Vụ cô giáo bị bắt quỳ: Hành vi mang tính "trả thù" và có dấu hiệu làm nhục người khác!
(Dân trí) - Theo các luật sư, nếu quả thật ông Thuận có lời nói gây áp lực bắt cô giáo N. phải quỳ xuống tại nơi cô làm việc, trước đông đảo đồng nghiệp, người quen thì đã có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác.
Hành vi hạ nhục người khác
Luật sư Nguyễn Thuận - Đoàn Luật sư TPHCM, khẳng định hành vi của ông Võ Hòa Thuận rõ ràng là mang tính chất trả thù, hạ nhục người khác. Ông cho rằng:
Trước hết, tôi muốn nói rõ việc giáo viên đánh, hay có những hình thức phạt học sinh mắc lỗi như bắt quỳ là hoàn toàn sai, phản giáo dục và có tính chất hạ nhục học sinh. Giáo viên vi phạm phải được xử lý.
Tuy nhiên, bất luận thế nào, cũng không thể chấp nhận được việc phụ huynh vào tận trường, bắt giáo viên phải quỳ xin lỗi mình giữa thanh thiên bạch nhật chỉ vì trước đó đã phạt con mình bằng hình thức quỳ. Hành động của phụ huynh như vậy mang tính chất "trả thù", hạ nhục người khác.
Kể cả trường hợp cô giáo có lỗi với học sinh, thì người cô giáo phải xin lỗi là học sinh chứ không phải là quỳ xin lỗi phụ huynh. Hành động bắt cô giáo quỳ có tính chất làm nhục người khác và rất nghiêm trọng.
Sự việc này không đơn thuần là việc riêng của một cô giáo, mà xét trên bình diện xã hội và dư luận, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, biểu tượng của người thầy - có trách nhiệm và quyền uy trong việc dạy dỗ, giáo dục học sinh.
Nếu vị phụ huynh cảm thấy không thể chấp nhận lời xin lỗi của cô giáo, vẫn có thể yêu cầu bồi thường, kiện ra Tòa án. Hay thậm chí có quyền tố cáo đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cô giáo.
Do thông tin trên báo chí còn hạn chế nên chưa thể nói rõ vị phụ huynh này có thể chịu trách nhiệm hình sự hay chỉ bị xử lý hành chính.
Trong trường hợp nào sẽ khởi tố hình sự?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng cần chờ xác minh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền vì hiện có thông tin khác nhau việc có hay không chuyện ông Thuận ép buộc cô N. phải quỳ 40 phút. Ông nói:
Vụ việc này chỉ xem xét yếu tố làm nhục người khác khi thỏa mãn 3 yếu tố:
Thứ 1, xác định được ông Thuận có lời nói hoặc hành động gây áp lực, ép buộc cô N. phải quỳ xin lỗi ông tại trường cô N. làm việc và cô giáo không còn lựa chọn nào khác nên phải thực hiện.
Thứ 2, hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm là “nghiêm trọng”. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “nghiêm trọng”. Mức độ có thể xác định rõ là lời nói, hành vi cụ thể của ông Thuận như thế nào, cô N. bị bắt quỳ bao lâu, đối tượng chứng kiến cô N. phải quỳ là những ai… Hành vi xúc phạm đến phẩm giá, nhân cách của 1 nhà giáo, đặc biệt là tại nơi công cộng, trước mặt các đồng nghiệp, học sinh (người mà cô có trách nhiệm dạy bảo, giáo dục). Nó cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín, công việc giảng dạy của cô N. sau này ở trường, tại nơi cô sinh sống… thì theo tôi là nghiêm trọng.
Thứ 3, theo Điều 155 BLTTHS 2015 quy định đối với tội xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác (rơi vào khoản 1 Điều 155 BLHS 2015) thì chỉ được khởi tố vụ án hình sư khi có yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị hại. Tức là, việc có khởi tố hình sự hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của cô N.
Sau sự việc xảy ra thì dư luận bức xúc, nhiều người yêu cầu phải xử lý nghiêm hành vi của ông Thuận, thậm chí đòi truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng đứng góc độ người trong cuộc thì cô N. không muốn đẩy sự việc đi quá xa. Vì rõ ràng, điều này có thể làm mức độ tổn thương đối với cô càng nặng nề hơn. Theo tôi, vụ việc nên dừng lại và ông Thuận nên có lời nói, hành động để xin lỗi đối với cô N., nếu ông đã có hành vi bắt ép cô giáo quỳ. Còn với cô N. thì cần rút kinh nghiệm đối với việc làm sai trước đó.
Dưới góc độ là phụ huynh, tôi nghĩ khi tiếp nhận thông tin từ con mình về hành động, việc làm sai trái của giáo viên như bắt quỳ hay có lời lẽ xúc phạm, miệt thị…thì phụ huynh cũng bình tĩnh giải quyết. Trước tiên, đến gặp giáo viên phụ trách và lãnh đạo nhà trường cùng làm rõ sự việc. Nếu đúng là giáo viên đã có hành vi sai trái thì cần có biện pháp thích hợp như yêu cầu nhà trường xử lý… chứ không nên có lời nói, hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm thầy, cô giáo. Việc giáo dục không chỉ là từ nhà trường mà còn là trách nhiệm của gia đình. Vì vậy, cần sự chung tay của các bên để việc giáo dục tốt đẹp hơn.
Điều 155. Tội làm nhục người khác
(theo Bộ luật Hình sự năm 2015)
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tùng Nguyên – Xuân Hinh – Phạm Nguyễn