Sóc Trăng:
Về nơi người dân từ lúc sinh ra đến chết không biết "mặt" cầu đường bê tông!
(Dân trí) - “Nhiều người dân quê tôi đến chết cũng chẳng biết đường, cầu bê tông là cái gì cả”. Đó là lời chia sẻ nghe đến xót lòng của người dân ở xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) khi nơi đây chưa có đường, cầu bê tông và điện lưới quốc gia,… khiến cho cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn.
Một ngày vừa qua, chúng tôi về các ấp Phước Ninh, Phước Thuận, Phước Thọ C của xã Mỹ Phước và được tận mắt chứng kiến nỗi khổ của người dân, bởi khi muốn vào các hộ gia đình chỉ có cách duy nhất là đi xuồng chứ đường bộ thì không thể đi được.
Anh Bùi Thanh Bền (ngụ ấp Phước Thọ C) cho biết: “Xã Mỹ Phước là khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng thời kỳ kháng chiến, được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thế nhưng, từ khi đất nước được giải phóng đến nay, trong khi nhiều ấp khác trong xã và nhiều xã khác trong huyện cơ sở hạ tầng được đầu tư điện, đường, trường, trạm… quy mô, đáp ứng nhu cầu của nhân dân thì ở các ấp Phước Ninh, Phước Thuận, Phước Thọ của chúng tôi lại rơi vào cảnh “nhiều không”. Đó là cảnh không đường, không cầu, không điện. Thậm chí, nhiều người dân quê tôi từ nhỏ tới lớn, cho đến lúc chết không biết cầu đường bê tông là gì”.
Từ không cầu, đường bê tông...
Theo phản ánh của hàng trăm hộ dân ở địa phương, cách đây 15 năm, UBND xã họp dân, thông báo Nhà nước sẽ đầu tư nạo vét kênh để làm đường, kéo điện cho người dân nên ai cũng vui mừng. Nhiều gia đình đã đón đầu bằng việc mua sắm nhiều thiết bị điện như tủ lạnh, máy giặt, xây nhà cửa khang trang, mua xe gắn máy,… nhưng từ đó đến nay chẳng thấy cầu, đường, điện ở đâu.
Cầu tạm do dân làm để đi qua lại các con kênh đã bị hư hại.
Ông Nguyễn Văn Tưng (một cựu chiến binh) cho biết: “Quá bức xúc vì không có điện, cầu, đường như xã nói, bà con chúng tôi hỏi xã thì xã nói chưa có kinh phí. Mỗi lần tiếp xúc cử tri các cấp, bà con phản ánh thì đại biểu hứa sẽ kiến nghị lên cấp có thẩm quyền. Bao nhiêu năm nay lời hứa vẫn chưa thành hiện thực. Mới đây, cuối tháng 6/2016, chúng tôi kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thì nhận được phản hồi là đơn của chúng tôi đã được chuyển về Chủ tịch UBND huyện xem xét, giải quyết”.
Bờ ruộng là đường đi và cầu khỉ bắc qua sông là những gì mà bà con nơi đây đã "sống chung" từ trước đến nay.
Anh Bùi Thanh Bền cho biết thêm, do không có đường nên các cháu học sinh ở địa phương muốn đi học chỉ có cách duy nhất là đi bằng xuồng, nhà cách trường 4 - 5 km nên thời gian đi lại cũng khá lâu, lại phải có người thân đưa đón nên rất bất tiện. Gần đây có dịch vụ đưa đón bằng ghe nên phụ huynh cũng đỡ mất thời gian nhưng khá tốn kém bởi mỗi lượt như vậy các cháu phải trả tiền từ 6.000 đồng đến 7.000 đồng.
“Thấy hoàn cảnh của các cháu như vậy, năm 2003, một công ty đã xây tặng các cháu một cây cầu bê tông kiên cố nhưng cũng không sử dụng được bao nhiêu vì không có đường, nhất là vào mùa mưa cho nên đến nay cầu cũng đã bị hư hỏng. Đây cũng là cây cầu bê tông duy nhất dẫn vào các ấp kể trên, còn lại là hàng chục cây cầu gỗ tạm bợ do bà con tự làm để đi lại cho quãng đường 4-5 km của tuyến đường Kinh Mới chạy dọc theo bờ kênh. Còn từ bờ kênh này sang bờ kênh kia thì bà con chủ yếu đi bằng cầu khỉ hoặc bè tự chế. Nhiều gia đình có xe gắn máy nhưng phải gửi ngoài xóm vì không có đường để chạy xe về nhà”, anh Bền nói.
Vào mùa mưa thì việc đi lại càng khó khăn hơn, đặc biệt là những em học sinh địa phương.
... đến kéo điện chia hơi giá cao
Không có cầu, đường, hàng trăm hộ dân ở các ấp này cũng khát khao có điện lưới quốc gia sử dụng. Theo anh Bền, do Nhà nước không đầu tư kéo điện về các ấp nên bà con phải gom tiền lại, mỗi hộ từ 3-4 triệu đồng mua vật tư thuê ngành điện kéo điện theo đường dây chính vào ấp, ngành điện lực chỉ lắp cho bà con một đồng hồ “tổng”, còn từ cột điện vào nhà thì người dân tự kéo theo dạng câu đuôi. Với hình thức này, bà con đã khó lại càng khốn khổ hơn khi tiền điện hàng tháng phải trả quá cao so với giá điện nhà nước.
Bà Bùi Thị Sự cho biết: “Trong khi những nơi có lưới điện quốc gia, bà con chỉ phải trả tiền điện với giá khoảng từ 1.500 đồng-2.200 đồng/kW, còn ở đây bà con chúng tôi phải trả từ 4.000 đồng-5.000 đồng/kW, thậm chí có khi lên đến hàng chục ngàn đồng cho mỗi kW điện. Khi bà con hỏi thì ngành điện lực cho biết đường dây bà con tự kéo không đúng tiêu chuẩn nên tỉ lệ hao hụt nhiều. Mấy chục năm qua, bà con thiệt thòi nhiều quá nhưng kêu mãi mà không thấu”.
Bà con làm trụ điện kéo chia hơi tạm bợ rất nguy hiểm, đặc biệt là vào mùa mưa bão.
Ghi nhận của PV, việc kéo điện như trên tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm bởi trụ điện không đảm bảo quy cách, dây điện cũng không đảm bảo an toàn, cách kéo điện tự phát nên dễ dẫn tới tình trạng chập, cháy nổ hay rò rỉ điện vô cùng nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bão. Qua quan sát, chúng tôi thấy các trụ điện rất “phong phú”, vừa có trụ bằng bê tông nhưng không đảm bảo an toàn khi đã ngả nghiêng, có trụ dựa sát vào hàng cây xanh; có nhiều trụ được làm bằng cây gỗ tạp, thậm chí có nhiều trụ được làm bằng một cây sắt, bằng cây tre. Hệ thống dây điện thì lòng thòng gần sát đất, vướng vào nhiều cây xanh hai bên bờ kênh.
Kéo điện chia hơi nên người dân luôn phải trả giá rất cao so với điện Nhà nước.
Trao đổi với PV, ông Phạm Minh Kết - Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước, cho biết: “Tình trạng đường, cầu, điện mà bà con phản ánh là đúng. Chúng tôi thấu hiểu nỗi khổ cũng như khao khát của bà con nhưng việc xây dựng cầu, đường, kéo điện dù đã có kế hoạch nhưng có lẽ do ngân sách chưa đủ nên chỉ tập trung vào một số nơi trọng điểm, vì vậy chưa thể làm cho các ấp mà bà con phản ánh được”.
Đường vào khu dân cư ở ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Tú "nhỏ" như thế này. Người dân đang khao khát có được những con đường, cầu bê tông để cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Không chỉ ở các ấp của xã Mỹ Phước, hàng trăm hộ dân ở các ấp Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B, Mỹ Lợi C (xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú) cũng đang hàng ngày khao khát có được một con đường bê tông để đi lại cho dễ dàng. Một nghịch lý mà nhiều bà con không thể nào hiểu nổi là bà con các ấp này sinh sống dọc theo hai bên kênh Trà Cú Cạn nhưng chỉ một bên có đường, còn một bên không có suốt từ bao nhiêu năm nay. Trong khi đó, trên kênh này có cầu bắc qua và có đường bê tông vào các ấp vùng sâu vùng xa, còn hàng trăm hộ dân sống bên bờ kênh lại không có đường đi.
“Bao giờ dân quê tôi mới biết cầu và đường bê tông “mặt mũi” như thế nào ?” Câu hỏi day dứt của hàng trăm hộ dân ở các ấp thuộc xã Mỹ Phước và xã Mỹ Tú của huyện Mỹ Tú đang bỏ ngỏ và ước mơ có được những con đường, cầu bê tông để cuộc sống đỡ vất vả hơn biết bao giờ mới có được.
Bạch Dương