Vụ cán bộ ném tiền tung tóe: Vi phạm pháp luật về bảo vệ đồng tiền Việt Nam
(Dân trí) - Luật sư cho rằng, hành vi ném tiền tung tóe trong quán bún của vị cán bộ ở Đà Nẵng là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức lối sống, cần phải được xem xét xử lý bằng chế tài của pháp luật.
Như đã đưa tin, ông Đ.C.P., Phó trưởng phòng Quản lý và phát triển quỹ đất) (trực thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất - Sở TNMT Đà Nẵng đã bị tạm đình chỉ công tác vì hành vi ném tiền tung tóe trong quán bún vì cho rằng quán đưa tiền lẻ là "đưa rác". Đồng thời người này còn chửi mắng nhân viên và đe dọa đến hoạt động kinh doanh của quán.
Sự việc trên đã gây phẫn nộ trong dư luận. Gửi ý kiến bình luận (comment) về Dân trí, độc giả đặt câu hỏi: "Tiền dù chẵn hay lẻ nhưng đều đại diện cho nhà nước (Ngân hàng Nhà nước). Anh là cán bộ của một sở ngành mà hành xử như vậy là không được, đạo đức lối sống người cán bộ ở đâu khi anh ném tiền? lương một phó phòng được bao nhiêu mà ném cả nắm tiền vậy?."
"Dưới bất kỳ một thể chế nào, đồng tiền mà Nhà nước đưa ra lưu hành mà bị bất kỳ một công dân nào trên thế giới coi là rác, rồi ném xuống đất như vậy là đã vi phạm trắng trợn luật pháp sở tại. Đằng này anh là một cán bộ có chức quyền trong cơ quan nhà nước thì không thể hành xử như vậy được, cần phải xử lý nghiêm".
Nhiều vi phạm cần phải được xem xét!
Dưới góc độ pháp luật, TS Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật Chính Pháp, đoàn luật sư Hà Nội khẳng định, hành vi ứng xử của người đàn ông này không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thể hiện thái độ coi thường người khác, gây mất an ninh trật tự. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của những người có liên quan, xác định hậu quả xảy ra để xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người trong clip là cán bộ nhưng đã có hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực với người dân, thể hiện thái độ coi thường người khác và gây mất an ninh trật tự thì cần xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về kỷ luật công chức, kỷ luật đảng ở mức độ khiển trách hoặc cảnh cáo.
Đối với hành vi gây rối trật tự công cộng, đập phá, chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì có thể bị xử phạt hành chính, nếu hành vi là hủy hoại tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc hành vi gây rối trật tự công cộng đến mức độ ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan điều tra cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác mà có đơn thư tố cáo, đề nghị xử lý thì cũng có thể sẽ bị xử phạt hành chính, phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cán bộ, công chức cũng cần làm rõ nhân thân lai lịch của cán bộ, xem xét quá trình tu dưỡng rèn luyện và phẩm chất đạo đức của cán bộ này như thế nào. Trong trường hợp hành vi thể hiện đạo đức lối sống không phù hợp, thiếu tu dưỡng rèn luyện thì có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc, có thể chuyển công tác sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, nếu vi phạm hệ thống, không đủ năng lực phẩm chất thì cũng có thể cho thôi việc.
Hiện nay, quy định về kỷ luật cán bộ, công chức, kỷ luật viên chức được thực hiện theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP. Theo đó, Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.
Bởi vậy, trong trường hợp người đàn ông trong clip là cán bộ, công chức và hành vi được xác định là vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa, giao tiếp của cán bộ công chức thì người này sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, ít nhất là mức độ khiển trách. Nghiêm trọng hơn có thể áp dụng hình thức kỷ luật là cảnh cáo. Còn với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì phải xin lỗi và bồi thường thiệt nếu người bị xúc phạm có yêu cầu.
Trường hợp kết quả xác minh có căn cứ cho thấy đã có hành vi gây rối trật tự công cộng thì hành vi gây rối trật tự công cộng cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức xử phạt có thể tới 3.000.000 đồng.
Vi phạm pháp luật về bảo vệ đồng tiền Việt Nam!
Luật sư Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối quan hệ giữa người đàn ông đó với những người đã đến gây rối tại cơ sở kinh doanh này có mối quan hệ như thế nào; làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng; cố ý làm hư hỏng tài sản. Nếu hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định của bộ luật hình sự.
"Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 21 và Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP".
Đáng chú ý, theo quy định tại Điều 32 Luật ngân hàng Nhà nước, các hành vi bị cấm trong hoạt động phát hành tiền bao gồm: Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả; Hủy hoại đồng tiền trái pháp luật; Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành; Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, hành vi từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do ngân hàng Nhà nước phát hành là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều cấm trong Luật ngân hàng nhà nước nên cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét xử lý đối với hành vi này bằng chế tài hành chính để cảnh tỉnh, răn đe.