Bài 2:

Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco: Người lao động cũng bị dồn vào “chân tường”

(Dân trí) - Không chỉ 23 nhà đầu tư bỏ hơn 21 tỷ “tiền tươi” đi đuổi “vịt trời” suốt 10 năm sau khi tham gia cổ phần hoá tại HACINCO mà chính những người lao động đã làm việc và mua cổ phần tại HACINCO thời điểm tiến hành cổ phần hoá cũng bị dồn vào “chân tường”. Dư luận đặt câu hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm trước vụ cổ phần hoá kỳ lạ này?

Sau khi thông tin việc “Mua cổ phần Hacinco, 23 nhà đầu tư bỏ “tiền tươi” đi “đuổi vịt trời” suốt 10 năm” về vụ việc vô tiền khoáng hậu: hơn 10 năm cổ phần hóa vẫn chưa xong tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), khiến cho quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như của người lao động trong doanh nghiệp bị xâm phạm nghiêm trọng, báo Dân trí đã nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc, trong đó có cả những người lao động đã làm việc và mua cổ phần tại HACINCO thời điểm tiến hành cổ phần hoá.

Bao nhiêu năm tháng cống hiến, góp sức xây dựng Hacinco, thế nhưng khi cổ phần hóa, chính những người lao động đang làm việc tại công ty đã phải chuyển nợ lương, chuyển tiền quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của mình thành cổ phần, thậm chí nhiều người đã phải bỏ tiền mặt để mua cổ phần của HACINCO. Thế nhưng những cổ phần ưu đãi dành cho họ, dường như đã quá “ưu ái” khi níu giữ “tiền mồ hôi, nước mắt của người lao động” tại HACINCO đến tận bây giờ? Đã hơn 10 năm dâu bể, quyền - lợi ích hợp pháp của người lao động đã mua cổ phần khi cổ phần hoá HACINCO vẫn chỉ là con số 0 tròn chĩnh, vì đâu?

Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco: Người lao động cũng bị dồn vào “chân tường” - 1
Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco: Người lao động cũng bị dồn vào “chân tường” - 2

Vụ việc cổ phần hoá tại Công ty HACINCO đã từng được UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Vụ việc cổ phần hoá tại Công ty HACINCO đã từng được UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 29/10/2004, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 7252/QĐ-UB cho phép HACINCO triển khai cổ phần hóa và ngày 29/9/2005 ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa, HACINCO đã triển khai thực hiện các bước cổ phần hoá, theo đó xác định:

-  Giá trị thực tế doanh nghiệp: 260.208.975.812 đồng

-  Giá trị thực tế vốn nhà nước: 7.189.588.114 đồng

-  Vốn điều lệ dự kiến: 50.000.000.000 đồng

-  Giá khởi điểm cổ phần chào bán: 10.000 đồng/1 cổ phần

Sau khi tổ chức bán đấu giá thành công cổ phần của HACINCO, ngày 30/11/2005, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 7867/QĐ-UB điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ của HACINCO như sau:

Vốn điều lệ: 47.168.600.000 đồng; Vốn góp của Nhà nước: 4.553.600.000 đồng, tương ứng 9,65% vốn điều lệ; Vốn cổ đông trong Doanh nghiệp mua theo giá ưu đãi: 5.590.000.000 đồng, tương ứng 11,85% vốn điều lệ; Vốn cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch: 37.025.000.000 đồng, tương ứng 78,5% vốn điều lệ.

Ngày 02/11/2005, công ty đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thành lập Công ty cổ phần HACINCO, chờ UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định chuyển Doanh nghiệp nhà nước HACINCO thành Công ty cổ phần HACINCO thì mọi việc bị dừng lại do có nhiều sai phạm của công ty trong quá trình cổ phần hoá bị phát hiện. Kể từ đó đến nay, quyền lợi của người lao động liên tục bị chao đảo, gây tâm lý hoang mang, bức xúc cho người lao động.

Liên quan đến quyền lợi của người lao động khi cổ phần hóa tại HACINCO, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội.

Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco: Người lao động cũng bị dồn vào “chân tường” - 4

Thưa luật sư, trong quá trình cổ phần hoá HACINCO, một trong những sai phạm được phát hiện ra là việc tính trùng số năm công tác cho người lao động dẫn đến việc tính toán số cổ phần ưu đãi thiếu chính xác. Vậy xin luật sư cho biết pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Lam Hồng: Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là rất đúng đắn và phù hợp với thực tế, đáp ứng được nhu cầu phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có một điểm nhấn rất quan trọng là tạo điều kiện để người lao động phát huy quyền làm chủ tại doanh nghiệp - nơi mình đã gắn bó, cống hiến tâm huyết và sức lao động trong rất nhiều năm trời. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện chưa đúng, chưa hiệu quả chính sách và quy định pháp luật về cổ phần hóa, gây nên những hiệu quả tiêu cực, ngược lại với mục tiêu của việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước mà trường hợp tại HACINCO là một điển hình.

Một trong những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa là căn cứ vào phương án lao động do HACINCO lập, Tổ thẩm định phương án lao động của thành phố (Sở Lao động - Thương binh và xã hội và Liên đoàn Lao động thành phố) đã tính trùng số năm công tác của người lao động dẫn đến việc tính toán số cổ phần ưu đãi thiếu chính xác.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 37, Nghị định 187/2004/NĐ-CP thì: “Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm quyết định cổ phần hoá được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá giảm 40 % so với giá đấu bình quân bán cho nhà đầu tư khác.”

Vào năm 1998, khi thực hiện cổ phần hóa bộ phận Khách sạn HACINCO đã có 169 CBCNV của HACINCO mua 3.861 cổ phần ưu đãi, tương ứng với 3.278 năm công tác. Do vậy, số năm công tác của 169 CBCNV này không được tính lần 02 khi cổ phần hóa HACINCO, nên số năm công tác còn được mua cổ phần ưu đãi chỉ còn lại là: 2.312 năm (tương ứng số tiền là 2.312.000.000 đồng).

Theo ý kiến của Ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tại công văn số 167/BĐMDN ngày 19/4/2010 thì “người lao động chỉ được mua cổ phần ưu đãi một lần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước, các trường hợp mua cổ phần ưu đãi nhiều hơn một lần cho một năm làm việc tại khu vực nhà nước là không đúng với quy định của Nghị định 187/2004/NĐ-CP, cần phải thu hồi”.

Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco: Người lao động cũng bị dồn vào “chân tường” - 5

Quyền lợi của người lao động đã bị Công ty HACINCO ngâm tôm suốt 10 năm.

Quyền lợi của người lao động đã bị Công ty HACINCO "ngâm tôm" suốt 10 năm.

Vấn đề này đã được UBND TP Hà Nội khẳng định tại Công văn số 830/UBND-KL ngày 29/01/2011 gửi Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời các bộ ban ngành của Trung ương và UBND TP Hà Nội cũng đã thống nhất phương án giải quyết theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 2443/LĐTBXH-LĐVL ngày 19/7/2006 và Công văn số 2633/LĐTBXH-LĐVL ngày 03/8/2006, cụ thể: “Đối với người lao động đã được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa bộ phận doanh nghiệp (khách sạn Hacinco) cần được xóa bỏ hoặc giảm trừ quyền mua cổ phần ưu đãi của những người này khi cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2”

Trước đó, theo Thông báo số 283/TB-UBND ngày 27/8/2007 của UBND TP Hà Nội, để giải quyết số cổ phần ưu đãi có tính trùng năm công tác của người lao động thì sẽ áp dụng một trong hai hình thức: xóa bỏ hoặc giảm trừ quyền mua cổ phần ưu đãi.

Đối với trường hợp xử lý theo hình thức xoá bỏ quyền mua cổ phần ưu đãi tính trùng thì  người lao động sẽ phải hoàn trả lại cho Nhà nước toàn bộ số cổ phần đã được mua ưu đãi giảm giá khi cổ phần hoá khách sạn Hacinco và toàn bộ số cổ tức nhận được từ số cổ phần này. Người lao động được mua cổ phần ưu đãi giảm giá tại HACINCO trên toàn bộ thời gian công tác trong khu vực Nhà nước tính đến thời điểm cổ phần hoá HACINCO; Nhà nước sẽ hoàn trả cho người lao động số tiền mà người lao động đã nộp khi mua cổ phần ưu đãi tại khách sạn Hacinco và số tiền lãi tính trên số tiền người lao động đã nộp với mức lãi suất thoả thuận.

Còn đối với trường hợp xử lý theo hình thức giảm trừ quyền mua cổ phần ưu đãi tính trùng thì người lao động không phải hoàn trả lại Nhà nước số cổ phần đã được mua ưu đãi giảm giá khi cổ phần hoá khách sạn Hacinco và cổ tức đã nhận; và thời gian công tác để mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hoá HACINCO được tính từ khi cổ phần hoá bộ phận khách sạn Hacinco đến thời điểm cổ phần hoá HACINCO.

Vậy đối với trường hợp người lao động bị HACINCO nợ lương, sau đó đã chuyển lương, thưởng thành số tiền mua cổ phần thì quyền - lợi ích hợp pháp của người lao động được pháp luật quy định như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Lam Hồng: Thời điểm sau khi có quyết định cổ phần hóa, cuộc sống của người lao động tại HACINCO dường như có thêm rất nhiều khó khăn khi Công ty nợ lương của CBCNV tháng 7, 8, 9/2005 với tổng số tiền phải trả lên tới gần 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không hiểu dựa trên cơ sở pháp lý nào, HACINCO đã quyết định chuyển nợ lương CBCNV tháng 7, 8, 9/2005 thành vốn góp để mua cổ phần ưu đãi với số tiền đề nghị chuyển là 581.104.100 đồng (Theo Báo cáo số 29/BC-TL ngày 12/02/2006 của HACINCO) trong khi đó, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 31/12/2004.

 


Bộ Lao động thương binh và xã hội chỉ rõ sai phạm trong cổ phần hoá tại HACINCO.

Bộ Lao động thương binh và xã hội chỉ rõ sai phạm trong cổ phần hoá tại HACINCO.

Chính vì vậy, người lao động lại tiếp tục rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi trước đó họ bị nợ lương nhiều tháng trời, còn khi tiến hành cổ phần hoá thì 42.221 cổ phần ưu đãi chuyển nợ lương thành vốn góp của CBCNV không đúng quy định nên không được công nhận, do các khoản nợ lương (theo danh sách nợ lương tháng 7, 8, 9/2005) phát sinh sau ngày xác định giá trị doanh nghiệp (theo Công văn số 830/UBND-KL ngày 29/01/2011 của UBND TP Hà Nội).

Sở dĩ các khoản nợ lương của người lao động chuyển thành vốn góp mua cổ phần ưu đãi không hợp pháp và không được công nhận là bởi theo quy định tại khoản 1, Điều 12, Nghị định số 187/2004/NĐ-CP thì: “Doanh nghiệp phải huy động các nguồn để thanh toán các khoản nợ đến hạn trả trước khi cổ phần hoá hoặc thoả thuận với các chủ nợ để xử lý hoặc chuyển thành vốn góp cổ phần”. Trên thực tế, cho đến thời điểm ngày 31/12/2004, HACINCO không nợ lương CBCNV, mà chỉ phát sinh nợ lương vào thời điểm tháng 7, 8, 9/2005. Vậy nên đối với các khoản nợ lương phát sinh sau ngày xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá đều không được chuyển thành vốn góp cổ phần.

Bên cạnh đó, HACINCO còn quyết định chuyển số dư Quỹ khen thưởng, phúc lợi là 899.965.005 đồng (theo Báo cáo số 30/BC-TL ngày 15/02/2006 của Hacinco; theo Quyết định số 7867/QĐ-UB ngày 30/11/2005 của UBND TP Hà Nội) để mua cổ phần cho người lao động, thậm chí còn rất nhiều CBCNV bỏ tiền mặt để mua cổ phần ưu đãi của HACINCO với số tiền lên tới 1.889.790.000 đồng (theo Quyết định số 1886/QĐ-UBND ngày 22/4/2010).

Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa được phép chuyển số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi chia cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp để mua cổ phần (Điều 15, Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004)

Như vậy, mặc dù tiền lương, thưởng tháng 7, 8, 9/2005 của người lao động tại HACINCO không được chuyển thành vốn góp mua cổ phần ưu đãi, nhưng số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi cũng như khoản tiền mặt mà NLĐ đã bỏ ra để mua cổ phần ưu đãi đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định thì người lao động phải được chấp nhận là chủ sở hữu hợp pháp của cổ phần tại HACINCO, nhưng đã hơn 10 năm qua, HACINCO vẫn chưa cổ phần hóa xong nên về thực tế người lao động vẫn chưa “chạm tay” được vào quyền - lợi ích hợp pháp của họ.

Xin luật sư cho biết quyền và lợi ích hợp pháp của những lao động bị nghỉ việc do dôi dư sau cổ phần hoá theo quy định pháp luật?

Luật sư Lam Hồng: Theo Báo cáo số 29/BC-TL ngày 12/02/2006 của HACINCO thì khi cổ phần hóa, có khoảng 100 người lao động dôi dư và HACINCO phải có trách nhiệm “xây dựng phương án sắp xếp lao động ...” và “giải quyết chính sách, chế độ” đối với người lao động dôi dư đó (theo Điều 9, Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002).

Tuy nhiên, cũng theo Báo cáo số 29/BC-TL, thì sau khi HACINCO hoàn tất việc bán cổ phần và tổ chức đại hội đồng cổ đông, Công ty vẫn chưa có quyết định chính thức chuyển đổi thành Công ty cổ phần, điều đó đã làm cho “đời sống của gần 600 lao động có hợp đồng chính thức và hàng trăm lao động thời vụ đang cực kì khó khăn. Đặc biệt là quyền lợi của 100 người lao động dôi dư được hưởng quyền lợi theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP của Chính phủ”

Vậy trong quá trình cổ phần hóa tại HACINCO, quyền lợi về trợ cấp mất việc làm, trợ cấp tiền lương, ưu đãi về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm... đối với khoảng 100 người lao động dôi dư theo quy định từ Điều 3 đến Điều 6, Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 liệu đã được đảm bảo theo quy định của pháp luật hay chưa khi mà tiến trình cổ phần hoá vẫn còn dở dang suốt 10 năm nay?

Hiện trạng cho thấy quá trình cổ phần hóa tại HACINCO người lao động “đi chẳng được mà ở cũng chẳng xong”, họ bị cuốn vào “mớ bòng bong” về cổ phần ưu đãi mà đến nay vẫn chưa có hồi kết. Điều đó, khiến người lao động hoang mang, lo lắng, khiến dư luận xã hội không khỏi hoài nghi về “số phận” của các khoản tiền mà người lao động đã tích góp bao năm để mua cổ phần ưu đãi của HACINCO hiện đang ở đâu? HACINCO quản lý, sử dụng khoản tiền này như thế nào? Quyền làm chủ doanh nghiệp, cơ hội kinh doanh, lãi suất và bao nhiêu rủi ro về trượt giá, thay đổi chính sách, pháp luật về cổ phần hóa đối với người lao động, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế