Bài 3:
Vợ “tố” chồng cũ mang dao ép viết giấy nợ 2,5 tỷ: Gian nan hành trình tìm công lý!
(Dân trí) - Cho rằng bản án tòa phúc thẩm tuyên buộc phải trả chồng cũ số tiền 2,5 tỷ đồng là không thỏa đáng, không đúng với bản chất vụ việc, bà Lụa tiếp tục có đơn gửi đến Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM để tìm công lý. Tuy nhiên, hơn 6 tháng qua, bà Lụa vẫn mòn mỏi chờ đợi.
Trong đơn kiến nghị gửi đến Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM ngày 19/11/2015, bà Đỗ Hồng Lụa (40 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) trình bày, bà là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” với nguyên đơn là ông Lê Đức Long (SN 1973, thôn Thượng, xã An Vỹ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, tạm trú quận 12, TP.HCM) mà TAND quận Gò Vấp đã tiến hành xét xử sơ thẩm ngày 12/5/2015 bằng bản án sơ thẩm 205/2015/DSST và TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm ngày 15/9/2015 với bản án số 1179/2015/DSPT và đã tuyên y án sơ thẩm.
“Xét thấy bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã đưa ra kết luận không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của tôi. Chính vì vậy, tôi gửi đơn này đề nghị ông Viện trưởng Viện KSDN Cấp cao tại TP.HCM xem xét lại các bản án có hiệu lực nói trên theo thủ tục giám đốc thẩm và kịp thời ra kháng nghị giám đốc thẩm với bản án dân sự phúc thẩm số 1179/2015/DSPT của TAND TP.HCM để bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật”, bà Lụa trình bày.
Theo bà Lụa, khoảng 12h trưa 2/11/2011, ông Long cầm theo dao trèo qua tường đột nhập vào nhà bà trên đường Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp. Lúc này, chị Đinh Thị Thoa, người giúp việc của gia đình phát hiện thì bị ông Long đánh vào mặt làm chảy máu mũi, máu mồm, ngay sau đó ông Long lao đến kề dao vào cổ, buộc bà Lụa phải viết giấy vay nợ ông Long số tiền 2,5 tỷ đồng. “Thấy ông Long hung dữ và muốn đảm bảo an toàn cho mọi người và đứa con gái mới 4 tuổi ở bên nên tôi viết theo nội dung mà ông Long yêu cầu. Thời điểm này có nhiều người hàng xóm đứng bên ngoài đường nhìn vào. Khi lấy được mảnh giấy vay nợ từ tay tôi thì ông Long vội vã cầm dao bỏ đi, tôi cũng chạy đến công an phường 8 trình báo vụ việc”, bà Lụa trình bày.
Bà Lụa khẳng định lời khai của bà hoàn toàn phù hợp với các tài liệu, chứng cứ và các tình tiết khác có trong hồ sơ vụ án. Theo biên bản ghi lời của bà Lụa tại công an phường 8 (quận Gò Vấp), biên bản ghi lời khai tại công an quận Gò Vấp và biên bản ghi lời khai tại cơ quan CSĐT công an TP.HCM thể hiện nội dung bà Lụa đã khai báo là bị ông Long dùng dao kề vào cổ, ép buộc viết giấy nợ 2,5 tỷ đồng, chứ bà Lụa không hề nợ nần gì ông Long. “Trong quá trình được mời lên làm việc, tôi thấy lời khai của ông Long có nhiều mâu thuẫn không phù hợp với các tình tiết có trong hồ sơ vụ án, nhiều lần đối chất ông Long không đưa ra được chứng cứ, chứng minh số tiền 2,5 tỷ mà ông ý nói là tôi mượn nợ. Khi được hỏi vấn đề này ông Long chỉ nói “Mượn thì phải trả, không phải nói nhiều”, bà Lụa thông tin.
Trình bày của bà Lụa phù hợp với nội dung nhiều biên bản đối chất mà ông Long đã thể hiện tại tòa án và cơ quan công an
Bên cạnh đó, bản tường trình và biên bản ghi lời của bà Đinh Thị Thoa (người giúp việc cho gia đình bà Lụa và cũng là nhân chứng quan trọng nhất vụ án này) tại công an phường 8 (quận Gò Vấp) vào 10h ngày 9/4/2013, biên bản ghi lời khai lúc 14h30 gày 2/12/2013 của công an quận Gò Vấp và biên bản ghi lời khai lúc 13h30ngày 22/1/2014 của cơ quan CSĐT công an TP.HCM thể hiện: “Tôi làm phụ giúp việc nhà cho chị Đỗ Hồng Lụa nhiều năm nay, vào buổi trưa ngày 2/11/2011 tôi với chị Lụa và con của chị Lụa đang ở phòng khách tại nhà chị Lụa số 32/7D đường Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, lúc đó tôi thấy Long (chồng cũ của chị Lụa) đứng ở ngoài cổng kêu tôi mở cổng cho anh ta vào. Do chị Lụa có dặn là không cho anh Long vào nhà nữa vì hai người không còn quan hệ gì nên tôi không ra mở cửa. Một lúc sau, tôi thấy Long đem cái thang (không biết lấy ở đâu) đến trèo qua cổng vào nhà chị Lụa, tôi thấy Long cầm một con dao dài khoảng 30cm đi vào chửi tôi và dùng tay đấm trúng miệng tôi làm chảy máu. Tôi sợ hãi đứng im, tôi thấy Long tiến đến dùng dao kề vào cổ và yêu cầu chị Lụa viết giấy nợ Long với số tiền là 2,5 tỷ đồng”
“Tôi thấy cô Lụa ngồi tại phòng khách viết giấy nợ đưa cho Long, Long cầm giấy nợ và con dao lao ra cổng. Khi Long bỏ đi, tôi sợ quá nên kêu xe ôm chở ra bến xe miền Đông rồi đi về quê luôn. Sau đó thì tôi mới được biết là có công an xuống ghi nhận sự việc. Thời điểm ông Long dùng dao khống chế chị Lụa ép viết giấy nợ còn có nhiều người hàng xóm khác chứng kiến”, bà Thoa trình bày trong biên bản ghi lời khai với công an.
Để khẳng định lời khai của mình về việc đã chứng kiến cảnh ông Long trèo tường vào nhà và dùng dao khống chế bà Lụa buộc viết giấy nhận nợ 2,5 tỷ đồng, ngày 10/8/2015, bà Đinh Thị Thoa tiếp tục lập vi bằng tại Văn phòng thừa phát lại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Trong bản tường trình thể hiện trong vi bằng, bà Thoa trình bày lại nội dung như đã khai báo với công an phường 8, công an quận Gò Vấp và cơ quan CSĐT công an TP.HCM. “Tôi đã vào TP.HCM 3 lần để cung cấp lời khai cho cơ quan điều tra. Do sức khỏe yếu nên tôi không vào TP.HCM để tham dự phiên tòa được, vậy nên tôi lập bản tường trình này làm bằng chứng trước tòa”, bà Thoa viết.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình thưa kiện và khai báo tại cơ quan công an, ông Lê Đức Long vẫn khẳng định là không ép buộc bà Lụa viết giấy nợ, việc cho bà Lụa vay tiền được chia làm nhiều lần và ông Long cũng không nhớ cụ thể mệnh giá tiền vào thời điểm cho vay. Ông Long cho rằng, nguồn tiền 2,5 tỷ đồng cho vợ cũ vay là do ông làm chà bông chung với bà Lụa và kinh doanh bất động sản có được.
Trong đơn gửi đến Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM, bà Đỗ Hồng Lụa còn đưa ra hàng loạt những điểm uẩn khúc, bất thường chưa được làm rõ như nguồn gốc số tiền; địa điểm, thời gian vay tiền; thời điểm xác lập giấy nhận nợ; tính liên quan và logic trong lời khai của ông Long…
Bà Lụa cho biết: “Sau khi tòa phúc phẩm tuyên buộc tôi vẫn phải trả ông Long 2,5 tỷ đồng mà tôi không hề vay mượn gì của ông ấy thì ngày 19/11/2015 tôi đã có đơn cầu cứu gửi đến Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM nhưng sau đó không được phúc đáp. Vơi hy vọng công lý được thực thi, tôi tiếp tục có đơn đề nghị gửi đến cơ quan này lần thứ 2 vào ngày 10/5/2016 nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Không biết Viện trưởng Viện KSDN Cấp cáo có được được đơn cầu cứu của tôi hay không? tôi rất mong sự việc của mình được minh bạch, được pháp luật bảo vệ sự công bằng, nghiêm minh, mong rằng Viện KSND Cấp cao vào cuộc để làm rõ những điểm còn mập mờ, những bằng chứng có lợi cho tôi đã bị lãng quên”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Trung Kiên