Vụ cống hóa mương Phan Kế Bính: Chủ đầu tư nói gì?

(Dân trí) - Sau khi Báo Dân trí có bài viết về dự án cống hóa 6.078m2 mương Phan Kế Bính để làm bãi đỗ xe, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội làm rõ. Trong khi cơ quan chức năng đang kiểm tra, xác minh về dự án, chúng tôi đã có cuộc trao đổi chi tiết với ông Võ Trí Dũng - đại diện Công ty Cổ phần Đa Quốc gia để hiểu rõ hơn hành trình của dự án này.

PV: Tại sao thành phố giao cho Công ty CP Đa Quốc gia làm bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ nhưng công ty lại tự ý cho thuê làm các dịch vụ kinh doanh nhà hàng, quán bia?

Ông Võ Trí Dũng: Cái này tôi xin khẳng định đến nay công ty làm đúng quy đinh bởi dự án đã trải qua 3-4 lần thanh tra thành phố và rất nhiều lần kiểm tra. Tháng 9-2006, dự án cống hóa mương Phan Kế Bính là dự án xã hội hóa đầu tiên của thành phố Hà Nội. Theo quyết định 159/2006/QĐ-UBND là công trình công cộng có mục đích kinh doanh. Đến tháng 10-2007, tại quyết định số 4227/QĐ-UBND, Công ty Đa Quốc gia được thành phố phê duyệt kết quả đấu thầu làm nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT. Kế đó, tháng 6-2008, UBND TP tiếp tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty thực hiện đầu tư xây dựng công trình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất của khu vực, giải quyết tình trạng thiếu điểm đỗ xe tĩnh, cung cấp dịch vụ phụ trợ. Thời gian thực hiện là trong 20 năm (2008-2028) với phương thức xã hội hóa.

Xin nhấn mạnh là công ty đã phải đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ (khoảng gần 200 tỷ thời điểm năm 2007), để thực hiện công trình này. Trong quá trình khai thác để hoàn vốn công ty đã ký hợp tác với một đơn vị thứ phát khai thác trông giữ xe và 4 đơn vị khác (một đơn vị đã chấm dứt hợp đồng) để kinh doanh dịch vụ phụ trợ theo đúng quy định.


Khu vực kênh mương Phan Kế Bính được cống hoá nhằm mục đích làm bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ.

Khu vực kênh mương Phan Kế Bính được cống hoá nhằm mục đích làm bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ.

PV: Nhưng dư luận cho rằng Công ty CP Đa Quốc gia lợi dụng dự án để kinh doanh thu lợi từ dịch vụ khác, còn việc trông giữ xe là ngụy trang cho có?

Ông Võ Trí Dũng: Điều này trên thực tế lại hoàn toàn ngược lại, 60% diện tích hiện có chúng tôi dành cho dịch vụ trông giữ, chăm sóc xe, 40% còn lại có chỗ khai thác dịch vụ có diện tích bỏ không chưa khai thác được gì. Công ty được giao cống hóa và khai thác hơn 6.000m2, tuy nhiên sau khi trừ đi các diện tích bao gồm vỉa hè, các tuyến giao thông cắt ngang khác thì diện tích còn lại chỉ còn hơn 4.000m2. Từ quỹ đất còn lại này, chúng tôi đã dành ra tới 2.500m2 để khai thác trông giữ ô tô và xe máy, chiếm tới gần 60% trên tổng diện tích sử dụng. Cụ thể, bãi trông giữ xe gần 1.300m2 (đoạn từ đường Nguyễn Văn Ngọc đến Viện Kiểm sát nhân dân quận Ba Đình), bãi trông giữ xe rộng 530m2 (đoạn giáp Tòa án nhân dân quận Ba Đình), điểm trông giữ xe hơn 500m2 (giáp ngã ba Liễu Giai- Phan Kế Bính), điểm dịch vụ chăm sóc xe gần 200m2 (khu vực giáp văn phòng công ty).

PV: Được biết hiện thành phố có chủ trương thu hồi toàn bộ khu đất của dự án?

Ông Võ Trí Dũng: Đúng là có việc này, tuy nhiên không hề liên quan tới pháp lý của công ty Đa Quốc gia với dự án mà đây đơn thuần là chủ trương của cơ quan chức năng. Trước đó, tháng 6-2008, UBND TP đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty thực hiện đầu tư xây dựng công trình “cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe theo hình thức BOT. Tuy nhiên đến tháng 4-2010 thanh tra thành phố đã có kết luận số 559/KL-TTTP về dự án cống hóa mương Phan Kế Bính. Tại kết luận này thanh tra thành phố kiến nghị UBND TP Hà Nội “giao Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, có phương án trình UBND TP Theo hướng cho phép công ty CP Đa Quốc gia chuyển từ chủ đầu tư dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe sang làm chủ đầu tư dự án mở rộng đường Phan Kế Bính theo hình thức BT”.

Tròn một tháng sau đó UBND TP Hà Nội có văn bản với nội dung tương tự “giao Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, có phương án trình UBND TP Theo hướng cho phép công ty CP Đa Quốc gia chuyển từ chủ đầu tư dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe sang làm chủ đầu tư dự án mở rộng đường Phan Kế Bính theo hình thức BT”.

Tháng 5-2016, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo “việc thực hiện dự án mở rộng đường Phan Kế Bính sẽ thực hiện theo dự án riêng” mà không theo hình thức BT nữa. Đồng thời chuyển sang hướng đền bù cho doanh nghiệp mà chưa có quy hoạch chi tiết mở rộng đường Phan Kế Bính. Thành phố cũng giao các sở ngành “xác định quỹ đất khác tương đương với giá trị công trình đã được Sở Tài chính thẩm định để giao cho Công ty CP Đa Quốc gia triển khai thực hiện dự án”.


Đại diện công ty Đa quốc gia cho rằng đã giành 2500m2 đất để thực hiện trông giữ ô tô và xe máy.

Đại diện công ty Đa quốc gia cho rằng đã giành 2500m2 đất để thực hiện trông giữ ô tô và xe máy.

PV: Có thông tin nói rằng Công ty CP Đa Quốc gia đang tiến hành xây dựng một số công trình trái phép trên khu đất đã được cống hóa?

Ông Võ Trí Dũng: Tôi cho rằng đây tiếp tục là sự nhầm lẫn. Trong thời gian chờ quy hoạch mở rộng đường Phan Kế Bính của cơ quan chức năng, một số hạng mục thuộc dự án bị xuống cấp trầm trọng, nguy hiểm đến an toàn của con người và tài sản như trường mầm non Koala House, khu nhà tạm trông giữ xe, showroom… Tháng 5-2016, UBND TP Hà Nội đã có văn bản cho phép công ty được phép gia cố, sửa chữa chống sập, chống dột với một số hạng mục. Tiếp đó, tháng 6-2016, Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn công ty sửa chữa đi kèm yêu cầu “không làm thay đổi kết cấu chịu lực, công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng môi trường, an toàn công trình thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng”.

PV: Ông lý giải ra sao về thông tin dư luận cho rằng công ty đang nợ tiền thuê đất của thành phố tới 60 tỷ đồng?

Ông Võ Trí Dũng: Đây lại là nỗi oan nghiệt lớn nhất đối với chúng tôi, một sự nhầm lẫn tai hại làm ảnh hưởng tới uy tín của công ty. Tôi khẳng định chắc như đinh đóng cột, trong suốt quá trình 10 năm nay, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nghĩa vụ với ngân sách thành phố. Chúng tôi không hề nợ thuế, không nợ lương, không nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp đối với cán bộ công nhân viên.

Có hai vấn đề chính cần được xác định chính xác để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Thứ nhất, hiện nay cơ quan chức năng xác định không chính xác diện tích đất thuê thực tế dẫn tới xác định sai số tiền thuê đất của công ty phải nộp cho thành phố. Việc điều chỉnh đơn giá thuê đất hàng năm theo tỷ lệ vượt giá sàn (65%) cũng không đúng theo quy định. Cụ thể, điều 8, nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14-11-2005 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước đã quy định rõ “đơn giá thuê đất của mỗi dự án được ổn định 5 năm”, tuy nhiên tại quyết định số 4227/QĐ-UBND lại nêu “điều chỉnh giá thuê 1m2 đất hàng năm”. Ngoài ra, tại điều 38, nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27-11-2009 của Thủ tướng chính phủ cũng quy định “doanh nghiệp BT được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích được sử dụng để xây dựng công trình BT trong thời gian xây dựng công trình…”.

Việc này, ngày 16-5-2016, Cục thuế thành phố Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị thành phố xem xét giao cho các sở ngành làm rõ nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê đất hàng năm để tính lại đơn giá thuê đất, theo hướng: Đơn giá thuê đất được ổn định trong thời gian 5 năm thay vì điều chỉnh hàng năm. Tiếp đó, ngày 21-4-2017, Sở Tài chính đã có văn bản hướng dẫn công ty Đa Quốc gia làm việc với Cục thuế thành phố để “được xem xét, giải quyết việc miễn giảm tiền thuê đất” của công ty tại dự án. Mới đây nhất, ngày 25-4-2017, Cục thuế thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi công ty nêu rõ “Sau khi có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến căn cứ xác định tiền thuê đất của công ty, Cục thuế sẽ xem xét nghĩa vụ về tiền thuê đất của công ty theo quy định”.

Như vậy đến nay công ty chúng tôi không hề nợ đọng bất cứ một khoản thuế nào.

Xin cảm ơn ông!

Lạng Thương