Vĩnh Long: Vụ nhà máy xử lý rác trăm tỷ bỏ không bên núi rác sẽ hoạt động trở lại?

(Dân trí) - Như Dân trí đã phản ánh, trong khi các tỉnh ĐBSCL đang "thèm” có nhà máy xử lý rác, thì tại Vĩnh Long có nhà máy xử lý rác hiện đại nhất khu vực lại bị “trùm mền” bên "núi rác”. Mới đây,Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành Trung ương và tỉnh Vĩnh Long nhanh chóng tìm giải pháp, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho nhà máy.

 

Rác chất thành núi, nhưng mấy năm nay nhà máy rác hàng trăm tỷ lại không có rác để hoạt động
Rác chất thành núi, nhưng mấy năm nay nhà máy rác hàng trăm tỷ lại không có rác để hoạt động

Bà Liêu Cát Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng Phương Thảo vừa chia sẻ thông tin trên với Dân trí.

Nặng nợ với …rác

Như Dân trí đã thông tin, theo lời kêu gọi của UBND tỉnh Vĩnh Long, năm 2009, bà Thảo quyết định đầu tư gần 250 tỷ đồng thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý rác Phương Thảo trên quê hương mình, với diện tích sử dụng 8 ha tại xã Hòa Phú huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Bãi rác này nằm trong kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 64/2003/QĐ-TTCP.

 

Nhà máy xử lý rác công nghệ cao Phương Thảo tại xã Hòa Phú huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long
Nhà máy xử lý rác công nghệ cao Phương Thảo tại xã Hòa Phú huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long

Nhà máy với dây chuyền công nghệ hiện đại, công suất 300 tấn/ca 8 giờ đã phải ngưng hoạt động vào cuối năm 2013 sau 9 tháng chạy thử nghiệm vì khó khăn chồng chất. Lượng rác cung ứng cho nhà máy quá ít, chỉ 100 tấn/ngày.

Thiếu nguyên liệu nhưng nhà máy không được nhập rác từ các địa phương lân cận đang gây ô nhiễm nghiêm trọng để xử lý. Hơn thế nữa, mức giá xử lý rác mà Vĩnh Long áp dụng quá thấp, chỉ 240.000 đồng/tấn. Trong khi các nhà máy rác thời điểm đó trên toàn quốc có giá xử lý từ 320.000-390.000 đồng/tấn... “Cuối tháng 4-2014, TP Cần Thơ ùn ứ rác nghiêm trọng do bãi rác của địa phương này bị người dân phong tỏa vì quá ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo thành phố nhờ nhà máy của chúng tôi xử lý giúp nhưng chỉ được vài ngày thì bị … “cấm cửa”.

Thu không đủ bù chi, hiệu quả thấp nên buộc lòng chúng tôi phải quyết định đóng cửa. Dù ngưng hoạt động nhưng mỗi tháng phải đóng lãi ngân hàng 2 tỷ đồng; chi phí vận hành không tải và bảo trì cho hệ thống máy móc và trả lương nhân viên chủ chốt của công ty gần 400 triệu đồng. Mất cân đối thu-chi nghiêm trọng, nhà máy đứng bên bờ vực phá sản...

“Biết tôi ở thế đường cùng, một số người đưa ra giá rẻ mạc để mua lại nhà máy. Suy nghĩ kỹ tôi quyết không bỏ cuộc”, bà Thảo tâm sự.

Cầu cứu khắp nơi để nhà máy được hoạt động

Không từ  bỏ quyết tâm, công sức đã đổ vào nhà máy, bà Thảo mang đơn kêu cứu gửi các ngành có liên quan , rồi đến báo chí. Cùng lúc đó gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ trình bày khó khăn và mong muốn được tháo gỡ để hoạt động có hiệu quả, nhận lại người lao động vào làm việc, có tiền nợ ngân hàng, góp phần xây dựng quê hương...

Ngay sau đó, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Vĩnh Long cùng các bộ ngành liên quan nhanh chóng tìm giải pháp đưa nhà máy rác của chúng tôi vào hoạt động. “Từ đó, nhà máy xử lý rác Phương Thảo như được thổi luồng sinh khí mới. Tháng 6-2015, chúng tôi bắt tay vào việc khôi phục lại hoạt động nhà máy”, bà Thảo phấn khởi nói. “Qua báo đài, tôi xin gởi lời cám ơn và lòng biết ơn sâu sắc đến Thủ tướng đã có chỉ đạo xác đáng, đã ‘cứu’ doanh nghiệp tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác thoát khỏi cái chết trong gang tất”, bà Thảo chia sẻ.

Về phía tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ chủ đầu tư rất tốt trong việc hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng nhà máy, chuyển đổi công nghệ hiện đại hơn… để sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động trở lại. Đặc biệt, với công nghệ này, chúng tôi có khả năng xử lý tốt rác thải y tế cho các địa phương ở ĐBSCL với chi phí hợp lý…

Trước mắt, UBND tỉnh Vĩnh Long thống nhất hỗ trợ mức chi phí xử lý rác tại nhà máy Phương Thảo khoảng 365.000 đồng/tấn (theo mức tham khảo trung bình quy định tại bảng 6, mục II.2, suất vốn đầu tư xây dựng và chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt ban hành kèm theo quyết định 322/QĐ-BXD ngày 6/4/2012 của Bộ Xây dựng.

 

Bà Thảo cho biết nhà máy hàng trăm tỷ này đã ngưng hoạt động hơn 2 năm nên nhiều thiết bị đã cũ và xuống cấp, nếu hoạt động phải tốn hàng chục tỉ đồng để sửa chữa
Bà Thảo cho biết nhà máy hàng trăm tỷ này đã ngưng hoạt động hơn 2 năm nên nhiều thiết bị đã cũ và xuống cấp, nếu hoạt động phải tốn hàng chục tỉ đồng để sửa chữa

Tuy nhiên, theo bà Thảo, nhà máy đã ngưng hoạt động hơn 2 năm, nhiều thiết bị đã cũ và xuống cấp, nếu hoạt động phải tốn hàng chục tỉ đồng để sửa chữa. Tỉnh Vĩnh Long đã thống nhất chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải của nhà máy từ công nghệ lên men hầm kín xử lý khí, đống tĩnh thổi cưỡng bức sang công nghệ lò đốt kiệt triệt của châu Âu. Công ty mạnh dạn đầu tư thêm 150 tỉ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng 100 tỉ đồng để chuyển đổi công nghệ. Với công nghệ này, nhà máy có khả năng xử lý tốt rác thải y tế cho các địa phương ở ĐBSCL.

“Phía Vĩnh Long cũng hối thúc đẩy nhanh tiến độ để nhà máy sớm nhận rác xử lý vì bãi rác Hoà Phú đang quá tải nhưng Công ty còn nhiều khó khăn phải giải quyết. Thủ tục vay vốn từ ngân hàng đã hoàn tất nhưng Công ty vẫn chưa được ký hợp đồng tín dụng, vay vốn nên chưa biết bao giờ nhà máy mới có thể hoạt động trở lại”, bà Thảo cho hay.

Mới đây, tiếp xúc với báo chí ông Đào Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình công cộng Vĩnh Long cho biết, hiện tại bãi rác Hòa Phú đang trong tình trạng quá tải và ô nhiễm nặng. Cỏ thể đến cuối năm nay phải ngưng tiếp nhận rác vì hết công sức thiết kế.

Phạm Tâm