Bài 24:

Vụ chủ tịch huyện Hoài Đức ký cấp sổ đỏ cho "đất ma": Người trong cuộc nói gì?

(Dân trí) - Sau loạt bài điều tra của Báo Dân trí về vụ việc Chủ tịch huyện Hoài Đức ký cấp sổ đỏ cho “đất ma”, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã yêu cầu điều tra làm rõ, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã chính thức ra Quyết định khởi tố vụ án. Trong khi đó, chủ cũ của những cuốn sổ đỏ bí ẩn cũng lên tiếng cho rằng mình cũng là nạn nhân trong sự việc.

Như báo Điện tử Dân Trí đã thông tin trong gần 20 kỳ báo, năm 2004 bà Nguyễn Thị Ái có nhận chuyển nhượng thửa đất số 75 tờ Bản đồ số 4B có diện tích 308m2 đất ở tại Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức từ ông Ngô Đăng Thọ.

Sau khi ký kết Hợp đồng chuyển nhượng, ngày 30/3/2004, bà Ái đã được UBND huyện Hoài Đức cấp GCNQSDĐ số S726928. Những năm sau đó, bà Ái đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế đất ở cho Nhà nước hàng năm theo đúng quy định của pháp luật.


Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu làm rõ bí ẩn những sổ đỏ trên mảnh “đất ma” tại huyện Hoài Đức.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu làm rõ bí ẩn những sổ đỏ trên mảnh “đất ma” tại huyện Hoài Đức.


Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức chính thức khởi tố vụ án liên quan đến việc Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Xuân Lĩnh ký cấp sổ đỏ cho mảnh đất không có thật.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức chính thức khởi tố vụ án liên quan đến việc Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Xuân Lĩnh ký cấp sổ đỏ cho mảnh đất không có thật.

Tháng 5/2014, do không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thửa đất, gia đình bà Ái làm thủ tục chuyển nhượng thửa đất trên cho ông Nguyễn Tiến Định. Tuy nhiên, khi đang tiến hành các thủ tục chuyển nhượng thì bà Ái được UBND xã Đức Thượng thông báo thửa đất của bà nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Thọ không có trong bản đồ địa chính đất thổ cư của xã.

Mảnh đất không có thật tại xã Đức Thượng mà gia đình bà Ái bị lừa mua phải đã đã được biến hoá trong những cuốn sổ đỏ đều được tất cả các cấp chính quyền huyện Hoài Đức từ UBND xã Đức Thượng; Phòng Tài nguyên môi trường huyện Hoài Đức và UBND huyện Hoài Đức xác nhận, đóng dấu.

Người ký quyết định cuối cùng cấp cuốn sổ đỏ “ma” là ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức.

Trong Văn bản số 5191/UBND-TTr ngày 22/12/2015 của UBND huyện Hoài Đức đã xác định có dấu hiệu hiệu giả mạo hồ sơ trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Tác và ông Thọ đồng thời cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Thọ và bà Ái. Sau khi có kết luận này, UBND huyện Hoài Đức đã có công văn chỉ đạo chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Nhận thấy tính chất vụ việc rất nghiêm trọng,tháng 9/2015 bà Ái cũng đã ủy quyền cho cháu là anh Nguyễn Tuấn Nam gửi đơn tố giác tội phạm đến Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Hoài Đức về việc ông Ngô Đăng Thọ đã có hành vi gian dối, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Ái và có dấu hiệu tiếp tay của một số cán bộ liên quan trong việc thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Ái.

Trong khi sự việc đang tiếp tục được các cơ quan chức năng và Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức điều tra làm rõ, để rộng đường dư luận và thông tin khách quan sự việc, PV Dân trí đã có trao đổi với ông Ngô Đăng Thọ, trú tại thôn Cao Xã, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, là người thực hiện giao dịch bán đất với bà Ái.

Ông Thọ cho rằng: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số S726276 được UBND huyện Hoài Đức cấp cho tôi ngày 18/12/2003 với diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 308m2 tại tờ bản đồ 48, số thửa 75 tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây là GCNQSDĐ được UBND huyện Hoài Đức cấp hợp pháp. Do không có nhu cầu sử dụng nên ngày 25/02/2004 tôi đã chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Ái. Việc chuyển nhượng đã được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Do vậy, không thể nói tôi có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của bà Ái được.

Vụ chủ tịch huyện Hoài Đức ký cấp sổ đỏ cho "đất ma": Người trong cuộc nói gì? - 3

Mảnh đất ma được nhào lặn thành những cuốn sổ đỏ thật.

Mảnh đất "ma" được nhào lặn thành những cuốn sổ đỏ "thật".

Thứ hai: Về nguồn gốc của thửa đất tôi chuyển nhượng cho bà Ái. Nguồn gốc của thửa đất này là đất nông nghiệp của gia đình ông Ngô Khác Quy có địa chỉ tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Khoảng năm 2002 hoặc 2003, tôi có nhận chuyển nhượng của gia đình ông Quy. Việc chuyển nhượng hai bên đã làm thủ tục chuyển nhượng hợp pháp và tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất canh tác mang tên Ngô Đăng Thọ. Sau khi được cấp GCNQSDĐ mang tên tôi, tôi có liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để làm thủ tục chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở. Đến cuối năm 2003 thì tôi đã được cấp GCNQSDĐ như trên. Toàn bộ quá trình làm thủ tục chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở của tôi được thực hiện bở các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của huyện Hoài Đức”.

Liên quan đến một sự bất thường là hợp đồng chuyển nhượng giả mạo với chữ ký của ông Thọ, ông Thọ cho rằng: “Về việc các bài viết của Báo điện tử Dân trí đưa ý kiến của Luật sư Nguyễn Hoàng Việt cho rằng tôi đã tham gia vào quá trình giả mạo hồ sơ mà cụ thể là ngày 05/12/2003, Ông Nguyễn Văn Tác và bà Đỗ Thị Đào (vợ ông Tác) đã ký Hợp đồng chuyển nhượng cho tôi thửa đất số 75, tờ bản đồ 4B GCNQSDĐ số A490094 cấp ngày 10/5/1991 có địa chỉ tại xóm Rảnh, thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng trên cơ sở Hợp đồng chuyển nhượng này thì tôi mới làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như đã chuyển nhượng cho bà Ái. Về việc này tôi xin khẳng định rằng tôi không làm giả mạo hồ sơ, từ trước tới giờ tôi không có giao dịch mua bán đất với vợ chồng ông Nguyễn Văn Tác và bà Đỗ Thị Đào bao giờ, do vậy tôi chưa từng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất như bài báo đã đưa tin và đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao lại có hợp đồng chuyển nhượng này giữa tôi với ông Tác, bà Đào. Việc này tôi đã trình bày các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan cảnh sát điều tra huyện Hoài Đức và tôi cũng đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền làm rõ vấn đề này cho tôi cũng như xác định xem ai đã lập bản hợp đồng này.

Năm 2004, do không có nhu cầu sư dụng mảnh đất nêu trên nên tôi đã chuyển nhượng cho bà Ái, việc chuyển nhượng giữa tôi và bà Ái được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hai bên đã thảo thuận về giá chuyển nhượng là 610.000.000 đồng. Do thời điểm đó chưa có văn phòng công chứng nên việc chuyển nhượng thửa đất trên chung tôi đã lập Hợp đồng chuyển nhượng và đã được UBND xã Đức Thượng ký xác nhận. Đây là việc làm hoàn toàn công khai minh bạch.

Về sổ đỏ đất ở tôi đã được UBND huyện Hoài Đức cấp tôi cũng không hiểu lý do vì sao UBND huyện Hoài Đức lại đưa số thửa từ gia đình Ông Nguyễn Văn Tác và bà Đỗ Thị Đào vào sổ đỏ của tôi, sự việc này thời gian gần đây sau khi báo đưa tin tôi mới được biết. Qua vụ việc này tôi cho rằng mình cũng là nạn nhân của sự tắc trách của các cán bộ nhà nước trong quá trình cấp sổ đỏ cho tôi”.

Vụ việc cấp sổ đỏ cho “đất ma” tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tính chất nghiêm trọng và sự coi thường kỷ cương pháp luật. Việc những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội sẽ được xác định và xử lý như thế nào, hiện vẫn đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế