Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI:
Vì lợi ích dân tộc, mong Đảng nhanh chóng chỉnh đốn, thật sự đổi mới
Đây vừa là một yêu cầu bức xúc của đất nước, vừa là nỗi niềm mong mỏi tha thiết và chân thành của nhân dân cả nước đối với Đảng, trước thời điểm Đảng tiến hành Đại hội các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI.
Nhân dân ta nhận thức rất rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) là bộ phận hữu cơ của dân tộc Việt Nam, sinh ra trong lòng dân tộc, đã từng là bộ phận tinh hoa nhất của dân tộc, đã và đang đảm nhận sứ mệnh lịch sử thiêng liêng và trách nhiệm chính trị cao cả là lãnh đạo đất nước xây dựng một xã hội mới, sẽ tốt đẹp hơn ngàn lần xã hội cũ dưới thời nô lệ của thực dân, phong kiến trước đây.
Đảng đã từng đồng cam cộng khổ với nhân dân, giác ngộ và dẫn dắt nhân dân vượt qua mọi thách thức, hiểm nguy, trở ngại, để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ, đánh dấu bằng 3 mốc son lịch sử: Cách mạng tháng 8/1945, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 5/1954 và Đại thắng mùa Xuân 4/1975 thống nhất đất nước.
Nhân dân đã từng hết mực tin yêu, ra sức bảo vệ và một lòng đi theo sự lãnh đạo của Đảng. Nhân dân cũng đã từng thông cảm, chia sẻ trước những khó khăn, vấp váp của Đảng, lượng thứ cho những sai lầm, khuyết điểm của Đảng trong quá trình lãnh đạo, vì trong những tình huống ấy nhân dân xét thấy Đảng không có động cơ nào khác ngoài giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc hoặc Đảng đã nghiêm khắc tự phê bình và khắc phục sai lầm.
Lịch sử dân tộc vẫn sẽ mãi mãi ghi nhận những đánh giá công lao và những tình cảm tốt đẹp ấy của nhân dân đối với Đảng.
Rất nhiều kỳ Đại hội Đảng, nhất là từ Đại hội VIII trở lại đây, Đảng đã tự thấy phải đặt ra nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng, đổi mới Đảng. Nhưng cho đến thời điểm này, trước thềm Đại hội XI, những kết quả có được còn rất khiêm tốn, còn cách xa những đòi hỏi của nhiệm vụ lãnh đạo và lòng mong mỏi của nhân dân.
Đảng chưa có được biện pháp mạnh mẽ và đúng đắn để chặn đứng được sự tha hóa cả chính trị, tư tưởng của một bộ phận Đảng viên và tổ chức cơ sở . Từ đó kéo theo nhiều hệ lụy về tổ chức, nhiều sai lầm, khuyết điểm trong thực thi đường lối, chính sách...
Nhân dân đã chờ đợi quá lâu, qua bao nhiêu kỳ Đại hội, muốn được đón nhận một sự thay đổi căn bản và thật sự, nhưng những gì diễn ra vẫn chưa đáp ứng sự mong đợi , làm cho nhiều người nản lòng, thậm chí có người đã tỏ ra thất vọng. Đó là một sự thật đang hiện hữu!
Trong Văn kiện lần này, phần nói về công tác xây dựng Đảng khá dài và có đầy đủ các vấn đề cần nói, theo thủ tục xây dựng Văn kiện Đại hội. Những nội dung được đề cập trong phần này hầu như đều đúng trong mọi kỳ Đại hội, mà không thấy rõ điểm gì thật khác và thật mới hơn, ngay cả so với Văn kiện Đại hội lần thứ X.
Tôi xin phép góp một vài ý kiến như sau :
1- Văn kiện đã chỉ rõ mục tiêu của công tác xây dựng Đảng là làm cho Đảng phải vững mạnh hơn lên về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Nếu chỉ dừng lại đấy, không suy nghĩ sâu hơn thì có thể rất nhiều người, kể cả đảng viên, khi đọc chỉ hiểu đây đơn thuần là một nhiệm vụ của riêng Đảng, nhằm củng cố quyền lực cho Đảng.
Tôi thấy cần phải nhấn mạnh đến mục đích chính của công tác này, đó là vì lợi ích của sự phát triển đất nước mà phải đặt ra vấn đề chỉnh đốn và đổi mới Đảng, chứ không phải chỉ vì lợi ích của Đảng.
Đảng CSVN là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vậy nên Đảng có vững mạnh thì Nhà nước mới mạnh, XH mới phát triển.
Đảng đang gánh trên vai một sứ mạng lịch sử vô cùng to lớn và đầy khó khăn, là lãnh đạo toàn dân hiện thực hóa mục tiêu “Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, do đó nếu Đảng yếu kém thì chắc chắn là không thể hoàn thành được sứ mệnh cao cả đó.
Tất cả các nội dung xây dựng Đảng đều phải hướng về mục tiêu nói trên, nghĩa là phải phục vụ cho lợi ích tối cao là đất nước phát triển.
Phải hiểu đúng như vậy thì trong triển khai mới không thể phạm sai lầm khi tách rời lợi ích của Đảng với lợi ích của đất nước, thậm chí đặt lợi ích củng cố quyền lực của Đảng lên trên lợi ích phát triển của đất nước, trong tình huống chưa có sự hài hòa, thống nhất, hoặc không nhìn ra sự hài hòa, thống nhất đó.
Ví dụ yêu cầu dân chủ hóa đời sống kinh tế- xã hội (KT-XH) có thể bị xem là gây khó khăn, thậm chí là mâu thuẫn, với yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.
2- Cần hiểu đúng và đầy đủ mục tiêu “Đảng vững mạnh” của công tác xây dựng Đảng.
Nói Đảng vững mạnh không có nghĩa là Đảng phải đông người hơn, quyền lực của Đảng phải nhiều hơn, phải cao hơn, thậm chí là cao hơn tất cả, đứng trên cả Hiến pháp và pháp luật.
Điều quan trọng mà nhân dân đòi hỏi ở đây là Đảng phải hội được những dấu hiệu cơ bản của sự vững mạnh đó, cả về năng lực và phẩm chất của một đảng cách mạng, cầm quyền: phải trí tuệ, phải đạo đức, phải có bản lĩnh chính trị đích thực.
Và nếu nói dài dòng hơn thì có thể nói thêm: Đảng phải giỏi, phải tốt, phải trong sạch, một lòng vì dân, tôn trọng lợi ích của dân, được dân tin yêu, không có đảng viên hư hỏng, đặc biệt là không dính vào tham nhũng, mọi đảng viên đều tốt, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo từ TW trở xuống phải gương mẫu, cấp nào cũng vững mạnh, nhất là cấp TW (lâu nay chỉ nhấn mạnh cấp cơ sở và đảng viên là chưa đầy đủ và chưa sát đúng), trong nội bộ Đảng phải đoàn kết thực sự, không có bè phái cục bộ, không chia thành các nhóm lợi ích khác nhau,...
Nói gọn lại: Đảng phải trung thành với mục tiêu phát triển của đất nước “Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thể hiện ra ở đường lối chính sách của Đảng, ở năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo và đảng viên, và ở cả khả năng chống lại được sự tha hóa.
Đó là sự vững mạnh cần thiết nhất, mà hiện nay Đảng đang thiếu, nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ lãnh đạo đất nước phát triển và hội nhập, và lòng mong mỏi của nhân dân.
3- Vậy phải hiểu như thế nào cho đúng về yêu cầu then chốt và những nội dung chủ yếu trong công tác xây dựng Đảng cho nhiệm kỳ 5 năm tới?
Bao trùm và xuyên suốt là phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhằm giữ cho được bản chất của Đảng, làm cho bản chất ấy ngày càng bền chắc và thăng hoa.
Có rất nhiều công việc phải tăng cường vì lâu nay làm chưa đủ mạnh, có rất nhiều công việc phải uốn nắn vì đã và đang có lệch lạc,...
Xin phép nói rõ hơn về mấy việc sau đây, xung quanh yêu cầu giữ cho được bản chất của Đảng :
- Phải xem lại một số chủ trương, chính sách có phải là đã vì lợi ích của nhân dân, của đất nước chưa hay chỉ là mượn danh đó để mưu lợi ích cục bộ và lợi ích cá nhân của những người đang có chức, có quyền?
Chủ trương, chính sách nào mà đa số nhân dân thấy là không cần, là không có hiệu quả, thậm chí là gây thiệt hại cho lợi ích chung, nhất là lại được các nhà khoa học phản biện bác bỏ thì phải dừng lại hoặc xem xét một cách tích cực để sửa chữa ngay.
Đấy là biểu hiện trước hết và quan trọng nhất của bản chất “đại biểu trung thành nhất lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”.
- Phải đánh giá lại một cách nghiêm túc việc thực hiện cơ chế dân chủ trong nội bộ Đảng và trong cộng đồng XH, tìm ra đúng cái “nút” gây nên những ách tắc lâu nay.
Trên cơ sở đó mà tổ chức lại một cách quyết liệt và thực tâm yêu cầu dân chủ hóa hoạt động của Đảng và đời sống XH.
Người đảng viên thường, người dân thường phải được “biết”, được “bàn”, được “kiểm tra”, chứ không phải chỉ biết “làm” như lâu nay.
Đảng không được tự cho mình cái độc quyền đứng trên tất cả, quyết định tất cả, dùng mọi cách để bắt cấp dưới và nhân dân phải nghe và làm theo, dù đúng hay sai.
Đảng phải thực lòng tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng vai trò của các tổ chức quần chúng, của Mặt trận Tổ quốc, tôn trọng vai trò của Quốc hội...
Đảng phải kiên quyết xóa bỏ mọi kiểu phát huy dân chủ hình thức đối với nhân dân và đối với cấp dưới và đảng viên thường...
Bởi vì Dân chủ vốn là bản chất của Đảng, dân chủ là khát vọng ngàn đời của nhân dân, là mục tiêu của cuộc đấu tranh cách mạng mà Đảng đang dẫn dắt nhân dân đi theo.
Do đó không kiên quyết và thật lòng thực hiện dân chủ cho dân, cho XH chính là phủ định bản chất của Đảng, là chống lại lợi ích của nhân dân, và cũng là chống lại Đảng.
- Trong phong cách lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp đang tồn tại một thói xấu là “Nói chưa đi đôi với làm”, thậm chí là “Nói một đàng, làm một nẻo”.
Thói xấu này cần được xóa bỏ triệt để, vì đó vừa không phải là tính cách của người Việt Nam chúng ta, lại càng không phải là tư cách của người cách mạng, người đảng viên CSVN, khác xa đạo đức của Bác Hồ, trái với bản chất của Đảng.
Xét thực chất thì thói xấu này là một thủ đoạn nhằm che giấu khuyết nhược điểm, hoặc che giấu những ý đồ không trong sáng tiềm ẩn bên trong (chứ không đơn giản chỉ là một cá tính).
Thói xấu này đã làm cho việc thực thi đường lối chính sách của Đảng bị sai lệch, làm cho nhân dân ngày càng mất lòng tin ở Đảng, dung dưỡng bệnh nói dối, làm dối, làm giả...
Nhiều người dân đã được chứng kiến những cảnh diễn hài trên chính trường: cán bộ răn dạy dân điều hay lẽ phải, nhưng ở cơ quan và ở nhà thì cán bộ vẫn làm ngược lại. Do đó trong dân gian hiện nay đã có lời khuyên bảo nhau: “Hãy xem ông ấy làm, chứ đừng nghe ông ấy nói !”
Nhân dân ta lâu nay vẫn mang những câu chuyện hài “cười ra nước mắt” xung quanh cuộc chống tham nhũng để làm chuyện “tiếu lâm” thời mới mà nói vui với nhau, nhưng thực ra là để lên án cái thói xấu “Nói không đi đôi với làm”.
Do đó để chỉnh đốn và đổi mới Đảng thì nhất thiết phải xây dựng cho được thói quen đạo đức “Nói đi đôi với làm” trong Đảng và trong XH, trước hết đảng viên phải gương mẫu thực hiện bằng được. Làm được như vậy cũng là để bảo vệ bản chất cách mạng của Đảng.
4- Tất cả những sự yếu kém, những sai lầm, khuyết điểm trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và XH mà chúng ta đang bàn ở đây, suy cho cùng đều từ Con Người mà ra cả.
Nói cụ thể hơn là phải nhìn và trình độ hiểu biết, lý tưởng, đạo đức và lối sống của những người trong cuộc, mà tiêu điểm ở đây là đảng viên. Do đó tất cả (8) các nhiệm vụ - giải pháp mà Văn kiện nêu ra về Công tác xây dựng Đảng đều là cần thiết, và đều phải tập trung vào vấn đề Đảng Viên, phải thông qua các giải pháp về vấn đề đảng viên.
Tôi xin phép nói thêm vài ý sau :
- Tất cả các công việc nêu ra đều rất cần một sự đổi mới tư duy thật sự, một sự cải tạo tư tưởng thật sự, một sự thay đổi thật sự về đạo đức và lối sống...
Những việc này chỉ có thể làm được trên cơ sở phải khôi phục cho được ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện nghiêm túc, tinh thần phê bình và tự phê bình trung thực của mọi đảng viên, nhất là những đảng viên là lãnh đạo chủ chốt, trên cơ sở khôi phục cho được nề nếp phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng.
Hơn thế nữa, các công việc đó phải được triển khai rất tự giác, làm thật, không đối phó, không hình thức, phải triển khai đồng bộ từ trên xuống, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, lãnh đạo phải làm gương cho đảng viên.
Tôi đề nghị từ nhiệm kỳ này, trong thực thi nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng, không còn nữa những hiện tượng “Nói không đi đôi với làm”!
- Trong Đảng ta hiện nay có rất nhiều đảng viên hư hỏng, tức là đã và đang tha hóa về lý tưởng, đạo đức và lối sống.
Điều nguy hại là nhiều đảng viên bị khuyết điểm, hư hỏng vẫn được bố trí làm cán bộ lãnh đạo và quản lý trong hệ thống chính trị, trong bộ máy điều hành KT-XH.
Thực trạng đó đang làm cho cả Đảng và Nhà nước đều bị suy yếu về phẩm chất và năng lực, hạn chế trực tiếp sự phát triển tiến bộ của đất nước, làm khổ dân, giảm lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước.
Do đó muốn chỉnh đốn và đổi mới Đảng để Đảng thật sự trong sạch và vững mạnh thì nhất thiết phải xử lý các đảng viên hư hỏng nói trên. Phải làm mạnh tay, làm kiên quyết, trên cơ sở Điều lệ của Đảng (và pháp luật của đất nước).
Hư hỏng nhẹ thì cho nghỉ việc lãnh đạo, hư hỏng nặng thì cảnh cáo, khai trừ. Nhân dân mong mỏi làm sao để từ nhiệm kỳ này trong Đảng trước hết phải không còn kẻ tham nhũng, rồi kế đó là những kẻ độc đoán chuyên quyền, “Nói một đàng, làm một nẻo”...
Đừng vin vào các lý do không chính đáng để nương nhẹ, bao che cho những đối tượng này, chẳng hạn: có lý lại phải có tình, phải xét đến những đóng góp trước đó, phải xét đến công lao của gia đình, xử hết thì lấy ai mà làm việc...!
Chẳng qua đó chỉ là những lý sự ngụy biện nhằm tiếp tục dung dưỡng kẻ xấu, bảo vệ phe nhóm mà thôi. Chính chất lượng đảng viên là một biểu hiện quan trọng, trực quan và dễ thấy nhất của bản chất Đảng.
5- Để đánh giá được kết quả của công tác xây dựng Đảng (về chính trị, tư tưởng và tổ chức) thì trước hết và chủ yếu là phải căn cứ vào hiệu quả lãnh đạo đối với sự phát triển KT-XH của đất nước, đồng thời phải nhìn vào sự chuyển biến về năng lực và phẩm chất của cán bộ và đảng viên thể hiện ra trong hoạt động thực tiễn và đời sống cộng đồng.
Phải có cách đánh giá khách quan, trung thực thì mới nhìn rõ thực chất tình hình, kiên quyết chống cách làm hình thức, phiến diện, giả dối, đối phó.
Chẳng hạn, khi xem xét hiệu quả lãnh đạo KT-XH thì rất cần nắm vững quan điểm phát triển bền vững, tức là không chỉ thấy đơn thuần tốc độ tăng trưởng KT, mà phải đặt nó trong sự cân đối, hài hòa với công bằng XH, an sinh XH, bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hóa dân tộc...
Đặc biệt là phải nhận cho rõ sự chuyển biến đồng thời về đời sống vật chất và đời sống tinh thần của bộ phận cư dân đông đảo nhất của cộng đồng là người lao động trong các thành phần KT, là người nghèo, là nông dân.
Trong đời sống vật chất của nhân dân thì trước hết phải coi trọng những yêu cầu thiết yếu nhất về ăn, ở, mặc, chữa bệnh, học hành, đi lại.
Trong đời sống tinh thần thì phải đặc biệt lưu ý đến các quyền tự do, dân chủ mà Hiến pháp đã qui định, trước hết là quyền được làm chủ thực sự bản thân và mọi công việc chung của cộng đồng.
Đây là tâm nguyện của đảng viên và nhân dân trước thềm đại hội XI. Chắc là cả những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc cũng có cùng một tâm nguyện chung đó. Tất cả đều vì một nước Việt Nam “Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hy vọng, một lần nữa Đảng sẽ đáp lại lòng dân!