Việc tổ chức dạy thêm giữa cao điểm dịch Corona sẽ bị xử lý thế nào?
(Dân trí) - Trong bối cảnh Chính phủ và các bộ ngành căng mình chống dịch, ngành giáo dục cho học sinh các cấp nghỉ học để đảm bảo an toàn thì vẫn có giáo viên bất chấp "đăng đàn" kêu gọi mở lớp dạy học thêm.
Trong thời điểm Bộ Giáo dục và đào tạo đề xuất cho học sinh các tỉnh thành nghỉ học do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp corona, vẫn có 1 số giáo viên tổ chức dạy học thêm tại nhà.
Số lượng học sinh của những lớp học thêm này có thể nói là nơi tập trung đông người vì số lượng lên tới 50-60 em, thì việc tổ chức dạy thêm, học thêm này có vi phạm quy định của pháp luật không?
Phản ánh của rất nhiều bạn đọc, cũng là câu hỏi mà bạn đọc thắc mắc gửi tới báo Dân trí.
Theo Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội), thì trước tiên có thể khẳng định rằng, Với các địa phương đã có yêu cầu của cơ quan y tế, sở giáo dục, nhà trường yêu cầu tạm thời cho học sinh nghỉ học thì các hoạt động khác như dạy thêm học thêm cũng cần phải nghỉ cho phù hợp khuyến nghị của ngành y tế hạn chế tụ tập đông người.
Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại điều 6, quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước”, “các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm” và “UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ”.
Với tinh thần của Chỉ thị 05 của Thủ tướng chính phủ, chống dịch như chống giặc và ngành y tế khuyến nghị hạn chế tụ tập đông người nên Bộ giáo dục đã giao cho các sở giáo dục, trường học quyết định việc cho học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch Corona.
Đặc biệt công điện số 156/CĐ-TTg về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra tại mục 6 đã nêu: “Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể việc cho học sinh nghỉ học, đặc biệt đối với học sinh dưới 12 tuổi tại các tỉnh đã công bố dịch; chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát khuẩn, khử trùng trường, lớp học”.
Nghị định số 27/2012/NĐ-CP Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, tại Điều 13 hình thức Buộc thôi việc nêu:“Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Công văn số 608/UBND-GDĐT về việc nghiêm túc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Thanh Hóa mới đây có nêu: “Tập thể, cá nhân nào tổ chức dạy thêm học thêm trong thời gian này phải chịu kỷ luật nghiêm khắc, cụ thể là từ đình chỉ công tác đến buộc thôi việc”. Do vậy hình thức xử lý kỷ luật nêu ra tại công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật hiện tại.
Xin cảm ơn Luật sư!
Khả Vân