Vàng không điên

Đợt tăng giá vàng vừa qua kéo dài hơn hai tháng, theo chiều thẳng đứng và đỉnh điểm của nó là cơn sốt cấp tính ngày 11/11. Đó là một ngày hoảng loạn, nhiều kẻ khóc lắm người cười. Nhiều người nói rất văn học là ngày điên loạn của vàng, nhưng ngẫm lại vàng không điên...

Những cơn lướt sóng bất động sản, chứng khoán tạm dịu thì cú chơi vàng vừa rồi đánh thức tâm lý bầy đàn trong tư duy kinh tế rất mạnh.                        

Dường như có một sự mất bình tĩnh tập thể, nhiều người lao vào mua vàng, ngoài những tay đầu cơ tạo sóng là chủ động, phần lớn các con mồi đầu tư nhỏ lẻ đều bị hút  vào như cơn say, như cơn nghiện, không biết mình đang bị dụ mua vàng  ở đỉnh để phải bán ở đáy. Cú hạ hỏa của thị trường chiều 11 và sáng 12 vừa qua đã quất sụm nhiều tay lướt sóng, làm tĩnh lại cơn nghiện tập thể. Có người chỉ sau một giờ nghỉ trưa đã bị mất phéng vài chục đến vài trăm triệu đồng. Không mấy ai trong họ hiểu rằng, mình đang bị những kẻ tạo sóng lùa vào trò chơi, để rồi chết chìm trong cảm giác.

Nhưng hậu quả của nó đâu phải chỉ những vị đầu tư nhỏ lẻ chết vì rơi vào bẫy tạo sóng của các đại gia đầu cơ, mà gây nhiều hệ lụy khác lên toàn xã hội. Trong mấy ngày qua, khi người dân xôn xao trước các diễn biến bất thường của giá vàng, thì thị trường hàng tiêu dùng cũng nhảy theo. Giá của các mặt hàng rau củ quả, áo quần, cá, thịt... đều tăng từ 5 đến 10%. Các nhà cung cấp hàng hóa cho hệ thống siêu thị cũng chào hàng tăng khoảng 10%. Một biến động kéo theo khác là tỉ giá VND/USD trên thị trường tự do giảm mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu. Và nó tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Xét lại, có những việc tự người dân tạo ra để tự làm khổ chính mình.

Nhà nước đưa ra nhiều chính sách điều tiết vĩ mô để ổn định thị trường hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu và  kìm chế lạm phát; TPHCM cũng chi ra cả trăm tỷ đồng để  hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm ổn định giá cả các mặt hàng trong dịpTết, nhưng cơn sốt giá vàng vừa qua đã gây ra một phản ứng bất lợi lên thị trường. Giá cả đang tăng và có thể sẽ rất khó kìm được đà tăng của nó. Trong các nguyên nhân gây tăng giá và xáo trộn đó, có nguyên nhân rất tâm lý bầy đàn, đua nhau mà nguyên nhân là thiếu tư duy khoa học về kinh tế.

Lê Chân Nhân