Vì sao bộ máy quản lý của ta yếu kém?

(Dân trí) - Việt Nam là nước đang phát triển vào hàng nhanh nhất thế giới. Song câu hỏi về sự yếu kém trong quản lý vẫn được đặt ra. Trong nhiều nguyên nhân, thứ được đặt lên hàng đầu vẫn là sự ỳ trệ, rườm rà của thủ tục hành chính.

Từ nhân dân đến doanh nghiệp, từ cá nhân đến cơ quan tổ chức, đâu đâu cũng phàn nàn về các thủ tục “hành là chính”: rườm rà, nhiêu khê, cứng nhắc, hách dịch và đặc biệt là “luỵ” giấy tờ.

 

Đơn cử như tấm Giấy Khai Sinh (GKS), báo chí trong nước đã tốn nhiều bút mực vì tấm giấy này. Nhiều người dân không thể có GKS chỉ vì không có Hộ Khẩu. Mà thủ tục đăng ký cư trú lại quá phức tạp, GKS vì thế cũng khó theo. Không có GKS, họ chẳng thể có bất cứ một giấy tờ hợp pháp nào khác để chứng minh rằng mình đang tồn tại, để khẳng định quyền công dân của mình.

 

Nước ta vẫn giữ quan niệm về giấy tờ Gốc, sau đó là các bản sao. Nhờ thế các cơ quan công chứng mới có nhiều việc để làm. Nhà nước đã cấp cho dân GKS gốc. Nếu bản gốc mất đi do rách, cháy, mất,… thì làm sao để có bản sao? Người dân lại phải dùng những giấy tờ tuỳ thân khác để đi xin lại bản gốc. Tệ vòi vĩnh, tiêu cực nảy sinh từ đó.

 

Các nước phát triển quy định, mọi giấy tờ do Nhà nước phát ra đều là giấy tờ Gốc, không có cái gọi là Bản Sao. Cơ quan nào đã phát ra một loại giấy tờ nào thì sẽ có trách nhiệm phát tiếp các giấy tờ đó cho dân, nếu dân yêu cầu. Một công dân Nhật nếu cần, sẽ được Nhà nước cấp cho cả trăm tờ Giấy Chứng Sinh với giá trị như nhau. Tất cả các giấy tờ khác cũng vậy.

 

Đơn cử vài thủ tục giấy tờ để thấy, bộ máy quản lý Nhà nước của ta còn nhiều yếu kém. Có cải tiến, nhưng chưa được bao nhiêu.

 

Nhà nước ta đang tiến hành cuộc cải cách hành chính, tinh giản bộ máy Nhà nước theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giao nhiều quyền hơn cho các ngành, các địa phương. Nhiều tiến bộ đã đạt được, nhưng rất chậm, nhất là so với yêu cầu phát triển của đất nước. Vì sao vậy?

 

Khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn sống, ngay sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, Thủ tướng đã đi thăm các khu tập thể Kim Liên, Trung tự,… ở Hà Nội và phê rằng: Sao lại để dân sống nhếch nhác, bẩn thỉu như thế? Đến nay, hơn 30 năm sau, sự nhếch nhác đó dường như vẫn chưa được cải thiện nhiều.

 

Bởi vì ở nước ta có 3 điều khác cơ bản so với các nước khác.

 

Thứ nhất là các nước có quyền tư hữu ruộng đất và quyền tự do cư trú. Ta chưa khai thông được 2 quyền như vậy.

 

Thứ hai, Quốc hội của các nước được phát huy quyền lực tốt hơn ở ta. Các đại biểu Quốc hội thực sự đại diện cho dân, bộ máy Nhà nước thực sự đặt dưới sự giám sát của Quốc hội. Hễ có một thủ tục hành chính rườm rà, có một quan chức nhà nước bị dân kêu ca, lập tức các Nghị sĩ quốc hội sẽ chất vấn, và nếu cần, sẽ bãi miễn ngay quan chức đó. Ở ta, chỉ có chuyện cảnh sát giao thông làm tiền mãi lộ mà để dân suốt mấy chục năm nay.

 

Thứ ba là ở các nước, người dân được bầu cử trực tiếp người đứng đầu địa phương, không gián tiếp qua Hội đồng nhân dân. Các ứng cử viên muốn được dân bầu thì phải tranh cử, phải đưa ra các kế hoạch hành động phục vụ dân tốt hơn, phải thể hiện và chứng minh điều họ có thể làm cho dân, phải luôn chu đáo với dân. Ở ta, người trực tiếp lãnh đạo dân lại do Hội đồng nhân dân bầu.

 

Đảng ta do Bác Hồ sáng lập, là Đảng cầm quyền, có uy tín cao trong nhân dân. Đó là một thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Nhưng nếu cứ để bộ máy Nhà nước “hành dân” mãi như thế này thì sự phát triển sẽ bị kìm hãm.

 

Làm sao để Đảng ngày càng mạnh lên, nhưng hai quyền tư hữu và tự do cư trú phải được trả lại cho nhân dân, và vai trò giám sát của nhân dân cũng phải ngày càng được phát huy, thông qua hoạt động của Quốc hội, và quyền bầu cử trực tiếp ở các đại phương. Chỉ có như vậy, bộ máy quản lý Nhà nước mới có hiệu quả, uy tín của Đảng mới được nâng cao, Đảng ngày càng xứng đáng là người vừa phục vụ, vừa lãnh đạo nhân dân.

 

Minh Tuấn (từ Tokyo)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm