Bài 78:
Vụ áp thuế oan 5,7 tỷ: Còn “quan hành dân” lặng lẽ thoát trách nhiệm?
(Dân trí) - "Sự chỉ đạo không thống nhất của UBND tỉnh và sự tham mưu, hướng dẫn nghiệp vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng không đúng qui định pháp luật dẫn đến việc ông Tuấn xử lý khiếu nại sai phạm trong vụ của bà Đàm Thị Lích", Luật sư Hồ Nguyên Lễ khẳng định.
Sau khi Báo Dân trí đăng tải bài viết: "Phó Chủ tịch huyện bị kỷ luật giãi bày “uẩn khúc” trong vụ áp thuế oan 5,7 tỷ!" thu hút rất nhiều ý kiến đa chiều của bạn đọc cả nước. Để rộng đường dư luận, Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM, người đồng hành cùng báo Dân trí trong suốt hành trình làm sáng tỏ vụ áp thuế oan 5,7 tỷ đồng đối với cụ Đàm Thị Lích (76 tuổi, ngụ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã có những phân tích về mặt pháp lý trong vụ kỷ luật ông Lê Công Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch huyện Đức Trọng.
"Mấu chốt" ở cơ quan tham mưu, định hướng nghiệp vụ
Luật sư Hồ Nguyên Lễ viện dẫn: Theo qui định pháp luật về đất đai thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được phân cấp giao cho UBND cấp huyện và tỉnh, theo đó các cơ quan chuyên môn có liên quan như: UBND phường, xã, thị trấn nơi đất tọa lạc, Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), thuế, tài chính, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất... phải tham mưu nghiệp vụ cho UBND cấp GCNQSDĐ theo đúng qui định pháp luật. Bên cạnh còn có các cơ quan như: thanh tra, hội đồng nhân dân... giám sát, kiểm tra đối với việc cấp GCNQSDĐ.
Theo Điều 9 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, cơ quan chuyên môn thuộc UBND là cơ quan tham mưu, giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên.
Từ những viện dẫn trên, luật sư Lễ nhận định: Như vậy, để UBND huyện Đức Trọng cấp GCNQSDĐ cho cụ Đàm Thị Lích đúng qui định pháp luật thì nhất thiết cần có sự tham mưu chính xác, đúng pháp luật của các cơ quan chuyên môn nghiệp vụ tham mưu mà chịu trách nhiệm chính đó là cơ quan quản lý TN&MT.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng, sau khi báo Dân Trí có loạt bài điều tra, đưa ra nhiều bằng chứng, văn bản thể hiện việc cụ Lích đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ và miễn thu tiền sử dụng đất, sau đó UBND huyện Đức Trọng có báo cáo số 387/BC-UBND do ông Lê Công Tuấn (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng) ký về việc xin ý kiến của UBND tỉnh về giải quyết đơn của bà Đàm Thị Lích, trong đó UBND huyện đề nghị UBND tỉnh xem xét cho UBND huyện lập lại thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho bà Đàm Thị Lích đối với diện tích 253,9m2 đất ở không thu tiền sử dụng đất.
Tiếp nhận kiến nghị từ UBND huyện Đức Trọng, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh là cơ quan chuyên môn cấp tỉnh xử lý đơn cụ Lích kiến nghị không thu tiền sử dụng đất thì Sở đã có Báo cáo số 10/BC-STNMT ngày 07/01/2016 tham mưu UBND tỉnh xác định cụ Lích thuộc trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất ở vượt hạn mức khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó việc UBND huyện Đức Trọng kiến nghị không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 162,3 m2 là không đúng qui định Luật đất đai năm 2013.
Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Đức Trọng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với việc cấp GCNQSDĐ đối với cụ Lích. Sau khi có chỉ đạo tham mưu chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ của Sở TN&MT thì ông Lê Công Tuấn, (khi đó đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng) ban hành Quyết định số 26/QĐ-UBND-ĐT ngày 4/4/2016 bác đơn khiếu nại của cụ Lích và buộc phải nộp tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên khi cụ Lích khiếu nại đến UBND tỉnh Lâm Đồng thì UBND tỉnh lại ra Quyết định số 1122/QĐ-UBND ngày 30/5/2016 chấp nhận không thu tiền sử dụng đất của cụ Lích đối với toàn bộ 610 m2 đất và giao UBND huyện Đức Trọng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho cụ Lích và không thu tiền sử dụng đất.
"Như vậy có gì đó bất thường trong sự chỉ đạo không thống nhất của UBND tỉnh và sự tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh không đúng qui định pháp luật", luật sư Hồ Nguyên Lễ nhận định.
Tại sao kỷ luật nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện?
Đó là câu hỏi được luật sư Hồ Nguyên Lễ đặt ra sau khi đối chiếu các quy định của pháp luật. Luật sư Lễ viện dẫn tại Điều 9 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì cơ quan chuyên môn thuộc UBND là cơ quan tham mưu, giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương. Do đó khi Sở đã xác định cụ Lích thuộc trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất ở vượt hạn mức khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc UBND huyện Đức Trọng kiến nghị không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 162,3 m2 là không đúng qui định thì ông Lê Công Tuấn đã nghe theo tham mưu, hướng dẫn nghiệp vụ của Sở TN&MT, của Phòng TN&MT huyện nên phải thu tiền sử dụng đất đối với cụ Lích.
Khi cán bộ, công chức UBND tỉnh và Sở TN&MT đã tham mưu không đúng pháp luật thì phải chịu trách nhiệm về kết quả tham mưu sai qui định theo đúng qui định của Điều 9 Luật cán bộ, công chức năm 2008 qui định nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ “Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao”.
"Vậy tại sao kỷ luật ông Lê Công Tuấn nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng? - Luật sư Hồ Nguyên Lễ đặt câu hỏi.
"Ngoài ra, tại Điều 77 Luật cán bộ, công chức năm 2008 qui định miễn trách nhiệm đối với cán bộ, công chức trong trường hợp sau đây: Phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành. Nếu ông Lê Công Tuấn chứng minh được việc đã phát hiện nội dung tham mưu của Sở và chỉ đạo của UBND tỉnh trái pháp luật và đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành thì có thể xem xét miễn trách nhiệm", luật sư Lễ nhấn mạnh.
Trong báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng về việc xử lý các “quan” sai phạm trong vụ xử lý đơn thư khiếu nại của bà Đàm Thị Lích gồm 10 cán bộ bị “khiển tránh, cảnh cáo, kiểm điểm, rút kinh nghiệm” thì cũng nhắc đến trách nhiệm của Sở TN&MT trong vụ áp thuế oan 5,7 tỷ đồng đối với cụ Lích. Báo cáo nêu, Sở TN&MT là cơ quan được UBND tỉnh giao xem xét, định hướng nghiệp vụ cho huyện Đức Trọng thực hiện giải quyết đơn thư của bà Đàm Thị Lích nhưng đã thực hiện chưa hết trách nhiệm, định hướng chưa rõ ràng dẫn đến việc UBND huyện Đức Trọng áp dụng pháp luật không đúng trong giải quyết vụ việc. Sở TN&MT đã thực hiện công tác kiểm điểm, xác định trách nhiệm của cán bộ có liên quan nhưng đề xuất chưa đến mức phải xem xét áp dụng hình thức kỷ luật do chưa nắm đầy đủ các thông tin có liên quan dẫn đến tình trạng định hướng xử lý chưa phù hợp. Sở TN&MT nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với vụ việc này.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Công Tuấn lý giải: "Nếu giả sử tôi giải quyết trái với kết luận của Sở TN&MT và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh thì các cơ quan chức năng như: Thanh tra, điều tra, kiểm tra… vào kiểm tra hồ sơ này sẽ xử lý trách nhiệm hình sự đối với cá nhân tôi về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng do liên quan đến số tiền rất lớn 5,7 tỷ đồng và Sở TN&MT có kết luận kiến nghị phải thu, UBND tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo thì khi đó tôi không thể giải trình gì được".
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Trung Kiên