Vụ án lạ tại Sóc Trăng: Thêm một bản án phúc thẩm khiến người dân bất bình
(Dân trí) - Ngày 25/2, TAND tỉnh Sóc Trăng đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ kiện theo đơn kháng cáo của ông Lương Văn Hơn. Tại phiên tòa này, ông Hơn cũng như người thân trong gia đình vô cùng thất vọng khi nghe chủ tọa phiên tòa tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Long Phú.
Ông Lương Văn Hơn bức xúc, vụ việc có quá nhiều khuất tất và những chứng cứ đều rõ ràng chứng minh phần đất là của tôi nhưng không hiểu sao tòa phúc thẩm vẫn tuyên y án sơ thẩm. “Tôi không đồng tình với phán quyết của tòa phúc thẩm, tôi sẽ tiếp tục làm đơn gửi TAND Cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM xin giám đốc thẩm bởi tòa sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét kỹ hồ sơ vụ việc nên phán quyết thiếu công tâm, gây thiệt thòi cho gia đình tôi”.
Như Dân trí phản ánh qua bài viết “Tòa “rộng lượng” buộc bị đơn trả gấp đôi diện tích đất nguyên đơn yêu cầu”, vào năm 1990 và năm 1992, ông Lương Văn Hơn (ngụ tại ấp Trường Lộc, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) mua của ông Trần Minh Quang và ông Nguyễn Văn Diễn (cùng ngụ tại ấp Trường Lộc, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) diện tích đất khoảng 3.000m2. Diện tích đất đó ông Hơn sử dụng trồng cây ăn trái lâu năm, không tranh chấp với ai.
Đến năm 2010, sau khi anh ruột ông Hơn là ông Lương Văn Tỏ mất, bà Lưu Thị Hải (vợ ông Tỏ, ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) đưa ra GCNQSDĐ (sổ đỏ) đứng tên bà Hải cho diện tích đất 1.232m2 tại vị trí thửa đất mà ông Hơn mua của ông Quang và ông Diễn. Bà Hải yêu cầu ông Hơn trả lại đất cho bà nhưng ông Hơn không đồng ý nên bà khởi kiện ra tòa án.
Theo hồ sơ do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (Sở TN-MT Sóc Trăng) cung cấp, diện tích đất 1.232m2 tranh chấp được bà Lưu Thị Hải có đơn xin đăng ký QSDĐ ngày 11/9/1993, khai là đất gốc và được UBND huyện Long Phú cấp sổ đỏ ngày 19/7/1994. Về nguồn gốc đất, khi xin cấp sổ đỏ, bà Hải khai là đất gốc vợ chồng bà sử dụng trước và sau năm 1975, được UBND huyện Long Phú cấp sổ đỏ nhưng bà làm mất sổ đỏ. Biết bà mất sổ đỏ, ông Hơn tự ý vào canh tác trên diện tích đất đó.
Thế nhưng, tại TAND huyện Long Phú, bà Hải lại khai: Diện tích đất đó bà Hải nhờ em chồng là ông Lương Văn Hơn đứng ra chuyển nhượng của ông Trần Minh Quang vào năm 1990 và của ông Nguyễn Văn Diễn năm 1992.
Nhân chứng Trần Minh Quang (nguyên là Xã Đội trưởng Xã Đội Trường Khánh, huyện Long Phú) khẳng định: “Đất tranh chấp là đất của tôi bán cho ông Lương Văn Hơn ngày 4/10/1990. Hiện ông Hơn vẫn giữ giấy sang nhượng bản gốc, hoàn toàn không phải đất gốc của bà Hải sử dụng từ trước và sau 1975 như lời bà ta khai với tòa, càng không có chuyện bà Hải nhờ ông Hơn đứng ra chuyển nhượng dùm bà ta. Tôi còn sống sờ sờ đây mà tòa không xác minh, thật vô lý”.
Còn ông Lương Văn Ngọc (chú ruột ông Hơn, ông Tỏ) cũng khẳng định, đất tranh chấp là của ông Hơn nhượng lại từ ông Quang và ông Diễn chứ không phải đất của vợ chồng bà Hải. Hơn nữa, vợ chồng bà Hải sinh sống ở Cần Thơ, không ở Trường Khánh, không quản lý, sử dụng trên diện tích đất tranh chấp đó ngày nào nên đòi ông Hơn trả đất là không có cơ sở.
Nhiều nhân chứng khác ở địa phương đều xác nhận, đất tranh chấp là của ông Hơn mua, quản lý, sử dụng từ khi chuyển nhượng của ông Quang và ông Diễn chứ không phải mua dùm cho bà Hải. Bà Hải cũng không canh tác ngày nào trên thửa đất này.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23/7/2015, TAND huyện Long Phú tuyên buộc ông Hơn phải trả cho bà Hải diện tích 2.331,2m2; còn phía bà Hải phải trả cho ông Hơn trên 50 triệu đồng là tiền giá trị cây do ông Hơn trồng trên đất tranh chấp.
Một sự vô lý mà có lẽ không ai chấp nhận được là trong đơn xin cấp sổ đỏ cho mình, bà Lưu Thị Hải xin cấp cho diện tích 1.232m2; đơn yêu cầu hòa giải bà Hải cũng khai diện tích tranh chấp là 1.232m2 nhưng tòa lại buộc ông Hơn trả cho bà Hải diện tích đất đến 2.331,2m2. Theo lý giải của tòa án, do đo thực tế phần đất tranh chấp là 2.331,2m2 chứ không phải 1.232m2 như sổ đỏ của bà Hải được huyện cấp.
Bạch Dương