Vì sao người dân có hành vi chống đối CSGT ngày càng nhiều?

Khả Vân

(Dân trí) - Có ý kiến cho rằng, việc gần đây nhiều người dân chống đối CSGT một phần là do cách xử lý của CSGT chưa đúng quy trình, ứng xử, giao tiếp đối với người vi phạm chưa văn hóa và tôn trọng người vi phạm.

Hiện nay, trên thực tế vẫn xảy ra nhiều trường hợp chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Ví dụ như một vụ việc xảy ra gần đây, bà Nguyễn Thị Ngân - tức "Ngân gà" đã có hành vi lăng mạ, chửi bới, đòi "hôn CSGT đến chết". 

Cụ thể, khoảng 11h20 ngày 16/2, tổ công tác của Đội CSGT, Công an huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa do Đại úy Bùi Tuấn Quý làm tổ trưởng đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trên địa bàn thì phát hiện chị Nguyễn Thị N.L. (26 tuổi, trú thị trấn Cành Nàng) điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm. 

Vì sao người dân có hành vi chống đối CSGT ngày càng nhiều? - 1

Đối tượng Nguyễn Thị Ngân - người có hành động cản trở, buông lời lăng mạ, chửi bới CSGT làm nhiệm vụ (Ảnh: Cắt từ clip mạng xã hội).

Sau khi ra tín hiệu cho chị L dừng xe và lập biên bản với chị L về hành vi vi phạm hành chính của mình thì bà Ngân đã xin tổ công tác không lập biên bản vi phạm hành chính đối với con dâu mình. Do không được chấp nhận nên bà Ngân đã giật, vò nát biên bản vi phạm, chửi bới các chiến sĩ trong tổ công tác.

Mặc dù các cán bộ CSGT đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu dừng các hành động cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ nhưng bà Ngân không những không chấp hành, mà còn liên tiếp chửi bới, dùng tay đánh các cán bộ. Ngay cả khi bị cán bộ công an khống chế bà vẫn tiếp tục có những hành vi dung tục, áp sát, lăng mạ, xúc phạm các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Bá Thước đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Ngân, đồng thời khởi tố vụ án "Chống người thi hành công vụ" để điều tra, xử lý vụ việc.

Tuy không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhưng bà Ngân có thủ đoạn khác làm cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ nên người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, bà Ngân có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (khoản 1 Điều 330 BLHS).

Đáng chú ý, việc người dân chống đối người thi hành công vụ, ở đây là CSGT không phải là hy hữu, thậm chí ngày càng có chiều hướng gia tăng. Trả lời nguyên nhân dẫn đến việc này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trước hết là do các đối tượng vi phạm, ý thức và cách xử sự của họ chưa thật sự tốt, thiếu bình tĩnh khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, một số đối tượng thanh niên còn có tính côn đồ, chủ động khiêu khích, chống đối lực lượng chức năng. Những hành vi có tính chất côn đồ nêu trên là hành vi xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, thậm chí cả tính mạng con người - quyền hiến định trong Hiến pháp.

Nghiêm trọng hơn, đối tượng mà hành vi này hướng tới lại là lực lượng cảnh sát hay CSGT - là người THCV, có quyền nhân danh và thay mặt quyền lực nhà nước để thực hiện công việc quản lý, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.

Thứ hai, CSGT được Bộ công an giao cho xử lý trực tiếp những đối tượng vi phạm, khi xử phạt thì sẽ xảy ra một số mâu thuẫn, dù sao cũng động chạm đến quyền lợi của họ... Mặc dù vi phạm, nhưng họ vẫn xin để không bị xử phạt, nếu CSGT cương quyết xử lý thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người vi phạm, gây nên mâu thuẫn.

Thứ ba, cũng phải nói đến một số trường hợp do cách xử lý chưa đúng quy trình của CSGT, cách ứng xử, giao tiếp đối với người vi phạm chưa văn hóa và tôn trọng người vi phạm. Một số thái độ cứng rắn quá sẽ có những tác động tiêu cực đến người vi phạm, khiến họ mất bình tĩnh dẫn đến hành vi không đáng có.

Hơn nữa, phải chăng chế tài xử phạt còn nhẹ, không đủ sức răn đe? Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng các quy định về xử phạt lên mức độ nghiêm khắc hơn, nếu không thì rất khó để răn đe các đối tượng vi phạm.

Vì sao người dân có hành vi chống đối CSGT ngày càng nhiều? - 2

Hình ảnh CSGT Công an TP.HCM khống chế người vi phạm (ảnh cắt từ clip).

Khi tiếp xúc với người vi phạm, CSGT nên giải thích rõ, để người vi phạm hiểu lực lượng chức năng đang xử lý vi phạm là để đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ và những người xung quanh. Trường hợp CSGT đã kiên trì giải thích mà người vi phạm cố tình không hợp tác, chống đối thì phải xử lý nghiêm minh. Thậm chí, phải có những biện pháp trấn áp kịp thời nếu người vi phạm manh động.

Như vậy, để giảm thiểu và ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, cần phối hợp giữa các bộ ban ngành ban hành và thực thi văn bản pháp luật. Nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức để người dân nắm bắt được cụ thể về Luật an toàn giao thông đường bộ, hạn chế tình trạng tranh cãi khi bị cảnh sát giao thông xử phạt.

Ngoài ra, cần nâng cao nghiệp vụ của CSGT và cách ứng xử khi tiếp xúc với nhân dân. Việc dừng phương tiện, kiểm tra, xử lý phải đảm bảo đúng quy trình; quy định của pháp luật. Mỗi cán bộ chiến sĩ khi tiếp xúc với người vi phạm đều phải có tâm lý vững vàng, tránh sự kích động.

Đồng thời, người dân khi tham gia giao thông cũng phải nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật, giữ bình tĩnh trong trường hợp bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe kiểm tra hoặc lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.

Nếu có căn cứ chứng minh cảnh sát giao thông xử phạt sai, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình thì người vi phạm có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt đó. Tránh trường hợp mất bình tĩnh, nóng vội dẫn đến những hành động mất kiểm soát đối với người thi hành công vụ.