Vụ án thuỷ điện Sơn La: Hơn 600 hộ dân đều sai sao chỉ bắt mình hộ dân Đèo Văn Ban đi tù?

(Dân trí) - Cơ quan tố tụng tỉnh Sơn La cáo buộc, hộ dân Đèo Văn Ban tự ý kê khống đất lấy số tiền đền bù hơn 1,2 tỉ đồng. 16 bị cáo còn lại hầu hết là cán bộ, lãnh đạo huyện Mường La, Sở Tài chính, Sở TN&MT vi phạm quy định quản lí kinh tế dẫn đến việc bồi thường "thừa" cho hộ Đèo Văn Ban.

Sáng 28/5, HĐXX TAND tỉnh Sơn La tiếp tục đưa 17 bị cáo trong "vụ án" thuỷ điện Sơn La ra xét xử. Sau 6 ngày xét hỏi các bị cáo, ngày 27/5, đại diện VKSND tỉnh Sơn La đề nghị tòa tuyên Trương Tuấn Dũng - nguyên Phó GĐ Sở Tài chính từ 6 - 7 năm tù; Phan Tiến Diện- nguyên Phó GĐ Sở TN&MT từ 6 - 7 năm tù; Phan Đức Chính - nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Mường La từ 6 - 7 năm tù. 

Vụ án thuỷ điện Sơn La: Hơn 600 hộ dân đều sai sao chỉ bắt mình hộ dân Đèo Văn Ban đi tù? - 1

Phiên toà xét xử vụ án thuỷ điện Sơn La vào sáng 28/5.

Các bị cáo Phan Xuân Khoa, Trần Mạnh Trì - cùng nguyên Phó ban di dân huyện Mường La, Tòng Văn Thành - nguyên bí thư xã Chiềng Hoa (Mường La) đều bị đề nghị nhận từ 5 - 6 năm tù... Các bị cáo khác lĩnh mức án tương ứng. "Thường dân" duy nhất trong vụ án là Đèo Văn Ban bị đề nghị tuyên từ 4 - 5 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại tòa, người giữ quyền công tố nêu căn cứ luận tội và khẳng định, năm 2005, công tác chi tiền bồi thường về tài sản, di dời theo hình thức “đất đổi đất” cho các hộ dân trong khu vực nhà máy thủy điện Sơn La đã hoàn thành. Năm 2013, Chính phủ cho phép bồi thường thêm phần chênh lệch giá trị đất giữa nơi đi và nơi đến tại khu tái định cư.

Năm 2014, UBND tỉnh Sơn La ra Công văn 617 chỉ đạo UBND huyện Mường La thống kê lại diện tích đất của từng hộ và đề xuất phương án bồi thường. Lúc này, bị cáo Trương Tuấn Dũng là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La đã ban hành Kế hoạch 41 triển khai chỉ đạo của tỉnh đồng thời chỉ định Văn phòng đăng ký đất đaiSơn La và Cty Bảo Bình (ở Hà Nội) đo đạc, lập bản đồ địa chính.

Cơ quan truy tố cho rằng, kế hoạch 41 nói trên không đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La và dẫn tới việc các đơn vị, bị cáo khác thực hiện sai quy định về đo đạc, lập bản đồ rồi bồi thường “thừa” hơn 1,2 tỷ đồng cho bị cáo Đèo Văn Ban. 

Bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị cáo Đèo Văn Ban, luật sư Hoàng Tùng khẳng định thân chủ của mình chỉ là nông dân, không phạm tội “Cố ý làm trái các quy định....”.

"Trong vụ án này, 17 bị cáo không có ai trục lợi. Ngoài Đèo Văn Ban là dân thường thì 16 bị cáo còn lại đều là cán bộ, lãnh đạo, những người có chức vụ nhưng không ai thoả thuận hay câu kết với thân chủ tôi để trục lợi, thậm chí có những người hôm nay ra trước toà mới biết mặt Đèo Văn Ban", Luật sư Tùng khẳng định. 

Ngoài ra, Đèo Văn Ban sinh sống ở Mường La từ lâu; rất nhiều người và chính quyền xã thời trước đã xác nhận ông có đất. Tuy nhiên, những người này không được triệu tập tới tòa làm nhân chứng.

Luật sư Tùng dẫn các văn bản thể hiện bồi thường đất đai tại dự án thủy điện Sơn La có tính chất đặc thù. “Thủ tướng có văn bản nói rõ đây phải là trường hợp đặc thù nhưng VKSND cho rằng nó không đặc thù. Vậy kiểm sát viên sai hay Thủ tướng sai” - ông Tùng nêu quan điểm.

Ông Tùng phân tích, Văn phòng Chính phủ có văn bản 2602/ ngày 21/3/2017 giao các Bộ TN&MT, Công thương, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp và UBND tỉnh Sơn La giải quyết theo quy định, làm rõ khiếu nại của công dân, có phương án giải quyết đúng rồi báo cáo kết quả tới Thủ tướng.

Tuy nhiên, ngày 11/7/2017, UBND tỉnh Sơn La dùng báo cáo 03 của Ban quản lý dự án di dân thủy điện Sơn La làm căn cứ giải quyết trước khi có họp đối thoại nên UBND tỉnh đã sai. Tiếp đến, VKSND tỉnh Sơn La lại dùng chính báo cáo 03 này làm căn cứ khởi tố vụ án, bắt giam các bị cáo.

Vụ án thuỷ điện Sơn La: Hơn 600 hộ dân đều sai sao chỉ bắt mình hộ dân Đèo Văn Ban đi tù? - 2

Luật sư Hoàng Tùng, bảo vệ thân chủ Đèo Văn Ban cho rằng, nếu bảo thân chủ của ông nhận tiền đền bù theo kế hoạch 41 là sai thì phải truy tố xét xử cả hơn 600 hộ dân còn lại, tại sao bắt mỗi ông Đèo Văn Ban?

Luật sư Tùng nêu quan điểm trong vụ án, VKSND Sơn La đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc suy đoán vô tội và Bộ luật TTHS. Và có dấu hiệu truy tố oan sai cho các bị cáo.

Vị luật sư cũng phân tích kế hoạch 41 không phải văn bản quy phạm pháp luật, không sai so với các quy định khác. Bên cạnh đó, kế hoạch 41 áp dụng với hơn 600 hộ dân nên nếu sai, cần điều tra tất cả.

Luật sư Tùng phát biểu: “Nếu cần truy tố thì phải truy tố cả hơn 600 người vì UBND huyện Mường La không thực hiện riêng cho hộ Đèo Văn Ban. Chúng ta không thể lấy 1 hồ sơ của một hộ dân Đèo Văn Ban ra truy tố. Nếu trả tiền bồi thường cho Ban sai thì 600 hộ khác với tiền bồi thường lên đến hàng trăm tỉ thậm chí nghìn tỷ cũng sai... Không thể dùng báo cáo 03 do ông Cầm Chính Nghĩa (nguyên Phó Ban di dân tái định cư tỉnh Sơn La) ký để truy tố Ban và 16 bị cáo còn lại”.

Từ các phân tích trên, luật sư Hoàng Tùng đề nghị HĐXX tuyên tất cả bị cáo vô vội. “Ban lại càng vô tội. Ban đang đi kiện, thực hiện quyền khiếu nại, khiếu kiện của mình. Văn phòng Chính phủ đã giao các bộ ngành xử lý nhưng chưa xử lý, tỉnh Sơn La đã ra văn bản 03 thể hiện ông Ban sai. Vậy trung ương sai hay tỉnh sai” - luật sư Hoàng Tùng nói.

Tại phiên toà sáng 28/5, Đèo Văn Ban là người dân bình thường không có chức vụ so với 16 bị cáo còn lại thắc mắc: tại sao hơn 600 hộ dân khác cũng được bồi thường sao chỉ bắt mình tôi đưa ra xét xử?

Tuấn Hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm