Bài 53:

Vụ cổ phần hóa HACINCO: Hội Luật gia Việt Nam từng “chỉ mặt đặt tên” từng sai phạm!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ cổ phần hóa tại Công ty HACINCO, từ năm 2008, UBND TP Hà Nội đã gửi công văn tham vấn ý kiến của Hội Luật gia Việt Nam. Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc, đối chiếu với các quy định pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam đã ký ban hành văn bản số 228/CV-HLGVN chỉ ra nhiều sai phạm.

Trong vụ cổ phần hóa tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), trong khi các nhà đầu tư kiên quyết kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không chấp nhận các sai phạm đã được kết luận rất rõ ràng của HACINCO trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp này để hoàn tất việc cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật thì Thanh tra Chính phủ lại dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ rằng các kiến nghị là không đúng, không có cơ sở.

Vậy nội dung dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Thanh tra Chính phủ có khách quan, chính xác? Ngoài ý kiến của các sở, ban, ngành có liên quan thì các chuyên gia pháp lý có ý kiến như thế nào đối với các sai phạm của HACINCO trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp?

Vụ cổ phần hóa HACINCO: Hội Luật gia Việt Nam từng “chỉ mặt đặt tên” từng sai phạm! - 1

Công văn hỏa tốc của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp gửi Thanh tra Chính phủ.

Công văn hỏa tốc của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp gửi Thanh tra Chính phủ.

Từ năm 2008, UBND TP Hà Nội đã gửi Công văn số 575/UBND-CN tham vấn ý kiến của Hội Luật gia Việt Nam liên quan đến quá trình cổ phần hóa HACINCO. Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc, đối chiếu với các quy định pháp luật, đại diện Hội Luật gia Việt Nam- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam - GS.TSKH Đào Trí Úc đã ký ban hành văn bản số 228/CV-HLGVN đưa ra quan điểm chính thức của Hội Luật gia Việt Nam như sau:

Thứ nhất, đối với sai phạm trong việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, Hội Luật gia Việt Nam cho biết:

“…Về việc tính trùng cổ phần bán theo giá ưu đãi cho người lao động khi cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội, thời gian xác định được mua cổ phần ưu đãi của người lao động trong công ty là 5.590 năm, trong đó có 3.278 năm đã được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa một bộ phận doanh nghiệp của công ty là Khách sạn Hacinco. Về nguyên tắc, sau khi Khách sạn Hacinco được cổ phần hóa sẽ trở thành công ty cổ phần có tư cách pháp nhân độc lập, Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội là cổ đông của Khách sạn Hacinco sau khi được cổ phần hóa, Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội không phải là cấp trên với đơn vị này và số cán bộ công nhân viên của đơn vị này cũng không phải là của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội.

Như vậy số năm công tác được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội chỉ còn 2.312 năm. Chúng tôi cho rằng cách tính này sẽ có một số cổ đông được xét 2 lần cổ đông ưu đãi như vậy là sai quy định, không hợp lý. Vì vậy, theo ý kiến chúng tôi các cán bộ công nhân viên đã mua cổ phần của Khách sạn Hacinco sau khi được cổ phần hóa sẽ không có quyền mua cổ phần ưu đãi của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội”.

Vụ cổ phần hóa HACINCO: Hội Luật gia Việt Nam từng “chỉ mặt đặt tên” từng sai phạm! - 3
Vụ cổ phần hóa HACINCO: Hội Luật gia Việt Nam từng “chỉ mặt đặt tên” từng sai phạm! - 4

Hội Luật gia Việt Nam từng “chỉ mặt đặt tên” từng sai phạm trong vụ cổ phần hóa HACINCO.

Hội Luật gia Việt Nam từng “chỉ mặt đặt tên” từng sai phạm trong vụ cổ phần hóa HACINCO.

Trên thực tế, ý kiến này của Hội Luật gia Việt Nam là hoàn toàn đồng nhất với quan điểm của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tại công văn số 2443/LĐTBXH-LĐVL ngày 19/7/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội về việc giải đáp chính sách mua cổ phần ưu đãi giảm giá đối với người lao động gửi Sở Lao động - Thương binh và xã hội và quan điểm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tại công văn số 167/BĐMDN ngày 19/4/2010 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về việc trả lời Công văn số 2432/UBND-KT ngày 12/4/2010 gửi UBND TP Hà Nội.

Thứ hai, đối với sai phạm trong việc thu thanh toán tiền mua cổ phần, Hội Luật gia Việt Nam khẳng định:

“Theo quy định tại điểm 5.1 và điểm 5.3 mục B Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính quy định: “Trong phạm vi 15 ngày làm việc kể từ ngày công bố kết quả đấu giá, cơ quan thực hiện bán đấu giá và nhà đầu tư (gồm cả người lao động và nhà đầu tư chiến lược) có trách nhiệm hoàn tất việc mua bán cổ phần và chuyển tiền mua cổ phần về tài khoản của doanh nghiệp cổ phần hóa”.

Nếu quá thời hạn 15 ngày mà nhà đầu tư (cả người lao động trong doanh nghiệp và nhà đầu tư chiến lược) vẫn không nộp và nộp không đủ so với số tiền phải thanh toán mua cổ phần thì số cổ phần chưa thanh toán được coi là số cổ phần đầu tư từ chối không mua hết và được xử lý theo quy định của Điều 6, Phần B, Mục 5 của Thông tư số 126/2004/TT-BTC. Như vậy, đối với các nhà đầu tư trúng đấu giá phải có trách nhiệm nộp tiền tại nơi mình đăng ký mua cổ phần đó là Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt hoặc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Sau khi hoàn tất việc thanh toán này thì Công ty Cổ phần chứng khoán Bảo Việt và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tiếp tục thực hiện việc chuyển toàn bộ số tiền bán cổ phần đó vào tài khoản của doanh nghiệp.

Việc nhà đầu tư không thực hiện việc thanh toán số tiền mua cổ phần tại nới đăng ký mua mà nộp vào tài khoản của doanh nghiệp tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội là không đúng quy định.

Trong trường hợp này, việc các nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phần tại Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội là vi phạm quy định quy chế đấu giá và sẽ không được chấp nhận”.


Vụ cổ phần hóa HACINCO đang được dư luận cả nước quan tâm.

Vụ cổ phần hóa HACINCO đang được dư luận cả nước quan tâm.

Nội dung khẳng định này của Hội Luật gia Việt Nam cũng đúng với kết luận của Sở Tài chính Hà Nội tại Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN ngày 20/3/2006 gửi UBND TP Hà Nội, Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp thành phố và ý kiến của UBND TP Hà Nội tại Báo cáo số 5494/UBND-CN ngày 24/11/2006 gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư thành ủy Hà Nội.

Thứ ba, đối với sai phạm trong việc chuyển nợ vay thành vốn góp, Hội Luật gia Việt Nam đưa ra ý kiến:

“Theo quy định của pháp luật: Nghị định số 187/2004/NĐ-CP của Chính Phủ và Thông tư 126/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp được phép chuyển nợ thành vốn góp nhưng các khoản nợ đó phải được xác định trong hồ sơ công nợ bao gồm: hợp đồng hoặc khế ước vay, thống kê các khoản nợ, lập danh sách đối chiếu có đầy đủ cơ sở đúng thủ tục pháp lý chứng minh khoản nợ đó là có thật trước thời điểm cổ phần hóa.

Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ quy định thì việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần được xác định thông qua kết quả đấu giá bán cổ phần hoặc do doanh nghiệp và chủ nợ thỏa thuận để xác định giá tham gia đấu giá.

Trong khoản 2 điều này còn quy định: Trong quá trình cổ phần hóa, nếu doanh nghiệp có khó khăn về khả năng thanh toán các khoản nợ quá hạn do kinh doanh thua lỗ thì xử lý nợ theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng. Nếu các khoản nợ xác định sau thời điểm cổ phần hóa sai với các quy định nêu trên thì các khoản nợ đó không được chuyển thành vốn góp”.

Vụ cổ phần hóa HACINCO: Hội Luật gia Việt Nam từng “chỉ mặt đặt tên” từng sai phạm! - 7


Công an TP Hà Nội chỉ rõ các sai phạm trong vụ cổ phần hóa HACINCO và sai phạm của cá nhân nguyễn giám đốc Công ty Nguyễn Chí Sỹ.

Công an TP Hà Nội chỉ rõ các sai phạm trong vụ cổ phần hóa HACINCO và sai phạm của cá nhân nguyễn giám đốc Công ty Nguyễn Chí Sỹ.

Quan điểm này của Hội Luật gia Việt Nam không chỉ căn cứ trên các quy định rõ ràng của pháp luật mà còn phù hợp với quan điểm của Bộ Tài chính tại công văn số 11083/BTC-TCDN ngày 11/9/2006 của Bộ Tài chính về việc triển khai cổ phần hóa HACINCO gửi Sở Tài Chính Hà Nội và quan điểm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tại công văn số 167/BĐMDN ngày 19/4/2010 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về việc trả lời Công văn số 2432/UBND-KT ngày 12/4/2010 gửi UBND TP Hà Nội.

Tại văn bản gửi UBND TP Hà Nội này, Hội Luật Gia Việt Nam còn khuyến nghị: “Theo quan điểm của Hội Luật gia Việt Nam: Việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn góp phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm cổ phần hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này việc cổ phần hóa đã để kéo dài nhiều năm vì có một số sai phạm, nếu tiếp tục kéo dài thì sẽ bất lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư….Việc điều chỉnh vốn điều lệ của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội cần phải xem xét cẩn trọng bảo đảm hài hòa lợi ích và quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư (đó là các cổ đông, bao gồm cả cổ đông Nhà nước) hợp pháp trực tiếp tham gia đấu giá lần đầu”.

Các nhà đầu tư hợp pháp mua cổ phần tại HACINCO từ năm 2005 đã không ngừng nỗ lực đấu tranh đối với những sai phạm của doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, thời hạn cổ phần hóa HACINCO đã vượt quá con số một thập kỷ và tiếp tục bị kéo dài đến nay. Chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại hy vọng cho các nhà đầu tư hợp pháp. Thế nhưng dự thảo báo cáo của Thanh tra Chính phủ lại khiến người ta ngỡ ngàng khi các kiến nghị trên cơ sở pháp luật lại bị coi là không đúng và không có cơ sở. Vụ việc sẽ tiếp tục diễn tiến như thế nào?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Anh Thế