Vụ 2 nữ lao công bị bắn: Vì sao chưa thể khởi tố tội giết người?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi sử dụng súng bắn vào chân người khác chưa đủ cấu thành tội Giết người. Do đó, việc áp dụng tội Cố ý gây thương tích cho 2 nghi phạm là phù hợp.

Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tống đạt quyết định khởi tố bị can Nguyễn Đức Nga (23 tuổi, ở huyện Phú Ninh) và Trần Viết Đông (24 tuổi, ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) liên quan tới vụ 2 nữ lao công bị bắn trong đêm, về tội Cố ý gây thương tích.

Theo công an, rạng sáng 5/10, hai nữ lao công thu gom rác trên đường Phạm Văn Đồng (TP Quảng Ngãi) thì bất ngờ bị 2 nghi phạm tấn công, dùng súng bắn vào chân, đùi. Hơn một ngày sau, Nga và Đông bị bắt giữ.

Vụ 2 nữ lao công bị bắn: Vì sao chưa thể khởi tố tội giết người? - 1

Trần Viết Đông (bên trái) và Nguyễn Đức Nga bị bắt khi đang trên đường trốn chạy (Ảnh: Công an Quảng Ngãi).

Theo dõi sự việc, độc giả Minh Anh bình luận: "Dùng súng bắn người thì phải chịu tội danh Giết người thôi".

"Đừng có nói chỉ là gây rối trật tự công cộng hay cố ý gây thương tích nhé. Chị ấy không chết là nằm ngoài ý muốn của chúng nó thôi đấy", chủ tài khoản But nêu quan điểm.

"Sử dụng súng là vũ khí nguy hiểm, có tính sát thương cao để tấn công người khác. Tại sao không phải tội Giết người mà chỉ là tội Cố ý gây thương tích vậy nhỉ?", độc giả Hoàng Linh đặt câu hỏi.

Giải đáp câu hỏi của độc giả Dân trí, thạc sĩ, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, trên thực tế, súng là loại vũ khí nguy hiểm, có tính sát thương cao. Việc sử dụng cần tuân thủ đầy đủ các quy định chặt chẽ của pháp luật và chỉ một số đối tượng nhất định mới được sử dụng loại vũ khí này. Hành vi sử dụng súng tùy tiện để tấn công người khác là hết sức nguy hiểm, cần bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Dưới góc độ khoa học pháp lý, một người nếu có hành vi cố ý sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để tấn công vào vùng trọng yếu của người khác (VD: đầu, ngực, vùng bụng, phổi...) nhằm cố ý tước đoạt tính mạng người khác hoặc không cố ý nhưng thực hiện hành vi với cường độ mạnh, quyết liệt, có khả năng tước đoạt mạng sống người khác ngay lập tức nhưng vẫn thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì có thể bị xử lý về tội Giết người.

Đối chiếu với sự việc xảy ra ở Quảng Ngãi, ông Giáp đánh giá súng có thể được xếp vào nhóm vũ khí, phương tiện nguy hiểm. Tuy nhiên, theo thông tin hiện có trên báo chí, hai nghi phạm khi tấn công đã dùng súng bắn vào vùng chân, đùi của 2 nữ lao công.

So với những vùng trọng yếu khác trên cơ thể như đầu, ngực hay bụng, đây là khu vực ít gây nguy hiểm hơn khi bị tấn công và ít có khả năng tước đoạt mạng sống người khác ngay lập tức hơn. Do đó, việc cơ quan công an bước đầu khởi tố Nga và Đông về tội Cố ý gây thương tích là phù hợp quy định của pháp luật.

"Quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ tiếp tục củng cố lời khai để xác định chính xác hành vi phạm tội của 2 nghi phạm. Nếu xuất hiện thêm căn cứ cho thấy Nga và Đông đã cố tình thực hiện hành vi nguy hiểm, có tính chất quyết liệt hoặc cố tình tấn công vào vùng trọng yếu, song vì lý do khách quan mà không thể bắn trúng các vị trí đó thì có thể xem xét khởi tố tội Giết người.

Trường hợp không có căn cứ mới làm thay đổi bản chất sự việc, tội danh Cố ý gây thương tích sẽ được áp dụng. Tỷ lệ tổn thương cơ thể của 2 nữ lao công sẽ là căn cứ xác định tình tiết định khung đối với các nghi phạm", luật sư Giáp phân tích.

Hoàng Diệu