Vào lớp một "trường điểm": Chuyện cũ… vẫn nóng

(Dân trí) - Trẻ em hết tuổi mẫu giáo tưởng như đương nhiên được vào lớp một, bởi nhẽ tiểu học là bậc học đã được phổ cập. Vậy mà không ngờ câu chuyện xin cho con vào được lớp 1 ưng ý vẫn là chuyện “nóng” của nhiều ông bố bà mẹ.

Ở nông thôn thì không có sự chọn trường khi cho con vào học lớp 1. Còn ở thành thị lại khác. Trong khoảng mươi năm trở lại đây, trẻ em hết mẫu giáo vào lớp một, để lọt vào được một trong các trường “tiểu học điểm” đã trở thành việc “đại sự” của nhiều ông bố bà mẹ. Có người, con mới 3, 4 tuổi đã xin nhập nhờ hộ khẩu người quen tại một phường nào đó có trường tiểu học điểm; người thì huy động hết các mối quan hệ, bằng mọi cách để con mình phải vào được một trong những trường điểm.
 
Hiệu trưởng các trường tiểu học điểm thì mỗi người một cách ứng phó khác nhau. Có người tạo tín hiệu riêng cho nhân viên lẫn phụ huynh biết trường hợp nào nhận được, trường hợp nào không; có trường tổ chức thi tuyển vào lớp một, nhưng chẳng phải cứ cháu nào biết đọc, biết viết trước là trúng tuyển. Có nơi, hiệu trưởng cương quyết không nghe điện thoại của bất kỳ ai và không bán hồ sơ trái tuyến… Nhưng, cuối cùng những người “khéo chèo” vẫn đưa con vào được trường điểm.

 

Học sinh ngoại tuyến nộp các khoản ban đầu gần gấp ba lần học sinh nội tuyến; ngoài ra, còn phải nộp một số khoản khác. Phụ huynh, vì mục đích cho con vào được trường, nên chẳng đặt nặng chuyện tiền bạc.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tôi có người quen, cơ quan của anh gần Trường tiểu học V. Như nhiều phụ huynh khác, với mong muốn con vào học trường “có tiếng”, anh lo việc đó từ khi cháu mới 5 tuổi. Anh nhờ người bạn làm ở Sở Giáo dục, và được nhận lời rất nhiệt tình.
 
Chắc mẩm, anh ung dung chờ ngày nhà trường thông báo, sẽ mua hồ sơ, điền vào nộp là xong; căng quá thì phiền anh bạn ở sở nộp giúp. Nào ngờ, mới cuối tháng 5, nghe xôn xao chuyện lo cho con vào lớp một, anh điện thoại cho bạn, và nhận được câu trả lời: Hiệu trưởng không nhận điện thoại của ai.

 

Thế là mọi việc trở nên căng thẳng. Anh tìm đến Trường V. Sân trường vắng ngắt, không một bảng chỉ dẫn. Tìm mãi anh cũng gặp được bác bảo vệ, hỏi thăm mới biết, nhà trường không bán hồ sơ trái tuyến. Buồn quá, anh than thở với đồng nghiệp, thì nhận được lời khuyên đáng giá “ngàn vàng”:

 

- Cậu thật ngây thơ, sao không nhờ ông chú… một tiếng...

 

Chú là người có chức, có quyền, ai lại bắt ông lo việc này! Anh tâm sự với vợ, vợ anh không chịu để con mình thiệt thòi. Chị viết lá đơn xin vào lớp một gửi Trường V. rồi tìm đến chú chồng. Ông chú đồng ý và cầm đơn của chị. Sau mấy hôm, cậu em họ bảo chị mang tiền đến trường nộp. Chị nghe được, mừng quá, được nộp tiền tức là con mình đã được học, đã được vào trường điểm, nhưng bằng cách nào thì chị hoàn toàn không biết.

 

Chuyện đến đó vẫn chưa hết. Con vào được trường điểm rồi, lại sợ nó thua bạn, kém bè. Lại phải nghe ngóng, tìm hiểu… Cuối cùng chị vợ anh cũng tìm được địa chỉ “đỏ” cho con học thêm. Suốt hai tháng trời, giữa mùa hè gay gắt, chị đưa con đến nhà cô giáo trước 7 giờ sáng, đón về khoảng 11 giờ trưa; phòng học hơn 10m2, chứa gần 30 học sinh, học phí mỗi tháng 300 nghìn đồng.
 
Thôi thì con người ta học được, con mình cũng học được, cô giáo này có thể sẽ dạy lớp con mình, chị nghĩ vậy, nên quyết cho con “học thêm”. Tưởng đã yên tâm, nào ngờ, mới gửi con được mấy hôm, cô giáo than phiền, cháu chẳng biết gì! Bạn đồng nghiệp của anh nghe được bèn phán với anh rằng - chẳng biết gì mới phải gửi cô “học thêm”. Cô trả lời thắc mắc đó bằng cách, đưa anh chị xem một vài quyển vở của bạn cùng lớp cháu, các cháu không chỉ biết viết chữ cái, mà còn viết được cả một bài thơ; trong khi con anh chị chưa biết cách cầm bút. Rồi cô giáo than vất vả, gợi ý chị nên gửi con nơi khác.

 

Được biết, học sinh lớp một, những bài học đầu tiên là tập viết nét ngang, nét dọc, nét móc… Cho đến hết năm học, các cháu chỉ cần biết đọc, biết viết và biết cộng trừ. Các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên khuyến cáo phụ huynh không nhất thiết phải cho con học trước. Nhưng, theo câu chuyện trên, cũng như chuyện chạy đua cho con vào trường điểm hiện nay, thì lời khuyên đó hầu như chẳng có tác dụng.

 

Con trẻ mới lên 5 lên 6, ăn còn phải đút, theo quy trình của Bộ Giáo dục và đào tạo, hết năm lớp một, các cháu biết đọc, biết viết, cũng là lúc bé lên 7, tay chân cứng cáp hơn, đầu óc phát triển tốt hơn sau một năm tiếp xúc với trường, lớp. Thiết nghĩ, mọi tính toán đã được các nhà khoa học nghiên cứu rất kỹ, nhưng vì lẽ gì mà rất nhiều người, trong đó không ít người đang công tác trong ngành giáo dục cũng cứ muốn ép cho con mình phải “khôn sớm”. Ấy vậy không khéo còn quay sang trách cả giáo viên...

      

Đăng Việt

Đà Nẵng

 

LTS Dân trí - Các ông bố bà mẹ thường có tâm lý chọn cho con mình vào “trường điểm” để được học những thầy cô giáo giỏi, cho nên mới sinh ra cảnh chạy đua bằng mọi cách, kể cả cách “đi cửa sau”, làm mất đi tính công bằng và minh bạch trong việc nhận học sinh vào lớp 1 của các trường điểm.

 

Nếu để kéo dài tình trạng đó, cứ lặp đi lặp lại vào đầu năm học thì thật mang tiếng cho những trường điểm, cho nên cơ quan quản lý giáo dục cấp trên nên dứt khoát chỉ đạo các trường này chỉ nhận những học sinh đúng tuyến, không “linh động” nhận thêm bất cứ một trường hợp ngoại lệ nào. Chỉ có như vậy, mới bảo đảm cho lớp học không quá đông, tạo điều kiện tốt cho việc dạy và học.

 

Đã là “trường điểm” càng cần thực hiện đúng phương pháp sư phạm, không khuyến khích học sinh lớp 1 tham gia các lớp học trước dưới bất cứ hình thức nào. Trường nên có quy chế cấm các giáo viên của mình dạy những lớp như vậy.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm