Thanh Hóa:

Vụ chuyển nhượng đất rồi “cướp” cả đất lẫn tiền: Đủ căn cứ khởi tố bị can?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc gia đình ông Lọc sau khi nhận tiền và đất để chuyển nhượng 7 lô đất tái định cư cho ông Định lại “trở mặt” và tiếp tục dùng số đất đã chuyển nhượng bán cho một người khác, luật sư Hà Trọng Đại, Văn phòng luật sư TNHH MTV An Viên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng cần phải khởi tố bị can đối với vợ chồng ông Lọc và cán bộ Phòng TNMT TP Sầm Sơn.

Trước đó, ngày 3/7/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã ra Quyết định số 90/PC44, khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”.

Tuy nhiên, theo luật sư Hà Trọng Đại thì căn cứ vào hồ sơ, tài liệu cho thấy vụ việc sau khi khởi tố vụ án cần phải khởi tố bị can đối với ông Lường Văn Lọc, bà Nguyễn Thị Mùi vì cả hai có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và ông Nguyễn Thế Hùng vì có dấu hiệu của tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản

Luật sư Đại viện dẫn: “Gia đình ông Định đã hoàn thành nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng và cả những thỏa thuận nằm ngoài hợp đồng, chỉ đợi cơ quan có thẩm quyền hoàn tất thủ tục cấp đất cho vợ chồng ông Lọc để sang tên cho ông Định. Thế nhưng, ông Lọc đã dùng thủ đoạn lấy 3 trong số 7 lô đất đã chuyển nhượng cho gia đình ông Định bán cho một gia đình khác.

Sự việc xảy ra, gia đình ông Định báo cơ quan chức năng trong khi vợ chồng ông Lọc trắng trợn phủ nhận hợp đồng chuyển nhượng đã ký ngày 26/12/2014 với ông Định mặc dù đã có đầy đủ chữ ký và vân tay.


Sau khi chuyển nhượng cho ông Định, ông Lọc tiếp tục chuyển nhượng cho một người khác.

Sau khi chuyển nhượng cho ông Định, ông Lọc tiếp tục chuyển nhượng cho một người khác.

Tại văn bản số 919/KLGĐ-PC54 ngày 12/7/2016 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa kết luận dấu vân tay in trên hợp đồng chuyển nhượng của ông Lọc và bà Mùi. Tuy nhiên vợ chồng ông Lọc cố tình chối bỏ trách nhiệm”.

“Hành vi gian dối của ông Lường Văn Lọc, bà Nguyễn Thị Mùi còn được thể hiện rõ từ việc cố tình làm đơn đề nghị UBND TP Sầm Sơn cấp trước 3 lô đất với lý do “điều kiện gia đình khó khăn” nhưng là mục đích bán cho một người khác trong khi thực tế tiền sử dụng đất do gia đình ông Định nộp thay, gia đình ông Lọc không phải lo về khoản tiền này.

Bên cạnh đó việc chối bỏ trách nhiệm, cho rằng bản thân không hề giao kết hợp đồng với ông Định và cho rằng gia đình ông Định đã làm giả hợp đồng ngày 26/12/2014. Từ những hành vi trên càng cho thấy sự gian dối, tráo trở, lật lọng của vợ chồng ông Lọc” – Luật sư Đại khẳng định.

Cũng theo luật sư Đại thì việc chiếm đoạt tài sản của ông Lọc hoàn toàn có chủ đích bởi thực tế khi thấy giá đất tại khu vực tái định cư tăng cao do hạ tầng giao thông mà tỉnh Thanh Hóa đầu tư xây dựng Đại lộ Nam sông Mã qua đây nên ông Lọc đã “trở mặt” và nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản.

“Hành vi của ông Lọc, bà Mùi đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999” – Luật sư Hà Trọng Đại nêu quan điểm.

Chuyên viên phòng TNMT “qua mặt” lãnh đạo

Trong quá trình giao đất ở tái định cư tại mặt bằng khu dân cư, ông Nguyễn Thế Hùng (thời điểm đó là chuyên viên Phòng TNMT, nay là Phó Phòng TNMT) chính là người đã soạn thảo Tờ trình số 22/TTr-TNMT để trình Trưởng Phòng TNMT TP Sầm Sơn ký duyệt. Tại tờ trình này ông Hùng đã ký nháy cạnh dòng chữ “Kính đề nghị UBND thị xã Sầm Sơn (nay là thành phố) phê duyệt.

Tiếp đó, ông Hùng không báo cáo, xin ý kiến của lãnh đạo phòng mà tự ý tham mưu cho Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn ban hành Quyết định 520/QĐ-UBND ngày 1/3/2016 giao đất ở tái định cư cho ông Lường Văn Lọc diện tích 400,2m2 (gồm các lô 05,06,07) thay thế Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 12/1/2016 giao đất ở tái định cư cho ông Lường Văn Lọc diện tích 905m2 (gồm các lo 01,02,03,04,05,06,07).

Kết luận của UBND TP Sầm Sơn cho thấy hành vi của ông Nguyễn Thế Hùng đã tiếp tay cho ông Lọc bán đất đã chuyển nhượng cho gia đình ông Định cho một người khác
Kết luận của UBND TP Sầm Sơn cho thấy hành vi của ông Nguyễn Thế Hùng đã "tiếp tay" cho ông Lọc bán đất đã chuyển nhượng cho gia đình ông Định cho một người khác

Theo luật sư Hà Trọng Đại thì trong Quyết định 520/QĐ-UBND không có chữ ký nháy của Trưởng phòng TNMT mà chỉ có chữ ký nháy của ông Nguyễn Thế Hùng, ông Hùng đã tự ý ký nháy vào vị trí ký nháy của Trưởng Phòng TNMT. Như vậy, có đủ cơ sở để kết luận rằng trong quá trình thi hành công vụ, đã làm trái công vụ, quyền hạn của mình, qua mặt lãnh đạo phòng như một phương tiện để thực hiện phạm tội.

“Chính hành vi trên của ông Hùng nên ông Lọc mới có căn cứ pháp lý “giả” để mua bán với ông Toan và gian dối, lừa đảo ông Vũ Như Định. Do đó, ông Hùng phải chịu trách nhiệm với thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp mà ông Định đang phải gánh chịu, không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo thỏa thuận mặc dù đã phải thanh toán đầy đủ tiền chênh lệch (700 triệu đồng) và nộp vào ngân sách nhà nước (3.805.280.000đ) thay ông Lọc” – luật sư Đại nói.

Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…

4. Phạm tội 1 trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a/Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên

b/ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 281, Bộ luật hình sự năm 1999

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội một trong số các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a/ Có tổ chức

b/Phạm tội nhiều lần

c/ Gây hậu quả nghiêm trọng

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Bình Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm