Canh tác trên đất sổ đỏ, nguyên PCT xã mang tội phá rừng:

Viện KSND Phú Quốc vẫn đề nghị truy tố nguyên Phó chủ tịch xã tội phá rừng

(Dân trí) - Không đồng ý với bản án số 91/2015/HSST, ngày 17 – 18/ 11/ 2015 của TAND huyện Phú Quốc về việc tuyên vợ chồng ông Trần Kiều Hưng không phạm tội “hủy hoại rừng”, VKSND huyện Phú Quốc và nguyên đơn Vườn Quốc gia Phú Quốc đã có đơn kháng nghị, kháng cáo.

Như Dân trí đã đưa tin xung quanh vụ án vợ chồng ông Trần Kiều Hưng (nguyên Phó Chủ tịch xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc) bị TAND huyện Phú Quốc buộc tội “hủy hoại rừng” trên đất được cấp sổ đỏ vào ngày 16/5/2013. Không đồng ý với bản án này, vợ chồng ông Hưng kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Ngày 31/3/2014 TAND tỉnh Kiên Giang xét thấy bản án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng và nguyên đơn không bổ sung thêm chứng cứ mới để buộc tội vợ chồng ông Kiều Hưng phạm tội “huỷ hoại rừng” nên TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cơ quan điều tra. Viện KSND Phú Quốc vẫn đề nghị truy tố nguyên Phó chủ tịch xã tội phá rừng.

Sau gần 1 năm điều tra, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc có cáo trạng “mới”, tiếp tục truy tố vợ chồng ông Hưng tội “hủy hoại rừng” và ngày 17/3/2015, TAND huyện Phú Quốc đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên tại phiên tòa này, HĐXX xét thấy không đủ chứng cử để buộc tội vợ chồng ông Hưng tội “hủy hoại rừng” nên TAND huyện Phú Quốc tiếp tục trả hồ sơ lại cho cơ quan điều tra.

Sau gần 9 tháng điều tra bổ sung, ngày 17/11 TAND huyện Phú Quốc tiếp tục đưa vụ án ông Trần Kiều Hưng ra xét xử cấp sơ thẩm lần 2. Tại phiên tòa này, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ buộc tội vợ chồng ông Trần Kiều Hưng phạm tội “hủy hoại rừng”, trong đó có nội dung VKSND Phú Quốc cho rằng: các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện và xã Cửa Cạn xác định khu vực rừng bị hủy hoại có 03 thửa đất liên quan đến hai bị cáo Trần Kiều Hưng và Huỳnh Thị Bích Phượng; 03 thửa đất này nằm riêng biệt, không trùng nhau. Thửa 1 có diện tích 6.750,5m2 đã được UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ. Thửa 2 có diện tích 9.855m2 chưa được cấp giấy CNQSDĐ. Thửa 3 có các cạnh và tọa độ điểm, với diện tích 4.042m2 nằm trong ranh Vườn Quốc gia và trên diện tích này trước khi bị phá (tháng 9/2011) thì hoàn toàn là cây rừng, chưa bị ai tác động, đây là thửa đất vợ chồng bị cáo Hưng vi phạm.

 

Viện KSND Phú Quốc vẫn đề nghị truy tố nguyên Phó chủ tịch xã tội phá rừng - 1

Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân Nguyễn Hoàng Hà đọc bảng cáo trạng tại phiên tòa ngày 17/10 cho hai bị cáo Trần Kiều Hưng và Huỳnh Thị Bích Phượng nghe

VKSND huyện Phú Quốc cho rằng đất tại khu vực nói trên là do hai cơ quan chức năng quản lý: Vườn Quốc gia Phú Quốc quản lý đất rừng nằm trong ranh Vườn Quốc gia; còn đất nằm ngoài ranh giới Vườn Quốc gia là do Ủy ban nhân dân (xã, huyện) quản lý. Ranh giới (cột mốc) để phân biệt hai loại đất này được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được phổ biến đến nhiều cơ quan chuyên môn để thống nhất quản lý. Từ đó, cơ quan Cảnh sat điều tra và Viện kiểm sát đã căn cứ vào nhiều chứng cứ, trong đó có căn cứ vào vị trí, tọa độ địa lý thông qua máy định vị GPS 76 CSX sử dụng hệ tọa độ VN – 2000 để xác định thửa đất bị cáo Hưng vi phạm.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, vợ chồng ông Trần Kiều Hưng khẳng định chỉ có một mảnh đất và sau khi được UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ đã thuê người đến phát dọn trồng cây từ cột mốc 104 (cấm trên đất ông Hưng) trở xuống suối, vì từ cột mốc 104 trở lên là rừng Quốc gia. Ngoài ra, những người làm chứng tại phiên tòa trong đó có nguyên Phó chủ tịch xã Cửa Cạn Đào Hữu Phước, công an ấp 3, trưởng ấp 3… đều khẳng định đất vợ chồng ông Hưng phát dọn năm phía Bắc con suối (phía trên con suối) và không có mảnh đất nào nằm ở dưới con suối.

Trong bản án sở thẩm ngày 17-18/10 của TAND huyện Phú Quốc, HĐXX đã nêu quan điểm, theo hồ sơ về việc xác định vị trí đất đã cấp cho vợ chồng ông Trần Kiều Hưng, Hội đồng tư vấn cấp giấy CNQSDĐ do bà Hồ Thị Tốt – Phó Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn làm chủ tịch Hội đồng và xác định diện tích vợ chồng ông Hưng xin cấp giấy CNQSDĐ nằm phía trên con suối, trong đó có 10.690,5m2 nằm trong ranh Vườn Quốc gia và diện tích còn lại là 6.750,5m2 nằm ngoài ranh Vườn Quốc gia Phú Quốc, do đó, ngày 18/8/2011, UBND huyện Phú Quốc đã cấp giấy CNQSDĐ số BB 641454 cho Huỳnh Thị Bích Phượng và Trần Kiều Hưng thuộc thửa đất số 46, tờ bản đồ sô 01, tại ấp 3 xã Cửa Cạn.

 

Viện KSND Phú Quốc vẫn đề nghị truy tố nguyên Phó chủ tịch xã tội phá rừng - 2

Niềm vui của vợ chồng ông Hưng sau khi phiên tòa sơ thẩm lần 2 kết thúc, HĐXX tuyên vợ chồng ông Hưng vô tội

Một điểm “lạ” khi lập biên bản về việc kiểm tra thực địa, tọa độ, vị trí mốc giới, xác định vị trí ngày 08/7/2014 và ngày 09/10/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra và các cơ quan chuyên môn tham gia kiểm tra đã sử dụng máy định vị GPS xác định tọa độ vị trí đất đã cấp cho vợ chồng ông Hưng nằm phía dưới con suối; không thể hiện vị trí tứ cận.

Giải thích về điều này, ông Trương Thành Tấn – Phó Phòng TN – MT huyện Phú Quốc (người được UBND huyện ủy quyền) xác định: Theo bản đồ địa chính; bản đồ trong giấy CNQSDĐ và theo tọa độ thì có sự sai lệnh giáp ranh, tứ cận, nguyên nhân là do Công ty đo đạc địa chính, công trình – thuộc Bộ TN – MT đo vẽ không đúng; nếu định vị theo tọa độ thì đất của vợ chồng ông Hưng nằm ở dưới con suối giáp với bà Lý Kiều Tiên.

Từ lời nhận định của ông Tấn, HĐXX nhận thấy về việc xác định vị trí đất đã cấp theo tọa độ có sự mâu thuẫn với chính đơn vị trực thuộc Phòng TN – MT là Văn phòng ĐKQSDĐ và UBND xã Cửa Cạn, vì theo sơ đồ vị trí hiện trạng sử dụng mà Trần Kiều Hưng đang sử dụng do Văn phòng ĐKQSDĐ lập ngày 28/5/2012 và sơ đồ mô tả địa giới thửa đất do UBND xã Cửa Cạn lập kèm theo biên bản làm việc ngày 13/01/2015, giữa UBND xã Cửa Cạn và VKSND huyện Phú Quốc đều xác định vị trí thửa đất đã cấp cho Phượng và Hưng nằm phía trên con suối; giáp đất ông Mai Xuân Thành; các cạnh còn lại giáp Vườn Quốc gia. Mặt khác theo Tờ bản đồ số 01 thuộc ấp 3, xã Cửa Cạn đã được Sở TN – MT tỉnh Kiên Giang phê duyệt vào ngày 01/8/2010 cũng thể hiện vị trí đất cấp cho ông Hưng nằm phía trên con suối, giáp đất ông Mai Xuân Thành. Như vậy, các tài liệu, chứng cứ đều xác định vị trí con suối và vị trí tứ cận phù hợp với hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ của vợ chồng ông Hưng và phù hợp với bản đồ trong giấy CNQSDĐ đã cấp. Tại phiên tòa, ông Mai Xuân Thành cũng khẳng định đất của ông và ông Hưng đều nằm ở trên con suối, đúng như bản đồ địa chính.

 

Viện KSND Phú Quốc vẫn đề nghị truy tố nguyên Phó chủ tịch xã tội phá rừng - 3

Theo ông Đào Hữu Phước - nguyên Phó chủ tịch xã Cửa Cạn cho biết, dù cột mốc 104 (cột mốc cấm trên đất vợ chồng ông Trần Kiều Hưng) có mất thì ông vẫn xác định được đất của ông Hưng và ranh giới rừng vì sau cột mốc 104 này có một tảng đá rất lớn.

Liên quan đến cột mốc 103, 104, 105 (cột mốc 103 - cấm trên đất ông La Quốc Chiến), cột mốc 104 - cấm trên đất vợ chồng ông Hưng), cột mốc 105 - cấm trên đất ông Đào Hữu Phước – nguyên Phó Chủ tịch xã Cửa Cạn.) là ranh giới rừng và có tại hiện trường nhưng khi so với cột mốc trên bản đồ thì sai lệnh vị trí đến hàng trăm mét thậm chí hơn 1.000m. Cụ thể trong biên bản về việc kiểm tra thực địa, tọa độ, vị trí mốc giới, xác định vị trí ngày 08/7/2014 và ngày 09/10/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra và các cơ quan chuyên môn tham gia kiểm tra đã sử dụng máy định vị GPS xác định vị trí các cột mốc theo bản đồ mốc và xác định: Mốc 103 theo bản đồ cách Mốc 103 ngoài thực địa 557,8m; Mốc 104 theo bản đồ cách mốc 104 ngoài thực địa 996,4m; Mốc 105 theo bản đồ cách Mốc 105 ngoài thực địa 991,8m; Mốc 109 theo bản đồ cách Mốc 109 ngoài thực địa 1.002,2m và xác định Vườn Quốc gia giáp con suối.

Từ những luận cứ nêu trên, HDXX nhận định việc Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc, cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào tọa độ trong giấy CNQSDĐ, tọa độ Bản đồ mốc Vườn Quốc gia rồi dùng máy GPS để truy tố vợ chồng ông Hưng về tội “Hủy hoại rừng” mà không xem xét đến các Bản đồ địa chính, bản đồ cấp giấy CNQSDĐ để xác định diện tích đất các bị cáo chặt phá có nằm trong giấy CNQSDĐ đã cấp cho vợ chồng bị cáo Hưng hay không; không xem xét đến vị trí cột mốc Vườn Quốc gia Phú Quốc trên thực địa để xác định diện tích đất rừng hai bị cáo chặt phá có nằm trong ranh giới rừng hay không cũng như không xem xét tính hợp pháp của hồ sơ ranh giới rừng Vườn Quốc gia Phú Quốc (chưa được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt) là chưa khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.

Từ đó, HĐXX căn cứ vào Khoản 2 Điều 107 và Điều 224 của Bộ luật tố tụng hình sự tuyên bị cáo Trần Kiều Hưng và Huỳnh Thị Bích Phượng không phạm tội “hủy hoại rừng” như Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc truy tố.

Trong bản kháng nghị số 363/KN – VKS của VKSND huyện Phú Quốc do Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc Nguyễn Hoàng Hà ký (cũng là người đại diện VKSND huyện Phú Quốc tham gia tố tụng tại phiên tòa ngày 17-18/10/2015), ông Hà bổ sung thêm nhiều luận điểm làm cơ sở buộc tội vợ chồng ông Hưng, trong đó nổi bật nhất là việc ông khẳng định: “Việc cấm mốc Vườn Quốc gia chưa được UBND tỉnh phê duyệt chỉ là thủ tục, không thể lấy đó làm căn cứ để để nhận định các cột mốc trên không có giá trị pháp lý trong việc phân định ranh Vườn Quốc gia với các chủ thể khác”.

Tuy nhiên, đơn vị được thuê cấm mốc Vườn Quốc gia đã nghiệm thu và bàn giao cho BQL Vườn Quốc gia sử dụng các cột mốc làm ranh giới rừng và đất khác đã diễn ra từ tháng 12/2003, do vậy dư luận đặt câu hỏi vì sao vấn đề quan trọng này (hồ sơ quản lý rừng Vườn Quốc gia Phú Quốc) qua 22 năm phần “thủ tục” như ông Viện trưởng VKSND huyện Phú Quốc nói đến nay vẫn chưa hoàn thành? Và sự chậm trễ quá đà này có không đã làm một số người dân canh tác trên đất có sổ đỏ như ông Hưng… mang tội phá rừng, vướng vòng lao lý?

Nguyễn Hành