Bài 1:
Vay nợ để “vượt khó” xong, doanh nghiệp đánh bài chuồn khiến dân “chết đứng"?
(Dân trí) - Cho công ty cơ khí hoá chất Hà Bắc (nay là Công ty TNHH một thành viên cơ khí hoá chất Hà Bắc) vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 600 triệu đồng từ năm 2009, đến nay ông Chu Tam Chức đã khóc cạn nước mắt bởi sau khi được trả 300 triệu, ông bị công ty này dấu hiệu "chạy làng".
Công ty vay tiền của dân để vượt khó xong "chạy làng"?
Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Báo Dân trí, ông Chu Tam Chức (SN 1968) trú tại khu phố Nội Trì, phường Tâm Hồng, TX Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết: Ngày 14/5/2009, Công ty cơ khí hoá chất Hà Bắc (nay là Công ty TNHH một thành viên cơ khí hoá chất Hà Bắc trực thuộc Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam), địa chỉ tại phường Thọ Xương, TP Bắc Giang vay ông Chức 600 triệu đồng để sản xuất và kinh doanh với lãi suất 12%/năm.
Khoản vay này theo Hợp đồng vay tiền số 04-2009/HĐTV. Người đại diện Công ty Công ty cơ khí hoá chất Hà Bắc ký vay là ông Nguyễn Văn Đàm, giám đốc công ty.
Theo đơn kêu cứu, sau khi vay nợ, tháng 10/2009, công ty cơ khí hoá chất Hà Bắc có trả ông Chức đợt 1 là 250 triệu đồng và có giấy xác nhận tiền lãi đến hết năm 2009.
Tháng 1/2011, Công ty này tiếp tục trả cho ông Chức đợt 2 số tiền 50 triệu đồng. Sau đó, công ty này khất nợ, hứa trả ông Chức sau 1 năm nữa.
Ông Chức cho biết: Năm 2012, ông Nguyễn Văn Đàm, giám đốc công ty này chuyển về Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam làm việc. Ông Hà Quang Sáng được bổ nhiệm làm giám đốc công ty. Và cũng từ đó, số nợ của người dân bị công ty này dùng chiêu "bặt vô âm tín".
"Tôi có gọi điện cho anh Sáng nhưng anh Sáng không nghe máy. Đến công ty để đòi tiền nhiều lần thì bảo vệ không cho vào. Hiện tại gia đình tôi vô cùng khó khăn. Tôi nuôi bố mẹ già, 4 đứa con tuổi ăn, tuổi học. Công việc của tôi không ổn định, thu nhập không có. Khi công ty này khó khăn, tôi cho vay tiền để hoạt động. Không ngờ, một doanh nghiệp lớn luôn quảng cáo là uy tín như vậy mà lại hành xử với người từng giúp mình khi hoạn nạn một cách thiếu đạo lý và không đúng pháp luật như vậy.
Không phải nói quá chứ việc quỵt nợ của công ty này đang đẩy cả gia đình tôi vào cảnh "tan cửa nát nhà", ông Chức xót xa.
PV Dân trí đến trụ sở Công ty TNHH một thành viên cơ khí hoá chất Hà Bắc để liên hệ làm việc nhưng bất thành.
Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đến trụ sở Công ty TNHH một thành viên cơ khí hoá chất Hà Bắc để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, bảo vệ công ty cho biết ông giám đốc không có nhà vì còn bận điều hành thêm một công ty nữa tại Thái Nguyên. Vì vậy, bảo vệ công ty từ chối việc để phóng viên vào công ty.
Bảo vệ công ty cũng cung cấp số điện thoại của ông Hà Quang Sáng, giám đốc và đề nghị PV Dân trí liên hệ trực tiếp với ông Sáng.
Tuy nhiên, sau khi bấm cả chục cuộc gọi không được bắt máy, nhắn tin qua số điện thoại 0979988…mà người bảo vệ cho biết là của ông Sáng, PV Dân trí cũng không nhận được hồi đáp.
Nguyên giám đốc công ty bất bình cho biết tân giám đốc ứng xử doanh nghiệp kém
Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông ông Nguyễn Văn Đàm, nguyên là giám đốc Công ty cơ khí hoá chất Hà Bắc, người đại diện công ty ký vay tiền của ông Chức. Ông Đàm cho biết hiện ông chuyển lên Tổng công ty công nghiệp xây dựng Việt Nam làm việc tại Ban thị trường quản lý dự án.
Ông Đàm cho biết: "Ngày đó, công ty của tôi là công ty TNHH một thành viên nhà nước. Công ty vay vốn là việc bình thường. Thời đó, pháp nhân là công ty vay. Sau này khi hợp đồng chưa hết hạn thì Tổng công ty điều chuyển người khác về thay vị trí giám đốc công ty của tôi.
Khi còn giữ cương vị giám đốc, ông Nguyễn Văn Đàm đã ký thanh toàn một phần nợ gốc và lãi cho ông Chức.
Việc vay nợ này là vay cho công ty nên liên quan đến tôi không có gì là cá nhân cả. Số nợ đến giờ, công ty này phải trả bình thường".
Ông Đàm khẳng định: Nếu như công ty này nợ mà ông Chức đòi không được thì ông Chức có thể khởi kiện ra toà.
Trước thông tin, người dân gọi cho ông Sáng để đòi nợ nhiều lần nhưng không được bắt máy, ông Đàm cho rằng: "Ông giám đốc này chắc là biết người dân gọi vì công nợ chắc ông lánh mặt, không thích nghe máy thôi.
Tôi đi khỏi công ty từ 5/9/2012. Khi tôi còn giữ cương vị giám đốc, tôi đã tiến hành trả nợ gốc và lãi cho ông Chức một phần. Sau khi tôi chuyển đi, người giám đốc mới ứng xử thế nào thì đó là văn hoá ứng xử doanh nghiệp thôi.
Số tiền này 100% vào hệ thống kế toán của công ty và chi dùng cho hoạt động sản xuất của công ty. Cái gì đúng sự thật như nào thì mình làm đúng như thế và lương tâm mình thực hiện đúng như thế. Chẳng qua tôi nói thật, ông giám đốc sau này ứng xử doanh nghiệp kém làm cho quan hệ khách hàng kém. Ông Chức có thể khởi kiện ra toà. Công ty này còn đang hoạt động", ông Đàm bày tỏ.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế