Bạn đọc viết:

Vì sao không đẩy lùi được nạn tham nhũng trong giáo dục?

“Hết cả 1 năm lương mới lo cho con gái đầu được chuyển về dạy gần nhà”, đó là thổ lộ của anh bạn thân chưa bao giờ biết đơm đặt, thêm bớt chuyện gì.

Anh còn nói cháu muốn về gần hơn nữa nhưng tốn kém quá, sức anh chưa kham nỗi, thôi thì được bước nào hay bước đó cái đã!

Tôi cũng có lần ỷ quen biết người trong ngành giáo dục (GD) nên đã hăng hái dắt bạn đi nộp hồ sơ thuyên chuyển cho vợ.

Người nhận hồ sơ tươi cười lịch sự thật không thể chê vào đâu được nhưng lại chỉ cho chúng tôi 1 nhiệm sở xa lắc, đến mùa mưa nước ngập trắng đường, đã có mấy vụ chết đuối trôi sông nên tôi đành cám ơn và cầm hồ sơ ra về.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Khoảng tháng sau, gặp lại, anh bạn tôi bảo xong rồi, kết quả “vượt quá mong đợi” và đùa tôi “ông ngây thơ quá, dẫn đi trật đường” nhưng cũng than thầm coi như mất 1 năm làm việc không công!

Cứ vài tháng trước ngày khai giảng năm học mới, ngồi ở đâu người ta cũng công khai bàn chuyện chạy trường trái tuyến và thậm chí có người sinh sống bằng nghề “cò” chạy trường hẳn hoi.

Giá cả ở từng trường thay đổi theo từng năm y như thị trường chứng khoán; khoảng từ 15 – 20 triệu cho đầu vào 1 số trường thuộc hàng “sao”.

Họ còn tư vấn nếu đầu năm học căng quá thì theo “phương án 2” nghĩa là chạy chuyển trường vào giữa năm học khi tình hình tạm yên ắng và giá cả cũng “mềm” hơn.

Mới nghe lần đầu cứ y như là bịa đặt nhưng người ta chỉ cho từng trường hợp cụ thể “người thật, việc thật”;

Tuy không khỏi nghi ngờ nhưng ngẫm nghĩ lại cũng có cơ sở vì mấy lần đi họp phụ huynh tôi thấy đủ mặt đại gia trong giới làm ăn buôn bán, có người nhà ở tận đâu đâu cũng ngồi chung lớp với mình.

Mang nỗi hoài nghi này đến 1 người bạn đã nhiều lần đi kiểm tra việc tuyển sinh trái tuyến, anh bảo rằng mấy nơi có đơn tố cáo thì trường ít cũng có 3-4 chục trường hợp, trường nhiều thì gần cả trăm; cũng có thấy tên người bảo lãnh hẳn hoi nhưng không biết thực hư thế nào, song giá như hiệu trưởng lợi dụng “đục nước thả câu”, chỉ cần “bỏ túi” chừng chục “ca” mỗi năm cũng bằng mình ky cóp cả đời!

Anh còn bảo nạn chạy trường nay còn lan rộng ra cả một số trường điểm mầm non và còn có cả chuyện chạy vào lớp chọn của các trường phổ thông nữa đấy.

Người ta bảo rằng nạn tham nhũng trong ngành GD tuy không “hoành tráng” như các “anh dự án” nhưng đa dạng, phong phú vô cùng, sờ đâu cũng có.

Không chỉ trong việc xây dựng, sửa chữa trường lớp, mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện dạy học… mà ngay những việc tưởng chừng cỏn con (nhưng thực ra rất lớn) như các khoản đóng góp của học sinh (HS) cũng bị người ta bớt xén.

Có người kể chuyện hiệu trưởng 1 trường bán trú nọ không bao giờ tốn tiền chợ vì hàng ngày cấp dưỡng đã chuẩn bị kỹ thức ăn cho rồi và cũng có chuyện người nhà hiệu trưởng “bao” luôn việc cung cấp nước uống tinh khiết cho HS chất lượng không đảm bảo nhưng giá cả lại trên trời.

Nhiều người còn coi việc dạy thêm tràn lan, tìm mọi cách buộc HS phải học thêm, kể cả các thủ thuật để tăng cao thu nhập của một bộ phận không nhỏ giáo viên (GV) cũng chính là một dạng tham nhũng  trong ngành GD.

Thế mới hiểu tại sao nhiều cán bộ quản lý, GV giàu có không kém cạnh ai; có người đến mấy căn nhà, ô tô đời mới láng cóng… nhưng đều được giải thích là do cha mẹ cho, do con cái ăn nên làm ra tặng hoặc vừa mới trúng đầu tư bất động sản!

Nạn tham nhũng trong ngành GD đã có từ lâu, ai cũng biết nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc “đặc trị” vì lắm lý do nhưng chủ yếu là người đi hối lộ lại thuộc quyền “sinh sát” của người nhận hối lộ, không thể “qua cầu rút ván” viết đơn tố cáo hoặc đứng ra làm chứng được; bởi nếu thế chỉ còn cách bỏ dạy, bỏ học.

Hệ thống thanh tra, kiểm tra của ngành GD cũng chỉ quen với công việc dạy học, chẳng được mấy người am hiểu tường tận nghiệp vụ thanh tra, nhất là về lĩnh vực kinh tế; vả lại đều là người cùng ngành quen biết nhau cả, không nỡ quyết liệt đến cùng và thường là “rút kinh nghiệm” hoặc “không có nhân chứng, vật chứng cụ thể”.

Nhưng không lẽ ngành giáo dục lại “chung sống” với tham nhũng mãi sao ? Không lẽ bó tay sao?

Ngọc Dũng

(Nha Trang)