Vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung: Người dân có thể khởi kiện doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

(Dân trí) - Nếu cơ quan chức năng xác định hiện tượng cá chết hàng loạt tại dải bờ biển miền Trung do doanh nghiệp gây nhiễm môi trường gây ra, người dân có thể khởi kiện, yêu cầu bồi thường…

Hiện tượng cá chết hàng loạt tại dải bờ biển chạy qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, trong đó có nhiều loài sống xa bờ, ở tầng sâu đã để lại hậu quả nặng nề đối với môi trường và cuộc sống của bà con ngư dân. Bên cạnh việc truy tìm nguyên nhân thì vấn đề quan trọng trước mắt đặt ra đó là bồi thường cho bà con ngư dân, người nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại và khắc phục ô nhiễm môi trường.

Để tìm hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư Hà Nội.

Luật sư khẳng định người dân có thể khởi kiện DN gây ô nhiễm môi trường.
Luật sư khẳng định người dân có thể khởi kiện DN gây ô nhiễm môi trường.

PV: Hiện tượng cá chết hàng loạt tại dải bờ biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và tâm lý của người dân. Ở góc độ Luật sư, ông nhận định về vụ việc ra sao, thưa ông?

Luật sư Trương Anh Tú: Sẽ không quá lời khi nhận định sự việc lần này là một “thảm họa” môi trường, bởi phạm vi ảnh hưởng quá rộng trải suốt 4 tỉnh từ Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế và mức độ tàn phá, hủy hoại môi trường sâu rộng, gây thiệt hại đối với nhiều ngành nghề từ nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản đến du lịch, khách sạn, nông nghiệp.

Vụ việc lần này làm tôi nhớ tới sự kiện ô nhiễm sông Thị Vải do công ty Vedan gây ra vào năm 2009. Bán kính vùng ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra có phạm vi 10 km dọc bờ sông Thị Vải làm gần 2.700 ha nuôi trồng thủy sản của khu vực này bị thiệt hại. Tuy nhiên, lần này, sự ô nhiễm không chỉ nằm trong phạm vi một tỉnh mà đã trải rộng ra 4 tỉnh, vùng ô nhiễm không chỉ là sông mà còn cả khu biển rộng. So sánh như vậy để độc giả thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc này.

Việc truy tìm nguyên nhân là vấn đề khẩn cấp. Trong trường hợp xác định được nguyên nhân, “thủy phạm” chính gây nên “thảm họa môi trường” thì “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.” theo quy định tại Điều 160, Luật bảo vệ môi trường.

Một điểm đặc biệt trong quy định của pháp luật đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường là “cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi” (Điều 624, Bộ luật dân sự). Và trong trường hợp này, có thể mất đến hàng tỷ đô la để bồi thường thiệt hại cũng như xử lý ô nhiễm, khắc phục hậu quả.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải tích cực trong việc xác định, tập hợp tài liệu chứng cứ về những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra để khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp cần thiết. Bởi theo quy định tại điểm 5, mục I nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì “người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhân hợp lệ về các khoản chi phi hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại”.

Đại diện Formosa Hà Tĩnh phát ngôn gây sốc về thảm trạng cá chết tại địa phương này.
Đại diện Formosa Hà Tĩnh phát ngôn gây sốc về thảm trạng cá chết tại địa phương này.

PV: Như vậy, trong sự việc này nếu cơ quan chức năng xác định chính xác nguyên nhân gây nhiễm môi trường xuất phát từ doanh nghiệp, người dân có thể khởi kiện, yêu cầu bồi thường…?

Luật sư Trương Anh Tú: Đúng vậy, người dân nên nhanh chóng thu thập các bằng chứng về thiệt hại của mình như: ảnh chụp cá chết; ảnh chụp nguồn gây ô nhiễm; thiết lập các biên bản xác minh về ảnh hưởng... làm tài liệu chứng minh để khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó các hội như Hội nghề cá Việt Nam, Hội ngư dân, Hiệp hội du lịch khách sạn…cần tập hợp lại, khởi kiện theo nhóm để bảo vệ tối đa quyền lợi ích hợp pháp của các hội viên.

Ngoài ra, trong các tranh chấp bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường thì chủ thể bị thiệt hại thường có số lượng rất lớn và thường là yếu thế hơn (về tiềm lực tài chính, hiểu biết về khoa học kỹ thuật môi trường, pháp luật...) so với người gây thiệt hại. Do đó, cần có sự hỗ trợ của cơ quan công quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan khoa học.

Chúng tôi sẵn sàng tình nguyện hỗ trợ bà con, hy vọng rằng với sự hỗ trợ của chúng tôi, quyền lợi của bà con cũng sẽ được đảm bảo.

Xin cảm ơn Luật sư!

Thanh Trầm