Người phụ nữ lăng mạ, "đụng chạm" CSGT có thể đối diện hình phạt nào?

Thanh Tùng

(Dân trí) - Theo luật sư, trường hợp người phụ nữ lăng mạ, chửi bới lực lượng Cảnh sát giao thông ở Thanh Hóa cần thiết phải bị khởi tố để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí về vụ việc người phụ nữ lăng mạ, chống đối lực lượng Cảnh sát giao thông ở Thanh Hóa, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, sau khi xem clip, ông thấy những ngôn từ của người này rất phản cảm, tục tĩu.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, hành vi chửi bới, dùng ngôn từ tục tĩu, bôi nhọ, hay vò nát biên bản của người phụ nữ đã có đầy đủ dấu hiệu của tội "Làm nhục người khác", hay tội "Chống người thi hành công vụ", được quy định tại Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 208/2013/NĐ-CP, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ, hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao, hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Người phụ nữ lăng mạ, đụng chạm CSGT có thể đối diện hình phạt nào? - 1

Người phụ nữ bị còng tay có hành động cản trở buông lời lăng mạ, chửi bới CSGT làm nhiệm vụ (Ảnh: Cắt từ clip mạng xã hội).

Khoản 1, Điều 3 cũng quy định, người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức, hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhà nước, nhân dân và xã hội.

Người thi hành công vụ là những người thực hiện nhiệm vụ công, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng nên cần được mọi người tôn trọng để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của công dân được thực hiện tốt nhất.

Hành vi cản trở, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ, tấn công lại lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ... là những hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của nhà nước, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của các tổ chức cá nhân nên người thực hiện hành vi này có thể sẽ bị xử lý hình sự.

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, trong trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người phụ nữ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Chống người thi hành công vụ".

Cụ thể, tại Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội "Chống người thi hành công vụ" nêu rõ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trong các trường hợp, người có hành vi chống người thi hành công vụ hoạt động có tổ chức, phạm tội 2 lần trở lên, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội, gây thiệt hại về tài sản trên 50 triệu đồng, tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Nếu chống người thi hành công vụ chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 21, Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 1 đến 4 triệu đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Trong trường hợp cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng.

Điều 21 này cũng quy định rõ, phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi như: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ. Ngoài ra, người vi phạm buộc xin lỗi công khai đối với người thi hành công vụ đó.

Khoảng 11h20 ngày 16/2, tổ công tác của Đội CSGT, Công an huyện Bá Thước, do Đại úy Bùi Tuấn Quý làm tổ trưởng đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trên địa bàn thì phát hiện chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (26 tuổi, trú khu phố 1, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước), điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm.

Sau đó, lực lượng CSGT ra tín hiệu dừng xe, thông báo cho chị Lan biết lỗi vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.

Khi lực lượng CSGT đang lập biên bản, Nguyễn Thị Ngân đến xin tổ công tác không lập biên bản vi phạm hành chính đối với con dâu mình. Do không được chấp nhận nên Ngân đã giật, vò nát biên bản vi phạm, chửi bới các chiến sĩ trong Tổ công tác.

Người phụ nữ lăng mạ, đụng chạm CSGT có thể đối diện hình phạt nào? - 2

Nguyễn Thị Ngân tại cơ quan điều tra (Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa).

Mặc dù các chiến sĩ CSGT đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu dừng các hành động cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ nhưng Ngân không những không chấp hành, mà còn liên tiếp chửi bới, dùng tay đánh các cán bộ và đã bị lực lượng chức năng khống chế.

Sau khi bị khống chế, Ngân tiếp tục có những hành động dung tục, áp sát, lăng mạ, xúc phạm các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Lực lượng của Tổ công tác đã lập biên bản đối với Nguyễn Thị Ngân về hành vi "Chống người thi hành công vụ", bàn giao hồ sơ, tài liệu, đối tượng cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Bá Thước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Ngân. Đồng thời, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân huyện Bá Thước củng cố tài liệu, chứng cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.