng chung quan điểm khi cho rằng, "giám đốc mà hành xử thiếu văn hóa. Dù là công nhân hay ai họ luôn đáng được tôn trọng và có quyền lợi riêng".
Tuy nhiên, độc giả Binh Nguyen Thanh và Nguyễn Đức Quang lại đồng quan điểm khi cho rằng công ty này của Nhật, đang dùng tiếng lóng của nước họ chứ sự việc không đến nỗi căng thẳng như mọi người nghĩ. 2 độc giả này bình luận: "Chẳng qua ông giám đốc này vô tình sử dụng hình ảnh theo nghĩa của từ tiếng Nhật thôi. Trong tiếng Nhật có từ "Kubikiri", nếu dịch ra tiếng Việt có nghĩa là "cắt cổ" nhưng người Nhật dùng từ đó để chỉ việc sa thải công nhân. Còn chẳng phải người Việt cũng dùng theo nghĩa đó hay sao? Nói chung là khác biệt văn hóa thôi chứ không có gì to tát cả".
Ý kiến này đã vấp phải sự phản đối của độc giả Phuong Vo: "Từ sa thải và xin nghỉ việc khác nhau hoàn toàn nhé. Người ta xin nghỉ việc chứ sao lại bị sa thải, mà đã ở trên đất Việt thì phải theo người Việt chứ...".
Hành động tệ bạc, thiếu chuẩn mực đạo đức
Đó là quan điểm của luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị. Theo vị luật sư này, hành động của công ty TNHH Iiyama Seiki chẳng những không có tình nghĩa, lòng thương giữa con người với nhau mà còn biểu hiện của lối ứng xử tệ bạc, thiếu chuẩn mực đạo đức.
Bộ luật Lao động tại khoản 2 điều 8, các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động có quy định: "Cấm ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động".
Ngược đãi được hiểu là đối xử tệ bạc không có tình nghĩa, lòng thương trong đối xử. Sự việc công ty dán thông báo sa thải kèm hình ảnh bạo lực là hành động ứng xử kém văn minh, kém văn hóa, biểu hiện thái độ thù địch, công kích người lao động.
Hành động ngược đãi lao động như vậy chẳng những ảnh hưởng đến hình ảnh của người sử dụng lao động mà còn phải chịu chế tài của Luật Lao động. Khoản 3, điều 10 Nghị định 28/2020/NĐ-CP Quy định: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, theo luật sư Lực, việc giám đốc công ty vào phòng nghỉ, nhà vệ sinh chụp ảnh khi không được người lao động đồng ý cũng xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi của người lao động.
Hành vi này theo điểm a, khoản 1, điều 17. Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định: "Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc".