Đắk Nông:

Vỡ mộng nông nghiệp công nghệ cao, nhà đầu tư rục rịch "tháo chạy"

Dương Phong

(Dân trí) - Bỏ ra hàng tỷ đồng vào Đắk Nông sau khi tỉnh này kêu gọi đầu tư, nhiều doanh nghiệp vỡ mộng vì cơ sở hạ tầng hạn chế. Rơi vào tình trạng "tay không bắt giặc", nhiều doanh nghiệp rục rịch tháo chạy.

Rau chết khô, cây công nghiệp chết khát

Bà Trần Tịnh Thi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất nhựa Triển Phong (xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết, năm 2014 tỉnh Đắk Nông có chủ trương kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp này quyết định đến Đắk Nông đầu tư.

Vỡ mộng nông nghiệp công nghệ cao, nhà đầu tư rục rịch tháo chạy - 1
Hàng loạt máy móc của bà Thi không thể hoạt động vì không đủ điện.

Tuy nhiên, hơn 7 năm qua kể từ năm 2014, doanh nghiệp của bà Thi lâm vào cảnh sản xuất bị đình trệ, phải vay vốn để duy trì hoạt động. Nguyên nhân là bởi, cơ sở hạ tầng của Khu Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao (KNNCNC) không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Bà Thi cho biết, khi mới đến KNNCNC tỉnh Đắk Nông đầu tư, công ty của bà được bàn giao 16 ha đất nông nghiệp để trồng chè. Tuy nhiên, đến nay có hơn 3 ha vẫn đang tranh chấp với người dân địa phương nên thực tế doanh nghiệp chỉ trồng được gần 13 ha.

Vỡ mộng nông nghiệp công nghệ cao, nhà đầu tư rục rịch tháo chạy - 2
Phần lớn các công đoạn chế biến đều thực hiện thủ công.

"Thời điểm công ty tôi đến đây đầu tư chỉ là khu đất hoang hóa, công ty bỏ ra 7 tỷ đồng để cải tạo đất, trồng cây giống. Nhưng điều kiện cơ sở hạ tầng rất hạn chế, việc sản xuất không đạt được hiệu quả. Chưa kể, công ty đã đầu tư với số vốn lớn mà đến giờ đất vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất", bà Thi nói.

Vỡ mộng nông nghiệp công nghệ cao, nhà đầu tư rục rịch tháo chạy - 3

Nhiều diện tích cây trồng bị chết héo do thiếu nước.

Đặc biệt, từ năm 2014 tới nay, tại KNNCNC tỉnh Đắk Nông liên tục thiếu nước sản xuất. Thời gian đầu, công ty phải tự mua ống để dẫn nước từ các sông suối về sử dụng. Đến năm 2019, khu vực trên được đầu tư Hệ thống Cấp nước sản xuất tưới tiêu nhưng hiện hệ thống này không thể sử dụng, có dấu hiệu hư hỏng.

"Đối với cây chè, nếu không được cung cấp đủ nước sẽ không cho thu hoạch. Tuy nhiên, công trình cung cấp nước vừa đi vào sử dụng một thời gian đã ngưng hoạt động, công ty tiếp tục phải lấy nước từ sông suối về sản xuất", bà Thi nói.

Vỡ mộng nông nghiệp công nghệ cao, nhà đầu tư rục rịch tháo chạy - 4
Nhiều doanh nghiệp lao đao vì cơ sở vật chất của KNNCNC hạn chế, không đáp ứng được năng lực sản xuất.

Tương tự, ông Nguyễn Khánh Dư, Giám đốc Công ty Cổ phần InnoGenetics Đắk Nông cũng cho biết, năm 2018 doanh nghiệp được tỉnh Đắk Nông chon thuê gần 9 ha đất tại KNNCNC.

Bỏ ra gần 30 tỷ đồng xây dựng hệ thống trang trại để trồng rau, sản xuất hạt giống rau. Tuy nhiên, nguồn nước không đảm bảo, 3 năm qua chưa thu lại được đồng nào, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Vỡ mộng nông nghiệp công nghệ cao, nhà đầu tư rục rịch tháo chạy - 5
"Nguồn nước không đảm bảo, 3 năm qua chưa thu lại được đồng nào, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ".

"Rau chết, không đảm bảo nguồn giống khiến hợp đồng ký với các đối tác trước đó không thể thực hiện. Không chỉ kinh tế mà uy tín của công ty bị ảnh hưởng", ông Dư nói.

Lý giải điều này, ông Dư cho biết, nguồn nước bị nhiễm phèn, có nhiều vi khuẩn nên khi tưới, rau bị bệnh rồi chết. Đặc biệt, hệ thống nước tưới tiêu chỉ sử dụng được một thời gian, buộc doanh nghiệp phải dùng nước từ hồ chứa tự nhiên. Hai năm qua, từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm, doanh nghiệp không đủ nước dẫn tới không đảm bảo sản xuất.

Dự án có nguy cơ "chết yểu"?

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Dự án Khu Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao, đến năm 2016, ngoài việc giải phóng mặt bằng, gần như các hạng mục hạ tầng thiết yếu vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Ngày 14/7/2016, UBND tỉnh Đắk Nông phải ban hành Quyết định số 2011/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng dự án Hạ tầng kỹ thuật thiết yếu Khu Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao, với tổng mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng.

Vỡ mộng nông nghiệp công nghệ cao, nhà đầu tư rục rịch tháo chạy - 6

Các doanh nghiệp đầu tư vào KNNCNC đang rục rịch rút khỏi tỉnh Đắk Nông vì có nguy cơ thua lỗ.

Tuy nhiên, hết tháng 3/2021, dự án mới chỉ được đầu tư trục đường giao thông chính gần 800m, hồ chứa nước 5.000m2, đập dâng 12m, bể chứa 900m3, đường ống cấp nước, nhà vận hành…. Nhiều hạng mục quan trọng chưa được xây dựng, một số hạng mục đã hoàn thành lại hư hỏng hoặc không vận hành.

Từng được kỳ vọng là "hạt nhân" cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông, đến nay KNNCNC chưa đạt được mục tiêu đề ra. Việc kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư nhưng lại "đem con bỏ chợ", để doanh nghiệp "tay không bắt giặc" khiến nhiều đơn vị đang rục rịch rời đi.

Vỡ mộng nông nghiệp công nghệ cao, nhà đầu tư rục rịch tháo chạy - 7
Hệ thống cấp nước mới xây dựng nhưng đã hư hỏng, không phục vụ cho các doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu NNCNC cho biết, KNNCNC có tổng diện tích là 140,2 ha. Đến nay, diện tích được giao cho các nhà đầu tư mới chỉ được 72,88 ha (hơn 50%). Đơn vị này đang xúc tiến kêu gọi 3 nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh, có năng lực thực hiện dự án. 

Trước những khó khăn, hạn chế về cơ sở hạ tầng của KNNCNC, ngày 30/3, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã đến kiểm tra dự án. Sau khi đi kiểm tra, dự kiến đầu tháng 4/2021, tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức họp nhằm giải quyết những vướng mắc, khó khăn tại KNNCNC.