Bài 41:
Vụ cổ phần hóa tai tiếng tại HACINCO: Vốn nhà nước “tiêu tán” sạch vì đâu?
(Dân trí) - “Sự yếu kém trong việc quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh trước khi cổ phần hóa đã dẫn đến sai phạm của HACINCO trong quá trình chuyển nợ thành vốn góp, chuyển nợ lương của người lao động trái quy định pháp luật. Ban lãnh đạo HACINCO mà trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc công ty”, luật sư Vũ Hồng Thanh phân tích.
Trở lại với vụ việc cổ phần hóa Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), có thể thấy rằng việc HACINCO cổ phần hóa hơn 10 năm vẫn chưa xong bắt nguồn từ chính những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa của Ban lãnh đạo HACINCO mà trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc HACINCO. Những sai phạm bị phát hiện sau khi Đại hội cổ đông đã được tiến hành khiến cho việc giải quyết trở nên vô cùng khó khăn, phức tạp, cuốn quá trình cổ phần hóa HACINCO vào những “mớ bòng bong” chưa có hồi kết.
Một trong những vấn đề mà ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc HACINCO phải chịu trách nhiệm chính đó là: sự yếu kém trong công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp dẫn đến thua lỗ, Nhà nước mất hết vốn tại doanh nghiệp này.
Luật sư Vũ Hồng Thanh - Trưởng văn phòng Luật sư Thanh Vũ nhận định: Sự yếu kém trong công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của Ban lãnh đạo HACINCO, mà trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Chí Sỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa HACINCO, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và người lao động đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO.
Hàng loạt sai phạm trong việc thâu tóm cổ phần tại HACINCO liên quan đến nguyên giám đốc Nguyễn Chí Sỹ được Công an TP Hà Nội kết luận.
Thứ nhất, sự yếu kém trong việc quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh trước khi cổ phần hóa đã dẫn đến sai phạm của HACINCO trong quá trình chuyển nợ thành vốn góp, chuyển nợ lương của người lao động trái quy định pháp luật.
Sự yếu kém trong công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của HACINCO trước khi cổ phần hóa đã được khẳng định tại Báo cáo số 5494/UBND-CN ngày 24/11/2006 của UBND TP Hà Nội gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội, theo đó:
“Các dự án kinh doanh của HACINCO tiến hành dàn trải, thời gian đầu tư kéo dài, không hiệu quả. Nhiều công trình xây dựng dở dang không có vốn hoàn thiện (nhà 17 tầng và nhà 21 tầng của Làng sinh viên, công trình xây dựng tại số 324 Tây Sơn…) gây lãng phí trong sử dụng vốn.”
“Việc thực hiện dự án “Làng sinh viên” không đem lại hiệu quả kinh tế vì vốn đầu tư lớn và chủ yếu sử dụng vốn vay, thời gian đầu tư kéo dài, công tác quản lý còn nhiều bất cập, doanh thu cho thuê thấp nên thời gian thu hồi vốn chậm, làm phát sinh số nợ quá hạn quá lớn. Mặc dù đã được Ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất tiền vay, song khả năng tài chính vẫn còn khó khăn, áp lực tài chính nặng nề.”
Căn cứ vào báo cáo quyết toán tài chính của HACINCO 3 năm trước thời điểm xác định giá trị doanh ngiệp cổ phần hóa (31/12/2004) có thể thấy rằng, ông Nguyễn Chí Sỹ đã liên tục huy động số vốn vay quá lớn vào hoạt động sản xuất kinh doanh (Năm 2002, HACINCO nợ Ngân hàng 79.305 triệu đồng đến năm 2004 số nợ này lên tới 172.592 triệu đồng). Điều này gây áp lực lớn trong việc trả nợ gốc và lãi vay. Hiệu quả sản xuất kinh doanh hàng năm của HACINCO rất thấp. Doanh thu của HACINCO từ năm 2002 - 2004 luôn thấp hơn số tiền nợ phải trả của doanh nghiệp. Về lợi nhuận, năm 2002 lợi nhuận trước thuế của HACINCO là 373 triệu đồng nhưng chỉ hai năm sau, đến năm 2004 thì doanh nghiệp này không có lợi nhuận và bị âm số vốn lên tới 1.953 triệu đồng, khiến cho số vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này mất đi gần 2 tỷ đồng (Năm 2002 vốn Nhà nước là 9.693 triệu đồng, tới năm 2004 chỉ còn 7.943 triệu đồng). Nhìn chung, nếu loại trừ số tiền được Ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất tiền vay hàng năm và hạch toán phân bổ đúng các khoản chi phí phát sinh thì tình hình sản xuất kinh doanh của HACINCO luôn trong tình trạng thua lỗ, mất vốn Nhà nước.
Trên thực tế, sự yếu kém trong công tác quản lý sử dụng tiền vay, việc sử dụng vốn vay tùy tiện sai mục đích của HACINCO (vay 170 tỷ đồng để xây dựng làng sinh viên nhưng thực tế mới đưa vào sử dụng khai thác 50 tỷ đồng, đầu tư dở dang nhà 17 và 21 tầng 70 tỷ đồng, số còn lại 50 tỷ đồng lại đầu tư vào công trình 324 Tây Sơn và công trình khác) không chỉ làm tăng chi phí sử dụng vốn vay, gây áp lực về tài chính cho HACINCO mà còn trực tiếp dẫn tới hậu quả doanh nghiệp không có nguồn tài chính để thanh toán lương đúng hạn cho người lao động, có thời điểm nợ đến 06 tháng tiền lương, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của những người lao động trong doanh nghiệp.
Xuất phát từ những áp lực về tài chính nêu trên, khi cổ phần hóa HACINCO, Ban lãnh đạo HACINCO đã quyết định chuyển một phần nợ vay của các nhà đầu tư, nợ lương của những người lao động thành vốn góp cổ phần, cụ thể:
Ngày 15/11/2005, HACINCO có công văn số 107/CV-TCKT xin chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần, theo đó:
- Chuyển nợ thành vốn góp đối với số cổ phần bán đấu giá là: 14.360.500.000 đồng
- Chuyển nợ tiền lương cán bộ công nhân viên trong công ty thành vốn góp đối với số cổ phần bán ưu đãi: 581.104.100 đồng.
Sự yếu kém trong công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của HACINCO trước khi cổ phần hóa đã được khẳng định tại Báo cáo số 5494/UBND-CN ngày 24/11/2006 của UBND TP Hà Nội gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Tuy nhiên, do Hacinco không thực hiện đúng quy định để chuyển nợ vay và nợ lương của người lao động thành vốn góp cổ phần nên đã không được các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền công nhận. Điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư và những người lao động tại doanh nghiệp, bao nhiêu năm cống hiến sức lực tại HACINCO của người lao động trở thành con số 0 tròn chĩnh.
Có thể thấy, sự yếu kém trong công tác quản lý tại HACINCO đã dẫn đến những sai phạm trong quá trình chuyển nợ thành vốn góp khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Từ chính những sai phạm này lại dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa HACINCO, xâm phạm quyền lợi của các nhà đầu tư và người lao động đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO từ năm 2005. Như vậy, nhà đầu tư và người lao động là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất xuất phát từ chính sai phạm của Ban lãnh đạo HACINCO mà trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Chí Sỹ.
Thứ hai, sự yếu kém trong việc quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của HACINCO trong quá trình cổ phần hóa đã dẫn đến việc HACINCO liên tục bị thua lỗ, Nhà nước hoàn toàn mất vốn tại doanh nghiệp và phải sử dụng vốn của các nhà đầu tư mua cổ phần tại HACINCO để tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Tại Báo cáo số 5494/UBND-CN ngày 24/11/2006 của UBND TP Hà Nội gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đã khẳng định về tình trạng thua lỗ của HACINCO dẫn đến mất vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này, theo đó:
Từ năm 2005, khi chưa hoàn tất quá trình cổ phần hóa, HACINCO vẫn hoạt động trên cơ sở là doanh nghiệp Nhà nước với bộ máy lãnh đạo của Công ty cũ điều hành. Hoạt động kinh doanh của HACINCO “tiếp tục thua lỗ với số tiền lên tới 7.400 triệu đồng, vượt quá số vốn Nhà nước hiện có (7.189 triệu đồng)”. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thua lỗ, Nhà nước mất hoàn toàn vốn tại doanh nghiệp cũng xuất phát từ sự yếu kém trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, cụ thể:
“- Doanh thu năm 2005 giảm 31% so với năm 2004 trong khi các khoản mục chi phí hầu hết đều tăng (chi phí bán hàng tăng 1%, chi phí quản lý tăng 60% tương đương 1.947 triệu đồng)…
- Việc đầu tư tài sản với giá trị lớn, hiệu suất sử dụng tài sản thấp (đầu tư thêm 2 chiếc cẩu trị giá 5 tỷ đồng để phục vụ cho xây dựng công trình Nhà văn hóa quận Tây Hồ nhưng chỉ sử dụng trong 1 tháng sau đó bỏ không nhưng theo quy định vẫn phải trích khấu hao cho cả năm góp phần làm tăng thêm lỗ: 700 triệu đồng cùng với 800 triệu đồng khấu hao của các thiết bị khác không sử dụng hết công suất).
- Vốn vay Ngân hàng tăng 26% nhưng không có công trình hoàn thành đưa vào sử dụng làm tăng chi phí lãi suất tiền vay”
Chính sự yếu kém trong việc quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, việc đầu tư dàn trải nhưng chậm thu hồi vốn, nợ đọng lớn của Ban lãnh đạo HACINCO đã dẫn tới việc thua lỗ, mất hết vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này. Vì vậy, khi các nhà đầu tư và người lao động nộp tiền mua cổ phần theo thông tin chào bán cổ phần của HACINCO, HACINCO đã không nộp tiền mua cổ phần vào tài khoản của doanh nghiệp tại Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật mà giữ lại một phần số tiền này để ổn định đời sống cán bộ công nhân viên, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho đến nay (ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc HACINCO khẳng định tại Công văn số 36/CV-TCKT ngày 27/7/2007 của HACINCO gửi Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Vụ pháp chế - Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp). Điều này đã được UBND TP Hà Nội khẳng định trong Báo cáo số 5494/UBND-CN ngày 24/11/2006:
“Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 không nhận thức đúng về các quy định này của Nhà nước, tự ý sử dụng tiền thu bán cổ phần không đúng quy định, cụ thể như sau:
- Tổng số tiền bán đấu giá phải nộp tài khoản tiền thu bán cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa là: 30.237.600.000 đồng
- Tổng số tiền doanh nghiệp đã nộp là: 22.666.100.000 đồng.
- Số tiền doanh nghiệp không nộp, để lại quỹ tiền mặt của Công ty và sử dụng không đúng quy định là: 7.571.500.000 đồng.”
Công văn số 36/CV-TCKT ngày 27/7/2007 của HACINCO gửi Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Vụ pháp chế - Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp.
Số tiền mua cổ phần của các nhà đầu tư và người lao động mà Ban lãnh đạo HACINCO sử dụng đã giúp cho HACINCO tồn tại và vượt qua được những khó khăn hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, nghịch lý nằm ở chỗ HACINCO ngày càng vững mạnh còn các nhà đầu tư và người lao động vẫn mòn mỏi đấu tranh cho quyền và lợi ích hợp pháp đã hơn một thập kỷ.
Có thể thấy, ông Nguyễn Chí Sỹ đã có hàng loạt các hành vi vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của Giám đốc HACINCO được quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật doanh nghiệp Nhà nước 2003, cụ thể:
“Điều 27. Nghĩa vụ, trách nhiệm của Giám đốc
…4. Khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Giám đốc sẽ không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tuỳ theo mức độ vi phạm:
a) Để công ty nhà nước lỗ;
b) Để mất vốn nhà nước;
c) Quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư;
d) Không bảo đảm tiền lương và các chế độ khác cho người lao động ở công ty theo quy định của pháp luật về lao động;
đ) Để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản, về chế độ kế toán, kiểm toán và các chế độ khác do Nhà nước quy định.”
Những sai phạm này thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp - một trong những nguyên nhân khiến cho quá trình cổ phần hóa kéo dài hơn một thập kỷ mà chưa đến hồi kết. Ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc HACINCO là người phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm này. Tại Báo cáo số 07/CV/CAHN(PC15) ngày 16/01/2007, Công an thành phố Hà Nội cũng đã khẳng định: “Đối với những sai phạm trong quá trình tổ chức cổ phần hóa Công ty đầu tư xây dựng số 2, trách nhiệm thuộc về Giám đốc Công ty”.
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 25 Luật doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 và điểm b khoản 8 Điều 34 Nghị định 199/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác: “8. Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) bị miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong các trường hợp sau đây:
…b) Để công ty thua lỗ hai năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư hai năm liên tiếp hoặc ở trong tình trạng giữa hai năm lỗ có một năm lãi hoặc hoà vốn; trừ các trường hợp: lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư có lý do khách quan được giải trình và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận; những năm mới hoạt động sau khi đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ mà trong báo cáo khả thi đã xác định có lỗ…” thì đối với sai phạm của mình, ông Sỹ sẽ bị miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 27: “Trường hợp để công ty lâm vào tình trạng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 25 của Luật này thì tuỳ theo mức độ vi phạm và hậu quả bị hạ lương và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật” và quy định tại điểm c khoản 6 Điều 27 Luật doanh nghiệp Nhà nước 2003: “Phải chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với chủ nợ do không thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm a và điểm b khoản này”. Như vậy, ông Sỹ còn có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật đối với sai phạm trong việc để doanh nghiệp thua lỗ liên tiếp 02 năm và có thể sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với chủ nợ do không thực hiện được các nghĩa vụ tài sản đến hạn phải trả của doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong trường hợp thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“Điều 144. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước
1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản của Nhà nước từ một năm đến năm năm”.
Thiết nghĩ, việc xử lý sai phạm của các cá nhân trong quá trình cổ phần hóa HACINCO là rất cần thiết để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và là bài học cho các doanh nghiệp khác trong quá trình cổ phần hóa. Vậy ông Nguyễn Chí Sỹ đã phải chịu trách nhiệm như thế nào đối với những sai phạm của mình trước và trong quá trình cổ phần hóa HACINCO? Đã có quyết định xử lý những sai phạm của ông Sỹ từ phía cơ quan chức năng hay chưa? Quá trình xử lý các vi phạm có đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và đảm bảo sự “tâm phục” từ phía dư luận xã hội?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế