Bài 3:
Vụ bị hại kêu oan cho bị cáo: Bạn đọc Dân trí lo lắng nguy cơ thêm một “ông Chấn”
(Dân trí) - Trước vụ án bị cáo Nguyễn Đức Thanh (SN 1981) bị 3 cấp tố tụng huyện Lục Nam (Bắc Giang) quy kết phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hại chiếm đoạt tài sản” để tuyên phạt 4 năm tù nhưng điều kỳ lạ là 2 bị hại lập tức viết đơn kêu cứu khẩn cấp kêu oan cho bị cáo, bạn đọc Dân trí bày tỏ lo lắng trước nguy cơ có thêm một án oan như ông Chấn tại Bắc Giang.
Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Nguyễn Đức Thanh (SN 1981), trú tại thôn Chản Đồng - Yên Sơn - Lục Nam (Bắc Giang).
Ngày 23/9/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lục Nam đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 103, quyết định khởi tố bị can số 205 với bị can Nguyễn Đức Thanh về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, bắt tạm giam bị can Thanh.
Tiếp đó, ngày 23/6/2015, VKSND huyện Lục Nam ra bản cáo trạng số 54/KSĐT truy tố bị can Thanh.
Ngày 8/9/2015, TAND huyện Lục Nam đưa vụ án ra xét xử, quy kết bị cáo Thanh đã lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tiền của 4 bị hại gồm: Tăng Văn Tuy; vợ chồng ông Tăng Văn Thành - bà Dương Thị An cùng trú tại thôn Nội Đình - Yên Sơn - Lục Nam và bị hại Dương Thị Mến, trú tại số nhà 316, Thanh Xuân, TT Đồi Ngô - Lục Nam.
Từ quy kết này, TAND huyện Lục Nam đã ra bản án sơ thẩm do thẩm phán Nguyễn Văn Huân ký tuyên phạt bị cáo Thanh 4 năm tù giam.
Ngay sau khi bản án được tuyên, điều bất ngờ là 2 bị hại (theo quy kết của TAND huyện Lục Nam) gồm: bà Dương Thị An (vợ bị hại Tăng Văn Thành) và ông Tăng Văn Tuy đã lập tức có Đơn kêu cứu khẩn cấp gửi báo Dân trí khẳng định: các hộ gia đình tự nguyện gửi tiền ông Thanh. Ông Thành không hề có hành vi chiếm đoạt tiền.
“Tôi thấy bản án không đúng sự thật đã kết tội oan sai cho anh Nguyễn Đức Thanh. Bản án không xem xét lời khai của tôi và yêu cầu của tôi tại phiên toà. Bản án số 69/2015/HSST của TAND huyện Lục Nam quyết định xử anh Nguyễn Đức Thanh chiếm đoạt tài sản của gia đình tôi là không có căn cứ, không đúng với thực tế khách quan, đã kết tội oan anh Thanh”, đơn kêu cứu của bà Dương Thị An cho biết.
Nội dung kêu oan của các bị hại này cho bị cáo Nguyễn Đức Thanh đều được ông Vũ Văn Truyền - Chủ tịch UBND xã Yên Sơn ký, đóng dấu xác nhận.
Cùng với việc bị cáo Thanh kháng cáo bản án sơ thẩm, cả 2 bị hại là ông Tuy, bà An cũng đều làm đơn kháng cáo kêu oan cho bị cáo.
Trước nội dung vụ án lạ tại Bắc Giang, bạn đọc Dân trí đã bày tỏ lo lắng trước nguy cơ một vụ án oan sai:
Bạn đọc Thắng: “Bất công qua. Thấy buồn vì càng ngày càng nhiều người dân bị oan sai. Các cơ quan tố tụng làm việc kiểu gì vậy. Không có lương tâm không có trách nhiệm”.
Bạn đọc Tranthu: “Hay thật! Đúng là vụ án kỳ lạ của Bắc Giang, cho người ta vào vòng lao lý mà quan vẫn còn ung dung, oan không kể xiết”.
Bạn đọc Đặng Hưng: “Sau vụ ông Chấn tăm tiếng Bắc Giang còn chưa nổi hay sao? Bắc Giang thực thi theo luật riêng chăng? Chưa thấy giúp được gì cho dân.Vụ ông Long còn đó”.
Bạn đọc Mạnh Hà: “Lại là Bắc Giang, bài học ông Chấn còn chưa ráo mực mà. Cơ quan thi hành luật pháp Bắc Giang có vẻ thích tạo ra các vụ án oan nhỉ???”.
Bạn đọc Dân trí mong đợi sự công tâm của TAND tỉnh Bắc Giang.
Bạn đọc Mạnh Hà: “Chuyện đùa sao? Không có bị hại, không có đơn tố cáo mà có người lại bị kết án 4 năm tù. Luật pháp nước ta lạ nhỉ. Điều hài hước là tòa án kết tội bị cáo chiếm đoạt tiền mà bị hại làm đơn bảo: không phải cậu ấy chiếm đoạt của tôi, tôi nhờ cậu ấy. Việc không xong cậu ấy trả tiền lại cho tôi rồi. Vậy mà bị kết tội chiếm đoạt tài sản. Đưa vào chuyện cười cổ tích được ko???”.
Bạn đọc Lê Xuân Tich: “Tôi thấy lạ trong bản án sơ thẩm. Bị hại ghi rành rành bên trên không có tên bà Phạm Thị Kim nhưng bên dưới ghi ở mục vật chứng là trả lại cho bà Phạm Thị Kim số tiền 14.000.000 đồng. Chỉ khi nào tiền bồi thường oan sai thu của người làm oan sai thì khi đó mới hết án oan sai cho người dân”.
Bạn đọc Dt: “Các cán bộ cần phải hiểu chắc pháp luật chứ đừng làm bừa pháp luật, khổ người vô tội, oan cho người dân. Ép người ta phải có tội là vô lương tâm đạo đức đó mấy ông tố tụng à. Ông Thanh, tên đệm của ông Chấn đây rùi...”.
Bạn đọc Tèo: “Ông Thanh này làm phật lòng cấp trên nên mới bị xử thế rồi. Bị hại kêu oan cho bị cáo mà không được xem xét. Đây là chuyện lạ chỉ có ở Việt Nam”.
Bạn đọc TRINH DUC CONG: “Mình không giỏi về luật, nhưng đọc bài viết thì mình cũng thấy vô lý và bức xúc cho người bị hại, 3 người bị hại 2 người làm đơn Kháng cáo khẩn cấp, còn 1 người vắng mặt phiên xét xử nên chắc không biết. Cái cơ bản điều tra phải gặp người bị hại xem bị ép buộc hay chiếm đoạt dưới hình thức nào. Cần phải xem xét vụ án này, trả lại quyền lợi cho người bị oan”.
Bạn đọc Suluong: “Cứ như bài viết thì sao lại thế nhỉ, các cơ quan tố tụng ở huyện Lục Nam hình như là có thù hằn gì với ông Thanh vậy. Khéo lại oan sai thì khổ”.
Bạn đọc Bùi Huy Đoàn: “Tôi không hiểu các cơ quan pháp luật ở Bắc Giang làm việc như thế nào mà lại như thế. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn chưa nguôi lại đến vụ này. Chắc còn nhiều vấn đề lắm?”.
Bạn đọc Dương Hoàng: “Bây giờ biết xét xử như thế nào mà chẳng hoãn. Kết tội thì không thể được, thay rõ người ta vô tội rồi nhưng không dám tuyên vô tội vì cấp trên phải bảo vệ cấp dưới vậy nên đành hoãn thôi. Chỉ khổ người dân thôi. Cuối cùng người dân vẫn thiệt thòi nhất”.
Bạn đọc Voi Coi: “Đúng là vụ án này lạ thật. Nếu 1vụ án bình thường người bị hại sẽ tới để đòi quyền lợi nhưng vụ này ngoài người bị hại kêu oan cho bị cáo người còn lại không tới. Họ có bị hại đâu mà tới”.
Sáng 13/1, phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án kỳ lạ khi các bị hại đồng loạt kháng cáo kêu oan cho bị cáo tại Bắc Giang đã được TAND tỉnh Bắc Giang đưa ra xét xử. Tuy nhiên, do một số bị hại và người liên quan vắng mặt nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên toà.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế