Hà Tĩnh: Bài 3:
Vụ cháu bé 6 tuổi chết oan ức dưới hố công trình: Thủ phạm có dễ "đánh bài chuồn"?
(Dân trí) - Trước cái chết oan ức của cháu bé Bảo Nam cũng như cách trả lời vô cảm của những người liên quan mà báo Dân trí phản ánh, nhiều luật sư tại Hà Tĩnh đã thể hiện sự bất bình và đồng thời sẽ đồng hành cùng gia đình nạn nhân để đòi lại sự công bằng.
Ngày 5/3, PV Báo Dân trí đã có buổi phỏng vấn với Luật sư Phan Văn Chiều, Văn phòng Luật An Phát (TP. Hà Tĩnh) để thấy rõ được trách nhiệm của những người liên quan cũng như những việc làm cần thiết của gia đình nạn nhân.
Vào cuộc quá chậm trễ
PV: Như báo Dân trí đã phản ánh, cháu Bảo Nam (6 tuổi, ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) trong lúc chơi đùa đã rơi xuống hố công trình do Công ty TNHH Như Nam để lại dẫn tới đuối nước tử vong. Gần 3 năm trôi qua nhưng không một ai nhận trách nhiệm. Từ những tài liệu liên quan đến vụ việc, luật sư cho biết trách nhiệm của những người liên quan?
Luật sư Phan Văn Chiều: Cần làm rõ trách nhiệm của Đơn vị thi công – Công ty TNHH Như Nam trong vụ việc này
Theo quy định của Luật khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định thì đơn vị thi công phải có trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường sau khi khai thác, đồng thời với trách nhiệm này thì đơn vị thi công buộc phải ký quỹ cải tạo và phục hồi môi trường. Nếu cá nhân, tổ chức nào vi phạm thì tùy theo, lỗi, mức độ, hậu quả xảy ra có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật hiện hành.
Trong vụ việc trên, sau khi khai thác đất phục vụ cho công trình, đáng lẽ ra Công ty TNHH Như Nam phải có trách nhiệm hoàn thổ, trả lại mặt bằng tại mỏ đất, nếu chậm trễ thì buộc phải có những cảnh báo nhất định để người dân biết được sự nguy hiểm tại công trình này để phòng tránh.
Chị Thủy mẹ của cháu bé xấu số cho biết, từ khi con chị gặp nạn đã nhiều lần lên UBND xã Cẩm Mỹ để hỏi nhưng chỉ nhận được những lời hứa từ ông Lê Quang Nghĩa
Việc không hoàn thổ, không cảnh báo là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc cháu Bảo Nam rơi xuống hố công trình dẫn đến tử vong. Như vậy, với những phân tích trên đây thì thể hiện rất rõ trách nhiệm của Công ty TNHH Như Nam trong vụ việc này.
Còn đối với UBND xã Cẩm Mỹ (đặc biệt là người đứng đầu ông Lê Quang Nghĩa) tự ý đồng ý cho doanh nghiệp khai thác đất tại Đồi đá đỏ thôn 6 (hiện trường vụ việc cháu Bảo Nam tử vong) khi chưa được sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, khi doanh nghiệp chưa thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật rõ ràng là trái thẩm quyền, trái quy định pháp luật.
Sau khi Công ty TNHH Như Nam khai thác xong không thực hiện cam kết trả lại mặt bằng cũng không có sự chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Công ty TNHH Như Nam trả lại mặt bằng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc gây tử vong cho cháu Bảo Nam.
PV: Sự việc xảy ra đã gần 3 năm nhưng không có kết luận về nguyên nhân cái chết của cháu bé cũng như trách nhiệm của những người liên quan. Phải chăng các cấp có thẩm quyền đã quá chậm trễ?
Luật sư Phan Văn Chiều: Với những sai phạm từ đơn vị thi công, cơ quan quản lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra là cháu Bảo Nam tử vong, đáng lẽ ra các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan phải nhận thấy rõ trách nhiệm của mình. Đồng thời phải có trách nhiệm phối hợp, san sẻ, động viên gia đình cháu Bảo Nam để vượt qua mất mát, đau thương.
Gia đình chị Thủy mong muốn công lý sớm được thực thi để con chị được an lòng cũng như để chị bớt day dứt
Tuy nhiên, trên thực tế chính sự vô cảm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ việc này đã làm cho nỗi đau của gia đình nạn nhân kéo dài.
Tôi không hiểu tại sao từ năm 2016 cho đến nay, chưa có bất cứ cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để làm sáng tỏ vụ việc trên?
Do vậy, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc ngay để làm rõ trách nhiệm và hướng xử lý dứt điểm vụ việc.
Có thể khởi kiện ra tòa
PV: Với những hành vi vi phạm như đã nêu ở trên thì Công ty TNHH Như Nam cũng như UBND xã Cẩm Mỹ mà trực tiếp là ông Lê Quang Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Mỹ sẽ phải đối diện với hình thức xử lý như thế nào?
Luật sư Phan Văn Chiều: Với hành vi như trên, ngoài việc Công ty TNHH Như Nam có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật thì căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, công ty này còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu Bảo Nam trong vụ việc này theo mức độ lỗi.
Còn đối với UBND xã Cẩm Mỹ mà trực tiếp là ông Lê Quang Nghĩa chỉ nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo và vẫn đang đảm nhiệm cương vị Bí thư Đảng ủy xã, tôi cho rằng việc xử lý như trên là quá nhẹ, chưa tương xứng với những vi phạm.
Với những sai phạm trên, ngoài việc cần xử lý nghiêm túc đối với ông Lê Quang Nghĩa về mặt chính quyền thì cá nhân ông Lê Quang Nghĩa cũng cần phải có trách nhiệm về mặt dân sự đối với gia đình cháu Bảo Nam trong vụ việc này.
PV: Sự việc để kéo dài nhiều năm nhưng không một ai nhận lỗi và có trách nhiệm, vậy gia đình nạn nhân cần phải làm gì để đòi lại công bằng?
Luật sư Phan Văn Chiều: Về mặt gia đình có quyền làm đơn yêu cầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc điều tra, xử lý các sai phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan và bồi thường thiệt hại đối với hậu quả vụ việc xảy ra.
Trong trường hợp giữa gia đình và các cá nhân, tổ chức liên quan không thống nhất được với nhau về việc bồi thường dân sự thì gia đình có quyền làm đơn khởi kiện gửi đến tòa án để buộc các cá nhân, tổ chức liên quan bồi thường theo quy định pháp luật.
Chúng tôi sẽ đồng hành cùng gia đình trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc này tại cơ quan có thẩm quyền nếu gia đình có nguyện vọng, yêu cầu.
Xin cảm ơn luật sư!
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Xuân Sinh