Bình Phước

Vụ bí thư xã bị “tố” sử dụng bằng giả: Phủ nhận, phân bua và lý giải mập mờ

(Dân trí) - Bà Lê Thị Điểm thừa nhận bản thân chưa tốt nghiệp Trung học Phổ thông, không đủ tiêu chuẩn đảm nhiệm chức vụ bí thư xã. Và bà khẳng định vị trí bí thư xã Phú Trung kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân là do “cấp trên giao thì tôi làm”.

Liên quan đến nội dung đơn thư tố cáo của bạn đọc về việc bà Lê Thị Điểm, Bí thư xã Phú Trung, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước sử dụng bằng giả để “thăng quan tín chức” ngày 9/5, PV Dân trí đã có cuộc làm việc trực tiếp với bà Điểm.

Trước công văn xác nhận của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa: “Không có tên Lê Thị Điểm sinh ngày 15/2/1960 tại Thanh Hóa học sinh trường cấp 3 Bổ túc Văn hóa huyện Triệu Sơn, tốt nghiệp Bổ túc Trung học Phổ thông, khóa thi ngày 07/6/1978”, bà Điểm thừa nhận bản thân chưa tốt nghiệp cấp ba.

Theo tìm hiểu của Dân trí, từ năm 1998 bà Điểm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Phú Trung. Đến năm 2011 bà Điểm được Ban chấp hành Đảng ủy bổ nhiệm giữ chức vụ Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Phú Trung. “Khi được bổ nhiệm tôi có trình bày rõ về trình độ học vấn của mình. Tuy nhiên, căn cứ trên năng lực thực tế nên huyện vẫn cơ cấu để tôi giữ chức vụ Bí thư. Tôi chẳng tha thiết gì chức quyền nhưng nhiệm vụ giao thì tôi đảm nhận... Người có bằng cấp chưa chắc đã làm được việc”, bà Điểm nói.

UBND xã Phú Trung, bà Lê Thị Điểm giữ chức vụ Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân Dân
UBND xã Phú Trung, bà Lê Thị Điểm giữ chức vụ Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân Dân

“Thời gian đi bộ đội tôi được đồng đội dạy cho hết chương trình cấp ba nhưng không có cơ sở nào để cấp bằng”, bà Điểm cho biết thêm. Liên quan đến bản sao bằng tốt nghiệp cấp ba hệ Bổ túc văn hóa mang tên Lê Thị Điểm (sinh ngày 15/2/1960) do ông Trịnh Văn Luân, Phó chủ tịch UBND xã Thọ Tiến, Triệu Sơn, Thanh Hóa ngày 15/01/2009 “chứng thực bản sao đúng với bản chính” bà Điểm khẳng định: “Tôi không trực tiếp đi công chứng bằng cấp này và cũng không biết gia đình người thân có nhờ người lấy cái này, cái kia hay không.”  Tuy nhiên,  trong cuộc trao đổi với PV Dân trí, Bà Điểm cũng thừa nhận thời điểm chứng thực bằng tốt nghiệp trên, em trai bà đang giữ chức vụ Phó trưởng công an xã Thọ Tiến.

Cùng với việc khẳng định bản thân không sử dụng bằng giả, không nộp bằng giả vào hồ sơ lý lịch Đảng viên, bà Điểm cho rằng: “Những người gửi đơn thư tố cáo là “những kẻ quấy nhiễu, ghen ăn tức ở tại địa phương… Tôi sẽ đấu đến cùng”.

Liên quan đến vụ việc, khi được hỏi ý kiến, ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã kiêm Phó bí thư đảng ủy xã Phú Trung cho biết: “Thời điểm năm 2010, do có những sai phạm nên cùng lúc 5 đảng viên chủ chốt của xã Phú Trung bị kỷ luật, tôi được điều từ Phú Riềng vào giữ vụ bí thư kiêm chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên, sau đó huyện ra quy định về việc một cán bộ chỉ được giữ một trong hai chức vụ hoặc là chủ tịch hoặc là bí thư, tình hình trên buộc xã phải bổ nhiệm thêm một vị trí mới”. 

Cũng theo ông Sơn, dù biết bà Điểm chưa tốt nghiệp THPT nhưng căn cứ trên năng lực thực tiễn, Ủy ban thường vụ, Ban chấp hành Đảng ủy thống nhất giới thiệu bà Điểm tham gia giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Phú Trung. Vẫn biết, theo quy chuẩn định tại các văn bản, bằng cấp là yếu tố quyết định để lựa chọn cán bộ lãnh đạo. Tuy nhiên, nếu căn cứ trên nguyên tắc thì rất khó. Thực tế tại xã Phú Trung, chúng tôi chọn những người có năng lực công tác giữ vị trí lãnh đạo để tập hợp khối đại đoàn kết của địa phương.” - ông  Sơn phân trần.

Song theo PV Dân trí tiếp cận sự việc không như lời ông Chủ tịch UBND đã phân bua khi không ít người dân tại xã Phú Trung cho biết đã nhiều lần gửi đơn thư tố cáo đến Huyện ủy Bù Gia Mập đề nghị làm rõ việc bà Điểm sử dụng bằng giả, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn giữ chức vụ bí thư. Việc tố cáo đã kéo dài tưởng như “không có hồi kết” đang gây ra nhiều bức xúc tại địa phương.

Vân Sơn