Vì sao người đàn ông tố giác thẩm phán nhận hối lộ vẫn bị khởi tố?
(Dân trí) - Theo luật sư, không phải trường hợp nào việc người đưa hối lộ chủ động tố giác tới cơ quan chức năng cũng được miễn trách nhiệm hình sự mà cần phải xem xét, đánh giá nhiều yếu tố khác trong vụ việc.
Như Dân trí thông tin, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can Nguyễn Duy Sâm (60 tuổi, ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) về tội Đưa hối lộ. Ông Sâm là người đưa 70 triệu đồng cho thẩm phán Bùi Viết Minh Quân (cựu Phó Chánh án TAND huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) để nhờ xử thắng một vụ tranh chấp dân sự hồi tháng 11/2022.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã bác đơn khởi kiện của ông Sâm, thẩm phán Quân cũng trả lại cho ông Sâm số tiền 70 triệu đồng. Sau đó, ông Sâm tố giác ông Quân nhận hối lộ. Tới tháng 9/2024, ông Quân bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ.
Trường hợp này, nhiều độc giả băn khoăn vì sao người đưa hối lộ cũng bị xử lý hình sự dù đã chủ động tố giác trước khi hành vi bị phát giác?.
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi đưa hối lộ là việc trực tiếp hoặc qua trung gian đã hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác, tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Theo khoản 1 Điều này, trường hợp số tiền hối lộ từ 2 triệu tới dưới 100 triệu đồng, mức phạt có thể áp dụng là phạt tiền 20-200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên, mức phạt có thể áp dụng là 12-20 năm tù, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 364.
Tuy nhiên, đây là tội danh có tính chất đặc thù khi theo khoản 7 Điều này, trường hợp người đưa hối lộ bị ép buộc, nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Trường hợp người đưa hối lộ không bị ép buộc, nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, khái niệm "chủ động khai báo trước khi bị phát giác" được hiểu là trường hợp hành vi phạm tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà mình thực hiện.
Như vậy, có thể thấy pháp luật đã có sự khoan hồng, tạo cơ hội để những người đưa hối lộ có cơ hội để sửa chữa, khắc phục hành vi của bản thân.
Tuy nhiên, theo luật sư Hùng, không phải trường hợp nào việc người đưa hối lộ chủ động tố giác tới cơ quan chức năng cũng được miễn trách nhiệm hình sự.
"Đối với trường hợp của ông Sâm, người đàn ông này đã chủ động tố giác hành vi nhận hối lộ trước khi sự việc bị phát giác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng theo quy định tại khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, người đưa hối lộ nếu không bị ép buộc và chủ động khai báo thì chỉ có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Điều luật dùng từ "có thể" nên trong quá trình xác minh tin báo, khởi tố, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải đánh giá tùy thuộc vào nhiều yếu tố như người đưa hối lộ có thành khẩn khai báo không, có quanh co không, có hợp tác với cơ quan điều tra không hay xem xét nhiều yếu tố khác để có thể đánh giá có thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự hay không", ông Hùng phân tích.