Vụ "cố ý gây thương tích" tại Kiên Giang: Thanh tra Bộ Công an chuyển TAND cấp cao giải quyết

(Dân trí) - Liên quan đến vụ cố ý gây thương tích xảy ra tại huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đối với người bị hại là ông Phạm Văn Sỹ, Thanh tra Bộ Công an vừa có văn bản chuyển đơn đến Tòa án nhân dân cấp cao để giải quyết.

Văn bản của Thanh tra Bộ Công an do Đại tá Lương Ngọc Dùng - Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an ký cho biết: “Thanh tra Bộ Công an có nhận được đơn của ông Phạm Văn Sỹ (ngụ huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Sau khi xem xét nội dung đơn và căn cứ quy định của pháp luật và Bộ Công an, Thanh tra Bộ Công an đã chuyển đơn của ông Sỹ đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật”.

Trước đó, Ban Dân vận Trung ương cũng đã chuyển đơn của ông Phạm Văn Sỹ đến Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét giải quyết.

Ông Phạm Văn Sỹ là người bị hại trong vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra trên địa bàn huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Sau bản án sơ thẩm của TAND huyện Phú Quốc và phúc thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang, ông Sỹ cho rằng các cơ quan tố tụng của huyện Phú Quốc đã xử lý vụ việc không thuyết phục nên ông gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan Trung ương đề nghị xem xét làm rõ.

Vụ cố ý gây thương tích tại Kiên Giang: Thanh tra Bộ Công an chuyển TAND cấp cao giải quyết - 1

Thanh tra Bộ Công an chuyển đơn của ông Phạm Văn Sỹ đến TAND cấp cao tại TPHCM để giải quyết theo pháp luật.

Theo đơn gửi cơ quan Trung ương, ông Phạm Văn Sỹ (SN 1977, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) là bị hại trong vụ án “Cố ý gây thương tích” do Nguyễn Trọng Đạt, Trần Tuấn Kiệt, Đoàn Minh Đông, Phạm Văn Công, Phạm Văn Lưu gây ra vào năm 2011.

Ông Sỹ cho rằng, trong quá trình điều tra vụ án, Công an huyện Phú Quốc đã không làm rõ nhân thân của đối tượng gây án là Nguyễn Trọng Đạt (SN 1979). Chính vì thế, sau 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND huyện Phú Quốc và TAND Kiên Giang, các bản án tòa tuyên là không thuyết phục.

Cụ thể, đối tượng Nguyễn Trọng Đạt khi gây án đang được tạm hoãn chấp hành Quyết định số 249/QĐ-UBND “V/v áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh tại Trung tâm giáo dục lao động xã Kiên Hảo - tỉnh Kiên Giang”. Tuy nhiên, kết luận điều tra, cáo trạng, các bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều ghi Nguyễn Trọng Đạt “có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự”.

Mặt khác, Nguyễn Trọng Đạt đang trong quá trình tạm hoãn chấp hành quyết định tập trung chữa bệnh và bị tạm giam sau khi gây án, thế nhưng, Đạt vẫn được Công an huyện Phú Quốc “chấp nhận” nhập hộ khẩu từ TP Rạch Giá ra huyện Phú Quốc.

Ngoài ra, ông Phạm Văn Sỹ bị các đối tượng gồm Đạt, Kiệt, Đông, Công, Lưu cùng nhau chặn đánh trên đường đi làm. Các đối tượng này đã dùng nhiều vật cứng nguy hiểm như đá, cây… đánh gây thương tích cho ông Sỹ đến 12%, nhưng chỉ bị đề nghị truy tố ở khoản 1, Điều 104 BLHS là không hợp lý, mà lẽ ra phải truy tố ở khoản 2, Điều 104 BLHS với tình tiết tăng nặng.

Vụ án này có đến 5 người thực hiện là có tổ chức nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ khởi tố và truy tố xét xử đối với 2 bị cáo là Nguyễn Trọng Đạt và Trần Tuấn Kiệt là chưa hợp lý, còn bỏ lọt người lọt tội.

H.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm