Bài 59:
Vụ cổ phần hóa HACINCO: Tiền nhà nước “tiêu tán” sẽ được thu hồi thế nào?
(Dân trí) - “Tùy thuộc vào mức độ thiệt hại và mức độ lỗi trong quá trình điều hành Công ty Hacinco, ông Nguyễn Chí Sỹ, nguyên Giám đốc công ty có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường vật chất cho Nhà nước theo quy định pháp luật. Trong trường hợp thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, ông Nguyễn Chí Sỹ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Phạm Quang Biên nhận định.
Liên quan đến vụ việc cổ phần hóa Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), như Báo Điện tử Dân trí đã đưa tin, vào năm 2005, 2006, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HACINCO liên tục gặp thua lỗ, dẫn đến việc Nhà nước mất hết vốn tại doanh nghiệp này. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp, gây thất thoát tài sản Nhà nước mà còn xâm phạm đến quyền lợi của các nhà đầu tư hợp pháp mua cổ phần tại doanh nghiệp năm 2005, khiến các nhà đầu tư vô cùng bức xúc.
Trên thực tế, vấn đề thất thoát tài sản Nhà nước nói chung và vấn đề thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước nói riêng là một vấn đề được tranh luận sôi nổi trên nghị trường Quốc hội trong thời gian gần đây đã và đang thu hút được sự chú ý của đông đảo các đại biểu Quốc hội, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng như dư luận xã hội.
Trong phiên thảo luận mới đây tại Nghị trường về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), theo Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam tường thuật, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Hà Nội - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc Dân nhận định: …có ba lý do: Trình độ quản lý của doanh nghiệp yếu kém dẫn đến kinh doanh không hiệu quả. Vì động cơ cá nhân, những người quản lý đã đầu tư những hoạt động không hiệu quả nhằm thu lợi ích cá nhân như đầu tư máy móc, thiết bị không phù hợp nhưng lại hưởng lợi từ đấy. Đầu tư vào lĩnh vực không hiệu quả nhưng được chia phần từ những lĩnh vực đầu tư này. Hoặc cố tình tính giá trị đầu tư lớn hơn để hưởng những lợi ích, phần trăm từ đó.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nêu lên một thực tế nhức nhối: Dù doanh nghiệp lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay xử lý đi tù vì chuyện quản lý yếu kém để doanh nghiệp lỗ... Thậm chí, có doanh nghiệp khi cần báo cáo để tăng chức, tăng quỹ lương hoặc để xin vốn thì ngay lập tức sẽ có báo cáo lãi, khi báo cáo cho cơ quan tài chính để nộp thuế thì lại có một báo cáo lỗ.
Những doanh nghiệp lỗ, nhưng đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp vẫn được hưởng mức lương cao chứ không phải thấp vì cơ chế trả lương cho các doanh nghiệp là khi doanh nghiệp làm ăn có lãi thì được xác định mức lương theo mức lãi, nhưng khi lỗ thì không được tăng lương nhưng không bị giảm mức lương này xuống. Chính vì yếu tố trên nên đây là một động lực lôi kéo những người quản lý doanh nghiệp không muốn cổ phần hóa DNNN.
Vậy trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp như thế nào khi để doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ? Có phát sinh trách nhiệm bồi thường vật chất của người đứng đầu doanh nghiệp trong việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ dẫn đến mất vốn Nhà nước hay không?
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Quang Biên - Giám đốc Hãng Luật IMC để làm rõ các khía cạnh pháp lý.
Luật sư Phạm Quang Biên nhận định: Trong trường hợp Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, dẫn đến mất vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp thì ngoài việc không được thưởng, bị hạ lương theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 25; khoản 4 Điều 27 Luật doanh nghiệp Nhà nước 2003 thì Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước có thể còn phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất cho Nhà nước theo đúng quy định pháp luật, cụ thể:
Khoản 5 Điều 27 Luật doanh nghiệp Nhà nước 2003 quy định về trách nhiệm của Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước khi để công ty thua lỗ trong 2 năm liên tiếp đó là: “…tuỳ theo mức độ vi phạm và hậu quả bị hạ lương và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.
Luật sư Phạm Quang Biên: "Tùy thuộc vào mức độ thiệt hại và mức độ lỗi, ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc HACINCO có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường vật chất cho Nhà nước theo quy định pháp luật. Trong trường hợp thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, ông Nguyễn Chí Sỹ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 về việc chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần thì:
“Đến thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần, cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp có trách nhiệm kiểm tra, xử lý những vấn đề về tài chính phát sinh từ thời điểm định giá đến thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để xác định lại giá trị phần vốn nhà nước.
Khoản chênh lệch giữa giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần với giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được xử lý như sau:
…2. Trường hợp phát sinh chênh lệch giảm thì doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hoá để tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm bồi thường vật chất (nếu do nguyên nhân chủ quan)…”
Ở thời điểm hiện tại, điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và Công ty TNHH MTV do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành Công ty cổ phần cũng quy định:
“7. Trường hợp phát sinh chênh lệch giảm giá trị phần vốn nhà nước thì doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý như sau:
…b) Nếu do nguyên nhân chủ quan được xử lý như sau:
- Nếu lỗ do việc không xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính theo quy định hiện hành của Nhà nước thì phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan: doanh nghiệp, tổ chức tư vấn, cơ quan kiểm toán, kiểm toán nhà nước và cơ quan quyết định cổ phần hóa để xử lý bồi thường vật chất.
- Nếu lỗ do điều hành sản xuất, kinh doanh; quản lý gây thất thoát vốn và tài sản thì những người quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường tổn thất do chủ quan gây ra theo quy định hiện hành….”
Công văn hỏa tốc của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp gửi Thanh tra Chính phủ.
Đối chiếu với các quy định pháp luật trên đây, đặc biệt là quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004, căn cứ vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục thua lỗ, dẫn đến mất hết vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2005, 2006 của HACINCO cũng như căn cứ vào nội dung kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp tại Báo cáo số 5494/UBND-CN ngày 24/11/2006 của UBND TP Hà Nội gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội báo cáo việc thực hiện cổ phần HACINCO: “Công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh kém…” và kết luận về trách nhiệm của ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc HACINCO tại Báo cáo số 07/CV/CAHN(PC15) ngày 16/01/2007 của Công an TP Hà Nội:
“5/ Vi phạm của ông Nguyễn Chí Sỹ - Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2.
- Doanh nghiệp liên tục lỗ cụ thể: Năm 2004 lỗ 1,9 tỷ. Năm 2005 lỗ 7,4 tỷ đồng, đây là trách nhiệm của Giám đốc Công ty…”
Như vậy, có thể thấy, đến thời điểm HACINCO chính thức chuyển thành công ty cổ phần, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, xử lý những vấn đề về tài chính phát sinh từ thời điểm định giá doanh nghiệp đến thời điểm HACINCO được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty cổ phần để xác định lại giá trị phần vốn nhà nước. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm bồi thường vật chất (nếu có).
Do đó, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại và mức độ lỗi, ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc HACINCO có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường vật chất cho Nhà nước theo quy định pháp luật. Cũng cần lưu ý thêm rằng, trong trường hợp thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, ông Nguyễn Chí Sỹ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Xin cảm ơn Luật sư!
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế