Ninh Bình:

Vỉa hè bị “xẻ thịt”, phường đếm mét vuông thu phí!

(Dân trí) - Người dân họp chợ trên vỉa hè nhưng không bị dẹp bỏ, ngược lại UBND phường ở thành phố Ninh Bình lại đếm từng mét vuông cho thuê buôn bán và thu phí hàng năm.

Biến vỉa hè thành nơi họp chợ

Sau khi báo Dân trí có bài phản ánh về tình trạng hàng loạt vỉa hè trên địa bàn thành phố Ninh Bình bị “xẻ thịt” dựng ki ốt cho thuê, người dân tiếp tục thông tin đến báo nhiều tuyến phố khác cũng ở thành phố này vỉa hè đang bị lấn chiếm, biến thành nơi họp chợ đông đúc, nhộn nhịp nhiều năm nay. Đặc biệt hơn cả, từng tấc đất vỉa hè ở những nơi này được UBND phường chủ quản đếm từng mét vuông cho thuê để thu phí.

Khu chợ Bóp họp ngay trên vỉa hè phố Kim Đồng nhiều năm nay, nhưng không bị chính quyền dẹp bỏ gây bức xúc trong nhân dân.
Khu chợ Bóp họp ngay trên vỉa hè phố Kim Đồng nhiều năm nay, nhưng không bị chính quyền dẹp bỏ gây bức xúc trong nhân dân.

Theo đó, trên địa bàn phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình hiện đang tồn tại 2 khu chợ cóc, hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịn lâu nay ngay trên vỉa hè nhưng chưa bị dẹp bỏ trong chiến dịch “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ của thành phố.. Đó là khu chợ cóc có tên là “chợ Bóp” họp trên đường Kim Đồng và chợ cóc trên đường Tây Thành, ngay cạnh bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, phóng viên đã có mặt tại 2 khu chợ này để ghi nhận thực trạng. Khu chợ Bóp họp trên đường Kim Đồng có chiều dài hơn 100m, một đầu chợ bắt đầu từ ngã 3 giao với đường Trương Hán Siêu, đầu cuối giao với đường Trần Phú.

Chợ Bóp có từ rất lâu và hoạt động nhộn nhịp trên đường Kim Đồng gần 20 năm nay. Đây là chợ cóc hoạt động cả ngày, từ sáng sớm cho đến chiều tối mới tan. Chợ bán đủ các mặt hàng, nhiều nhất là các loại thực phẩm tươi sống như: thịt lợn, thịt gà, thịt chó, thịt cá, tôm, các loại rau củ quả… Toàn khu chợ có khoảng 100 hộ làm nghề buôn bán.

Điều dễ nhận thấy ở chợ cóc này là hầu hết các quầy hàng ở đây đều chiếm chọn vỉa hè làm nơi buôn bán. Cả tuyến phố Kim Đồng dài hơn 100m, trên vỉa hè đều kín các ki ốt, các quầy hàng khác nhau. Có những nơi, vỉa hè được dựng lên từng dãy ki ốt rất kiên cố. Một số điểm, các hộ dân sống gần đây cũng chiếm luôn vỉa hè làm nơi kinh doanh và bán hàng.

Nhiều ki ốt kiên cố ở chợ Bóp được người dân dựng lên san sát nhau buôn bán đủ các mặt hàng.
Nhiều ki ốt kiên cố ở chợ Bóp được người dân dựng lên san sát nhau buôn bán đủ các mặt hàng.

Người dân sống gần đây cho biết, chợ họp ở vỉa hè tiện cho việc mua bán, nhưng cũng vô cùng khó khăn cho việc đi lại. Có lúc những người bán hàng tràn xuống vỉa hè gây ách tắc giao thông, cũng có lúc những người mua hàng dựng xe ngay trên lòng đường để mua hàng khiến người đi đường không biết đi lối nào.

Tình trạng biến vỉa hè thành nơi buôn bán, họp chợ trên đường Tây Thành cũng nhộn nhịp không kém. Chợ cóc này dài hơn 100m, cũng có khoảng 100 người dân làm nghề buôn bán. Chợ bày bán trên vỉa hè với đủ các mặt hàng, nhiều nhất là thực phẩm tươi sống, bên cạnh đó còn xuất hiện nhiều ki ốt bày bán tràn lan các loại quần áo, mỹ phẩm giá rẻ cho sinh viên.

Chợ cóc trên phố Tây Thành mua bán nhộn nhịp nhất vào các buổi sáng, từ 6 - 10 giờ trưa. Thời gian này các tiểu thương đổ về đây buôn bán các mặt hàng tươi sống, rau củ quả… Buổi chiều từ 15 - 18h các quầy bán thức ăn nhanh, quần áo lại tiếp tục hành nghề phục vụ đủ lại thực khách. Người đi chợ cóc này đông nhất vẫn là người nhà bệnh nhân có bệnh nhân đang điều trị ở các bệnh viện gần đây, cũng như sinh viên các trường các trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình và ĐH Hoa Lư Ninh Bình.

Thời gian cao điểm chợ họp trên 2 tuyến phố Kim Đồng và Tây Thành, các phương tiện giao thông qua đây không thể nhúc nhích vì lòng đường đông kín người và phương tiện. Nhiều người dân sống gần 2 tuyến phố này rất bức xúc về tình trạng trên nhưng không biết kêu ai.

Phường đếm từng mét vuông vỉa hè… thu phí

Trước thực trạng vỉa hè của nhiều tuyến phố trên địa bàn bị chiếm dụng buôn bán, họp chợ, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Minh, Chủ tịch UBND phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình. Ông Minh thừa nhận, hai khu chợ cóc buôn bán trên vỉa hè này tồn tại trên địa bàn phường là có thật và đã hoạt động nhiều năm nay.

Cảnh bán hàng nhếch nhác ở chợ cóc trên phố Tây Thành, phường Nam Thành.
Cảnh bán hàng nhếch nhác ở chợ cóc trên phố Tây Thành, phường Nam Thành.

Ông Minh cho hay, chợ Bóp tồn tại khoảng 20 năm nay, từ trước khi phường Phúc Thành chưa được tách ra từ phường Lương Văn Tụy. Tại khu chợ cóc này hiện có khoảng 100 người dân làm nghề buôn bán, trong đó chủ yếu là các hộ dân sống trên đường Kim Đồng lấn chiếm vỉa hè trước nhà mình làm nơi buôn bán hàng hóa. Còn lại khoảng 40 người được UBND phường cho thuê vỉa hè để buôn bán.

Những hộ dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi họp chợ này phải nộp thuế kinh doanh cho Chi cục thuế, bên cạnh đó hàng tháng cũng phải nộp “lệ phí vỉa hè” cho UBND phường. Mức giá thuê vỉa hè là 9.000 đồng/m2/tháng. Mỗi người kinh doanh buôn bán ở khu chợ này thuê vỉa hè có diện tích từ 1 - 3m2.

Tương tự, khoảng 100 người làm nghề buôn bán tại chợ cóc đường Tây Thành cũng được UBND phường Phúc Thành cho thuê với mức giá như chợ Bóp. Tại 2 khu chợ cóc này có 2 người đứng ra quản lý cho phường, những người này được gọi là quản lý chợ. Những hộ buôn bán cố định ở 2 chợ cóc sẽ được thu tiền phí và có biên lai theo quy định, còn những người buôn bán vãng lai thì chỉ nộp phí theo ngày.

Khi được hỏi các ki ốt dựng trên vỉa hè buôn bán do phường dựng lên hay các hộ dân, ông Minh cho hay: “Phường chỉ cho thuê phần vỉa hè và có đo đạc, ban đầu các hộ dân kinh doanh chỉ dựng ô, sau đó phường đồng ý cho họ dựng ki ốt kiên cố trên vỉa hè thì các hộ dân tự làm, nhưng đúng theo quy định và không được lấn chiếm xuống lòng đường”.

Từng mét vuông vỉa hè được UBND phường Phúc Thành cho thuê thu phí hàng năm.
Từng mét vuông vỉa hè được UBND phường Phúc Thành cho thuê thu phí hàng năm.

Về việc UBND phường cho thuê vỉa hè họp chợ là trái với quy định, tiếp tay cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường, trái với chủ trương của thành phố, Chủ tịch UBND phường Phúc Thành lý giải: “Việc này là do nhu cầu của nhân dân nên phường phải tuân theo, phường cũng đã có báo cáo lên thành phố. Thành phố cũng thấy chấp nhận được vì 2 chợ tạm nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường và trật tự đô thị. Giờ dẹp đi hơn 100 hộ buôn bán ở chợ này thì kéo theo bao nhiêu nhân khẩu nữa nên chúng tôi chưa thể làm được”.

Tổng số tiền thu được từ việc “xẻ thịt” vỉa hè cho người dân thuê họp chợ, bán hàng, ông Minh cho biết: “Mỗi một chợ, một năm UBND phường thu được 30 triệu đồng, hai chợ là 60 triệu đồng. Khoản tiền này phường chi trả công cho người quản lý chợ, dọn dẹp vệ sinh môi trường, các khoản chi khác…”.

Thái Bá