Nghệ An:

Vụ 25 năm trầy trật đi tìm lại đất: Người khổ vì phận đất long đong

(Dân trí) - Sau khi bài viết “25 năm trầy trật đi tìm lại đất”, gia đình ông Trần Văn Bình (xóm 4, xã Nghĩa Thuận, TX.Thái Hòa, Nghệ An) vẫn chưa được cấp đổi bìa đất. Bà Thu đã quá ngán ngẩm với cái cảnh cầm đống giấy tờ ngược xuôi đòi đất.

 

Đã có hàng chục lần ông Bình phải nhờ vợ và con đội đơn kêu cứu vì mấy chục năm qua đất của gia đình ông vẫn chưa được cấp bìa đỏ.
Đã có hàng chục lần ông Bình phải nhờ vợ và con đội đơn kêu cứu vì mấy chục năm qua đất của gia đình ông vẫn chưa được cấp bìa đỏ.

“Ai cũng được …chỉ một nhà không được”.

Năm 1991, gia đình ông Trần Văn Bình có mua một thửa đất tại xóm 4, xã Nghĩa Thuận (trước là huyện Nghĩa Đàn) nay thuộc TX Thái Hòa, Nghệ An với số tiền lúc đó là 1.200.000 đồng do UBND xã trực tiếp đứng ra bán.

Tuy nhiên, trong biên lai thu tiền không ghi rõ diện tích đã mua. Lý giải về điều này ông Bình cho biết hồi đó không có máy móc đo đạc như bây giờ mà chỉ đó theo kiểu đóng cọc rồi đếm bước chân. Nhà nào cũng thế nên cũng không ai biết đích xác diện tích thửa đất của mình.

Các loại giấy tờ như đơn xác nhận nghĩa vụ thuế, đơn đăng ký quyền sử dụng đất... mà ông Bình đã gửi rất nhiều lần nhưng các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa có phương án giải quyết thỏa đáng với người dân.
Các loại giấy tờ như đơn xác nhận nghĩa vụ thuế, đơn đăng ký quyền sử dụng đất... mà ông Bình đã gửi rất nhiều lần nhưng các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa có phương án giải quyết thỏa đáng với người dân.
Thông báo của UBND xã Nghĩa Thuận vào ngày 16/7/2015 cho gia đình ông Bình nhưng chưa đúng với thực tế.
Thông báo của UBND xã Nghĩa Thuận vào ngày 16/7/2015 cho gia đình ông Bình nhưng chưa đúng với thực tế.

Mỗi thửa đất lúc đó chỉ có giá 40.000 đồng. Tuy nhiên gia đình ông Bình vẫn mua tới giá 1.200.000 đồng vì thửa đất đó vừa nằm sát quốc lộ 48, vừa sát đường liên xã nên dù đắt gấp 30 đến 40 lần song ông bà vẫn cố vay mượn để mua.

Năm 1992, đã xảy ra tranh chấp giữa hộ ông Bình với gia đình ông Đinh Văn Năm ở phần phía sau của thửa đất. Sau đó UBND xã cùng với Ban địa chính đã xuống tận nơi để giải quyết.

Lúc này, gia đình đã nhận được một tờ giấy viết tay có tên gọi “Trích bản đồ giải quyết đất đai” do cán bộ địa chính xã lúc này là ông Đinh Văn Ty viết. Trong này có ghi rõ diện tích của thửa đất là 103m2 không tính đất lưu không.

Đây là một bản trích lục đất khác vào năm 1991 khẳng định đất gia đình ông Bình là 103m2.
Đây là một bản trích lục đất khác vào năm 1991 khẳng định đất gia đình ông Bình là 103m2.

 

Phải chăng vì chuyện này mà gia đình ông bà không được cấp giấy CNQSDĐ trong năm 1995 như những hộ khác. Năm đó (1995), khi có chủ trương cấp bìa đất, tất cả những hộ gia đình mua đất cùng thời điểm với ông bà đều được cấp bìa.

Ông Chu Thới (xóm trưởng xóm 4) cho biết: “Tôi mua thửa đất này cùng thời điểm với gia đình ông Bình. Đến năm 1995 thì được cấp giấy CNQSDĐ. Nói thật là cho tới tận khi có bìa thì tôi mới biết mình có bao nhiêu đất. Chứ hồi mua cũng chỉ áng chừng vậy thôi…”.

Tuy nhiên, với gia đình ông Bình cũng mãi tới năm 1999, cán bộ địa chính xã mới đưa cho một cái bìa đất, nhưng diện tích chỉ 39,6m2.

Biết kêu ai bây giờ?

Cũng từ đó đến nay, gia đình ông Bình đã có hàng chục lá đơn kiến nghị được gửi đi. Song theo như bà Thu (vợ ông Bình) nói thì dường như mọi lá đơn của bà đều bị phớt lờ.

Trích lục bản đồ địa chính thửa đất, tờ bản đồ số 29, ngày 7/5/2015 xác nhận đất của gia đình ông Trần Văn Bình là 138m2. Thế nhưng nhiều lần gia đình cầm trích lục này đi làm sổ đỏ vẫn bị vướng và chính quyền địa phương không giải quyết.
Trích lục bản đồ địa chính thửa đất, tờ bản đồ số 29, ngày 7/5/2015 xác nhận đất của gia đình ông Trần Văn Bình là 138m2. Thế nhưng nhiều lần gia đình cầm trích lục này đi làm sổ đỏ vẫn bị vướng và chính quyền địa phương không giải quyết.

Một điều đáng lưu ý là theo bản đồ địa chính đo đạc năm 2007 thì diện tích của gia đình ông Bình đang sử dụng là 138m2. Tháng 7/2015, khi có chủ trương cấp đổi lại bìa đỏ, số diện tích đo lại cũng như vậy. Có vẻ như thửa đất của gia đình ông bà biết co giãn. Nó không chịu nằm im mà luôn biến tấu qua lại giữa các con số 39,6m; 103m và 138m2.

Lý giải về sự khác nhau giữa các con số này, ông Trần Đình Bình - cán bộ địa chính xã Nghĩa Thuận cho biết: “Sở dĩ có sự khác biệt này là do sai số giữa các lần đo đạc. Sự tính toán của các cụ hồi xưa không đúng nên mới có con số 103m2. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn căn cứ vào con số này. Và xã vẫn giao cho gia đình diện tích này. Tuy nhiên, bây giờ gia đình lại đòi 138m2. Điều này là sai luật…”.

Biên bản kiểm tra thực địa ngày 6/5/2015 và phần ý kiến của nhân dân đều đồng thuận việc cấp đất cho ông Bình là xác đáng.
Biên bản kiểm tra thực địa ngày 6/5/2015 và phần ý kiến của nhân dân đều đồng thuận việc cấp đất cho ông Bình là xác đáng.

Tuy nhiên trong cuộc họp ngày 15/7/2015, gia đình ông bà đã đề nghị cấp 103m2. Trong cuộc họp đó, có ông Chu Thới (xóm trưởng xóm 4) - người có mặt và đại diện cho xóm nhận định diện tích 103m2 là không có cơ sở. Ông cũng cũng cho rằng diện tích 138m2 là hoàn toàn có căn cứ khoa học đúng với bản đồ địa chính đo đạc năm 2007.

Ông Trần Thanh Phong - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường TX Thái Hòa) cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ của gia đình ông Trần Văn Bình. Tôi cũng đã hướng dẫn cho bà Thu (vợ ông Bình) về các thủ tục cần thiết. Bản thân tôi cũng không biết hồ sơ này còn vướng mắc gì. Mọi quy trình vẫn còn nằm dưới xã…”.

Đến nay, gia đình ông bà vẫn chưa được hướng dẫn các thủ tục cần thiết. UBND xã thỉnh thoảng lại gửi cho gia đình một văn bản giải trình về thửa đất.

Người thương binh ấy đã không còn hào hứng với việc gõ cửa các cơ quan để đòi lại đất của mình. Bởi lẽ, ông cũng không biết kêu ai, tìm ai để có thể giải quyết cho mình. “Hai mươi lăm năm tôi đi đòi lại đất. Đòi ở đâu và ai trả cho tôi. Hai chân tôi đã cụt hết cả rồi. 60 tuổi tôi đi sao được nữa…”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến bạn đọc.

Hồ Hà - Nguyễn Duy