Kiên Giang - Bài 3:
Vụ cô thủ quỹ bị đuổi việc vì mất 600 nghìn đồng: Nhiều câu hỏi phẫn nộ và xót xa!
(Dân trí) - Bị cấp trên chỉ đạo cho nghỉ việc vì làm mất hơn 600 nghìn đồng, bị đàm tiếu “cơ quan cho nghỉ việc vì tư túi số tiền 70 triệu đồng” đã khiến cuộc đời của cô Mỹ Chi bị đảo lộn: vợ chồng phải ly hôn, cuộc sống hết sức khó khăn. Trong khi đó, giám đốc và kế toán sai phạm hàng trăm triệu đồng thì “hạ cánh” an toàn. Vụ việc này đã gây sự bất bình, phẫn nộ trong hàng trăm comment của bạn đọc gửi về báo Dân trí.
Sự việc cô Lê Thị Mỹ Chi - thủ quỹ tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Kiên Giang làm mất hơn 600 nghìn đồng bị đuổi việc mới được đăng tải tới kỳ báo thứ 2 nhưng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc báo Dân trí.
Theo kết luận thanh tra, cô Mỹ Chi không tư túi số tiền 70 triệu đồng, chỉ có lỗi không nhập quỹ số tiền này vào sổ sách. Cô Chi làm mất hơn 600.000 đồng nhưng bị cấp trên chỉ đạo cho nghỉ việc. Cô làm đơn khiếu nại, kiện ra tòa để minh oan cho bản thân nhưng tất cả đều bác đơn.
Đau xót hơn, cũng vì lời đàm tiếu bị cơ quan cho nghỉ việc vì tư túi số tiền 70 triệu đồng, vợ chồng cô phải li hôn. Hiện cô sống một mình, tự làm nuôi thân, cuộc sống khó khăn nhưng cô vẫn nuôi hy vọng được ngành chức năng xem xét lại vụ việc, sớm gột rửa tội “tham ô” 70 triệu đồng mà cô chẳng hề bỏ túi đồng nào.
Chia sẻ với PV Dân trí, cô Mỹ Chi bức xúc nói: “Tôi khiếu nại để làm rõ việc tôi không nhập quỹ 70 triệu đồng là tội hay lỗi, vì để nhập quỹ thì kế toán phải ra phiếu thu tôi mới nhập quỹ được. Còn nói tôi làm mất quỹ 70 triệu thì cũng làm rõ tôi mất là do đâu, khi nào? Trộm lấy hay đánh rơi hoặc tôi tư túi? Tuy nhiên việc này, tại biên bản phúc tra của Thanh tra tỉnh đã thể hiện rõ: số tiền 70 triệu có chi ra nhưng không nhập vào sổ quỹ. Đây là vấn đề quan trọng nhưng Sở Tài chính, Sở GD –ĐT và UBND tỉnh phớt lờ không làm rõ nên đã bác hết khiếu nại của tôi”.
Cô Chi còn cho biết, trong quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Ngọc Sương còn áp dụng “khoản 3, Điều 14, Luật Kế toán, ngày 29/11/2002…”. Cô Mỹ Chi tìm mãi chẳng biết Luật này ở đâu ra?
“Nghe qua là đã thấy vụ này "có vấn đề" rồi... Số tiền đó dám chắc đã có người "hiểu" nên mới "nhanh ra tay" xử lý như vậy...”- là quan điểm của bạn đọc Tuyen VT gửi về báo Dân trí sau khi theo dõi vụ việc.
Bạn đọc Hưng Phùng: “Có dấu hiệu tội phạm mà thanh tra lại không chuyển cơ quan điều tra. Xử lý thủ quỹ, còn chủ tài khoản và kế toán?”; “Các cấp nơi cô mỹ Chi công tác đâu? quyết định chi tiền đâu? (tiền có số). Cô Mỹ Chi cung cấp cho toà án đi thì toà giải quyết đúng thôi mà chưa cần phải dùng đến luật này luật nọ”, bạn đọc Phan Thủy.
“Với số tiền thất thoát như vậy cần phải phải khởi tố vụ án, đồng thời chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra thì mới rõ được”- Tây Nguyên; “Những việc nhỏ như con thỏ, hóa ra chính quyền không thể giải quyết, dân thiệt thòi đủ đường, vậy những vụ to thì thế nào? Câu hỏi này xin được gửi về lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cần giải quyết ngay”- bạn đọc Đang Quang.
Nhiều bạn đọc có chung ý kiến: “Cần làm rõ để trả lại sự khách quan, công bằng”- bởi “Không ai bảo vệ người tố cáo thì có hô hào thế nào đi chăng nữa cũng chả ai dám đi tố cáo đâu”.
“Mong Dân Trí bám sát vụ việc này để tìm và vạch rõ bộ mặt thật của những kẻ tham nhũng cố dùng quyền lực diệt người tố cáo tham nhũng”, bạn đọc Phạm Xuân Phụng; “Nhờ Dân trí đưa tin liên tục quá trình xét xử xem là ngô khoai thế nào, con kiến kiện củ khoai, ai cũng biết đúng sai, mà cứ lơ đi thế”, bạn đọc Nguyensam.
Bạn đọc với nickname Mèo hài hước: “Tại cô này trước đây không bỏ túi 70 triệu, không nuôi lợn, nấu rượu, chạy xe ôm hay làm giá đỗ, buôn chổi đót như nhiều người đã làm nên bị sa thải chăng? mong cô ấy sớm được trả lại sự công bằng”.
“Hy vọng cuối cùng chính là sức mạnh công luận từ Báo Dân Trí. Mong Dân Trí thông tin kịp thời vụ này để dân lấy lại lòng tin vào công lý”, bạn đọc Phạm Thanh Hương gửi gắm!
Vừa họp kỷ luật… nhận ngay quyết định nghỉ việc
Cô Lê Thị Mỹ Chi làm công tác thủ quỹ từ 01/2006 đến tháng 6/2009 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Kiên Giang. Tháng 3/2010, Thanh tra Sở Tài chính tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý thu, chi tài chính, quản lý tài sản nhà nước tại Trung tâm giáo dục thường xuyên này.
Quyết định của giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang không cần căn cứ Nghị định 35/2005/NĐ-CP, ngày 13/7/2005 của Chính phủ. Quyết định này không nêu lí do sa thải cô Mỹ Chi?
Ngày 01/4/2010, Giám đốc Sở Tài chính có Kết luận số 18/KL-STC. Theo đó, tổng số tiền sai phạm tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Kiên Giang gần 700 triệu đồng nhưng Sở này chỉ kiến nghị xử lí hành chính. Còn xử lý về vật chất, đối với Giám đốc, Kế toán và thủ quỹ Trung tâm giáo dục thường xuyên Kiên Giang có trách nhiệm thu hồi nộp ngân sách tỉnh số tiền hơn 450 triệu đồng, trong đó số tiền thu để ngoài sổ sách kế toán hơn 245 triệu, số tiền chi chứng từ không hợp lệ hơn 205 triệu và số tiền thiếu quỹ tiền mặt hơn 70 triệu đồng (gồm: 70 triệu cô Chi không nhập quỹ và mất quỹ tiền mặt 609.258 đồng)
Theo Kết luận số 18, sai phạm của từng cá nhân thể hiện rất rõ nhưng chẳng hiểu sao, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang lúc này là ông Bùi Ngọc Sương chỉ đạo cho cô Mỹ Chi thôi việc vì tội không nhập quỹ 70 triệu và làm mất quỹ tiền mặt hơn 600.000đồng. Trong khi Giám đốc và Kế toán sai phạm hàng trăm triệu đồng thì “hạ cánh” an toàn?
Từ chỉ đạo của nguyên Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương, ngày 13/5/2010, nhà giáo ưu tú Lê Quang Ngọ - Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Kiên Giang ra quyết định số 04, cho cô Mỹ Chi nghỉ việc. Đáng nói, biên bản họp Hội đồng kỷ luật của Trung tâm giáo dục thường xuyên và Quyết định cho cô Mỹ Chi nghỉ việc diễn ra cùng một ngày, 13/5/2010.
Hơn nữa, khi cô Mỹ Chi đang khiếu nại Kết luận số 18 của Sở Tài chính Kiên Giang thì Trung tâm giáo dục thường xuyên đã cho nghỉ việc trước 03 ngày, cô Chi nhận quyết định giải quyết khiếu nại của Sở Tài chính.
Sau đó, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên nhận thấy việc cho cô Mỹ Chi nghỉ việc là vượt thẩm quyền nên ra văn bản thu hồi quyết định cho cô Mỹ Chi nghỉ việc. Đến 01/11/2010, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Kiên Giang ra Quyết định số 2095, cho cô Mỹ Chi nghỉ việc.
Trong quyết định này, không nói lí do cô Mỹ Chi bị sa thải vì việc gì? Đáng nói, việc xem xét kỷ luật cô Mỹ Chi, giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang có thành lập Hội đồng kỷ luật nhưng lại căn cứ vào biên bản họp Hội đồng kỷ luật của Trung tâm giáo dục thường xuyên (ngày 13/5/2010) để ra quyết định cho cô Chi nghỉ việc là chưa phù hợp.
Tòa lao động… không thấy áp dụng luật lao động?
Sau khi các sở, ngành bác đơn khiếu nại, cô Mỹ Chi chạy đến tòa án kêu oan. Cô Mỹ Chi làm đơn kiện quyết định của giám đốc Sở GD –ĐT Kiên Giang về việc cho cô nghỉ việc không có lí do, nhưng nhiều lần tòa án hành chính TP Rạch Giá không nhận đơn. Sau đó, hướng dẫn cô Mỹ Chi sang tòa lao động.
Sau khi nhận đơn, ngày 5/11/2014, TAND TP Rạch Giá đưa ra xét xử công khai vụ việc: “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, cụ thể: Yêu cầu hủy quyết định buộc thôi việc số 2095/QĐ –SGD&ĐT ngày 01/11/2010 của giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang”.
Hiện tòa án nhân dân tối cao đã nhận được hồ sơ của cô Mỹ Chi. Hiện cô rất hy vọng và trông chờ vào quyết định của giám đốc thẩm về việc xem lại bản án phúc thẩm TAND tỉnh Kiên Giang, ngày 28/5/2015
Theo bản án, TAND TP Rạch Giá căn cứ vào các văn bản trả lời của Sở Tài Chính, Thanh tra tỉnh, Sở GD – ĐT Kiên Giang và kết luận của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Ngọc Sương… Tòa án còn căn cứ vào nhiều văn bản luật (nhưng không có Luật Lao động) để bác toàn bộ yêu cầu của cô Mỹ Chi. Tòa công nhận quyết định của giám đốc Sở GD – ĐT về việc cho cô Chi nghỉ việc là đúng.
Sau đó, cô Mỹ Chi tiếp tục kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Ngày 28/5/2015, TAND tỉnh Kiên Giang tiếp tục bác toàn bộ yêu cầu của cô Mỹ Chi về việc hủy bỏ quyết định buộc thôi việc của giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang.
Luật sư Đường Văn Tấn – Đoàn Luật sư Kiên Giang (hỗ trợ pháp lí cho cô Mỹ Chi), cho biết: “Là phiên tòa lao động nhưng trong hai bản án tôi tìm mãi chẳng thấy HĐXX căn cứ vào một điều khoản nào trong bộ Luật Lao động để xét xử vụ việc của cô Mỹ Chi. Theo Điều 58, Bộ Luật lao động qui định về những trường hợp bị xử lý kỷ luật sa thải khi có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc đã chuyển công tác nhưng tiếp tục vi phạm; bỏ việc 7 ngày trong một tháng, 20 ngày trong 1 năm. Như vậy, với trường hợp của cô Mỹ Chi thì không đủ cơ sở để Sở GD-ĐT ra quyết định sa thải cô Chi. Thế nhưng hai bản án đều khẳng định quyết định của giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang cho cô Chi nghỉ việc là đúng? Do vậy, Tòa án nhân dân tối cao cần xem xét lại vụ việc của cô Mỹ Chi cho thấu tình đạt lý”.
Hiện cô Mỹ Chi đã làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân tối cao, đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án 01/2015/LĐ-PT, ngày 28/5/2015 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang. Tòa án nhân dân tối cao đã nhận được đơn và có văn bản yêu cầu cô Mỹ Chi bổ sung thêm một số văn bản liên quan để hoàn chỉnh đơn đề nghị giám đốc thẩm.
Ngọc Hân (tổng hợp)