Văn hóa tâm linh và những nghịch lý

Văn hóa tâm linh là một khái niệm mới xuất hiện và vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Mặc dù giới học thuật vẫn còn đang tranh luận, song một thực tế không phủ nhận được là trong thời gian gần đây, văn hóa tâm linh đang có chiều hướng phát triển.

Có ý kiến còn cho rằng, thế kỉ XXI là kỉ nguyên của văn hóa tâm linh.         

 

Tâm linh và văn hóa tâm linh

 

Một số ý kiến nhận định, tâm linh là khái niệm chỉ những hiện tượng liên quan đến thế giới linh hồn của con người sau khi chết, gắn liền với những biểu hiện huyền bí, dị thường và đậm màu sắc mê tín.

 

Có một số ý kiến cho rằng, tâm linh hay văn hóa tâm linh là một phạm trù đặc biệt, bao hàm những giá trị tinh thần phong phú, cao siêu của con người, cao hơn khái niệm đời sống tinh thần. Một nhà nghiên cứu nhận định: “Trong Tâm linh đã hội đủ: Lòng vị tha, Đạo đức, Tinh thần, Ý chí, Linh hồn v.v”.., cho rằng tâm linh là sự tồn tại siêu hình của con người…

 

Theo chúng tôi, tâm linh chính là một biểu hiện trong đời sống tinh thần của con người, với tất cả sự phong phú, phức tạp của nó. Không nên đơn giản hóa tâm linh là mê tín dị đoan, song cũng không nên “thần bí hóa”, “ghê gớm hóa” khái niệm tâm linh, gán cho nó những đặc tính cao siêu, phi thường, coi đó là cứu cánh của nhân loại, của khoa học.                

 

Tất cả những biểu hiện liên quan đến đời sống tâm linh con người sẽ tạo nên văn hóa tâm linh. Cũng như tất cả mọi hiện tượng trong cuộc sống, văn hóa tâm linh cũng có những mặt tích cực và tiêu cực, vì vậy cần có một cái nhìn biện chứng, khách quan để có cách ứng xử hợp lý, phát huy được mặt tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với đời sống cộng đồng.

 

Văn hóa tâm linh trong đời sống cộng đồng người Việt 


Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Văn hóa tâm linh có những biểu hiện vô cùng phong phú, đa dạng trong đời sống của người Việt. Phổ biến nhất là phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân trong mỗi gia đình. “Con người có tổ có tông-Như cây có cội, như sông có nguồn”.

 

Ở phạm vi cộng đồng là tục thờ cúng thành hoàng, các vị thần, các vị tổ sư, các vị anh hùng đã có công với nước, các danh nhân văn hóa…Do ảnh hưởng của các tôn giáo, người Việt tổ chức xây đền chùa, miếu mạo, nhà thờ, giáo đường…và thực hành các nghi lễ cầu cúng. Nhiều công trình, hiện vật liên quan đến văn hóa tâm linh đã trở thành những di sản văn hóa, lịch sử quý giá, nhiều công trình văn hóa tâm linh được xây dựng ở những địa điểm có phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, kì thú trở thành những điểm du lịch hấp dẫn...Nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, dân tộc. 

 

Theo chúng tôi, thế giới văn hóa tâm linh của người Việt được xây dựng theo mô hình “dương sao, âm vậy-trần sao, âm vậy”. Vì vậy, nên coi đây là quan niệm xuất phát để tìm hiểu về mô hình thế giới tâm linh của người Việt.       

 

Hình thành từ xã hội nguyên thủy, người Việt có tín ngưỡng bách thần “thần cây đa, ma cây gạo”, gán cho các thế lực siêu nhiên, các sự kiện chưa giải thích được là các vị thần. Thế giới thần linh bao gồm thần Sông, thần Núi, thần Biển, thần Lửa, thần Sấm Sét…và còn có cả thần Bếp, thần Tài, thần Nhân duyên…Nhân gian có người xấu người tốt nên các vị thần cũng có thần Thiện và thần Ác, có thánh thần luôn giúp người và cũng có ma quỷ chuyên hại người.

 

Do ảnh hưởng của xã hội phong kiến, thế giới tâm linh cũng được hình dung theo một mô hình tổ chức tương tự: trên có Ngọc Hoàng Thượng Đế, có các vị Thần bề tôi với các cơ quan chuyên trách, giữa có thế giới người trần mắt thịt và dưới đất có Diêm Vương phụ trách việc xét xử những linh hồn của con người trần gian.

 

Số mệnh có thể được hiểu như là kết quả “lập trình” của một vị thần chuyên trách, và nhiều khi bất cẩn, thiên vị nên vị thần này cũng gây ra bao điều ngang trái, oái ăm.

 

Người Việt cho rằng người xấu sau khi chết sẽ được xét xử, ai tốt sẽ được lên Thiên đường hay cõi tiên, được đầu thai, có kiếp sau sung sướng, ai xấu sẽ bị trừng phạt, kiếp sau phải chịu khổ. Và linh hồn của tiền nhân, của tổ tiên luôn bên cạnh con cháu, chứng giám, độ trì cho con cháu.   

 

Vì quan niệm “trần sao âm vậy” nên mới có những tục lệ như chia của cho người chết, chôn theo người chết tiền bạc, các đồ dùng, rồi nghi lễ đốt vàng mã cũng là một cách để “tiếp tế” cho người chết. Có gia đình trước mỗi bữa ăn con cháu đều cất lời mời bà ngoại mới mất về ăn cơm.

 

Văn hóa tâm linh có những mặt tích cực không thể phủ nhận trong đời sống cộng đồng. Đó là sợi dây cố kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái, vị tha, ý thức hướng thượng, hướng thiện.

 

Các tôn giáo khác nhau về giáo lý song đều gặp nhau ở tinh thần nhân ái, khoan dung, triết lý nhân bản.

 

Văn hóa tâm linh là chỗ dựa về mặt tinh thần, xoa dịu những đau thương mất mát, đem lại niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao cả, thiêng liêng, giúp con người chiến thắng nỗi sợ hãi trước cái chết, đem lại sự thanh thản, cân bằng cho tâm hồn. Có thể hình dung yếu tố tâm linh tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa cộng đồng, dân tộc.

 

Và những nghịch lý

 

Những nghịch lý, mặt trái của văn hóa tâm linh xuất phát từ chính quan niệm gốc “Dương sao âm vậy-Trần sao âm vậy”. Như vậy, cõi trần gian quyết định hình hài của cõi âm chứ không phải ngược lại, hay chính con người đã sinh ra Thượng đế. Một ví dụ sinh động nhất là chính con người với công sức, tài hoa của mình đã tạo nên đình chùa, miếu mạo chứ đó không phải là phép màu của Thần Phật.

 

Vì “trần sao âm vậy” nên rất nhiều người Việt đã “suy bụng ta ra…bụng thần”, áp đặt cách ứng xử nhuốm màu sắc tiêu cực của trần tục vào chốn linh thiêng. Người ta chen chúc nhau đến các đền chùa, mang theo lễ vật hậu hĩnh để mong được thánh thần phù hộ, giải hạn, trừ tà, cầu tài cầu lộc, làm ăn phát tài.

 

Phải có lễ mới thể hiện được lòng thành, lễ vật càng nhiều, tỷ lệ “phù hộ” càng cao, đâu có khác gì chạy chọt, tiêu cực ở ngoài đời. Có thể hình dung nhiều người viết sớ, sắm lễ, bưng lễ thuê như đội quân “cò” đông đảo trong xã hội ngày nay.                         

 

Tình cờ được đọc một tờ sớ, chúng tôi không khỏi buồn cười. Người phụ nữ liệt kê có hai xe khách chạy các tuyến, và một xe SH đang chờ cấp biển số, mong “ngài” phù hộ cho một biển số đẹp.

 

Nhiều người đến cửa đền chùa mới bất ngờ được các thấy bói, cô đồng cho biết là năm nay bị hạn, do một bất ổn nào đó ở cõi âm hay do vì sao có cái tên lạ hoắc “chiếu” vào, vì vậy cần phải “giải hạn”. Thật hú vía, và cũng thật bất hạnh thay cho những ai đó không đến đền chùa, không biết để mà sắm lễ nhờ “thầy, cô” giúp cho “tai qua nạn khỏi”.    

 

Lễ khai ấn đền Trần, vốn để tưởng nhớ một tục lệ có tính chất hành chính ngày xưa là các nhân viên nhà nước bắt đầu công việc, bỗng nhiên trở thành một “cơ hội vàng” để cầu mong phù hộ thăng quan tiến chức. Người ta chen chúc, giẫm đạp, tranh cướp nhau để có được một chiếc ấn tượng trưng, để yên trí rằng mình đã được phù hộ độ trì. Ai không chen được, cướp được thì…mua.

 

Với tâm lý cầu mong con cái học giỏi, tấn tới, nhiều người dân “vào cuộc” rất hăng hái, hàng chục vạn người chen chúc trong một không gian không lấy gì làm rộng từ nửa đêm, khiến tình hình trở nên vô cùng hỗn loạn.

 

Xin thưa cùng các “con nhang đệ tử rằng”, nếu như có một đấng linh thiêng toàn năng, chắc ngài sẽ hiểu thấu mọi tâm tư, ước vọng của nhân gian, và sẽ phù hộ độ trì mọi chúng sinh, khuyến thiện, trừng ác không cần ai phải đến tận nơi cầu cạnh, xin xỏ. Còn nếu phải cầu, phải “chạy chọt” mới được độ trì, thì đấng thần linh ấy đâu xứng được tôn thờ.   

 

Đấng thần linh chí thiện, chí nhân sẽ chỉ phù hộ cho những người tốt, những hành vi nhân ái, cao cả, còn những kẻ bất nhân, làm ăn phi pháp thì dù có cầu cúng, lễ vật bao nhiêu cũng bị từ chối. Cha ông ta đã từng nhắc nhở: “Dù xây chín bậc phù đồ-Không bằng làm phúc cứu cho một người”. “Tu đâu lại bằng tu nhà-Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”. Đó là sự khẳng định nguyên lý nhân bản trong văn hóa tâm linh.            

 

Thần linh phép thuật vô lượng, biến hóa vô cùng, phân thân khắp chốn nên không cần thiết như người đi “chạy việc”, “chạy chức”, “chạy án”, “tạ ơn”… phải đến tận “dinh”, “phủ” và đem theo lễ vật.

 

Đã thần linh thì cần gì lễ vật, các vị muốn gì chả có, muốn bao nhiêu chả được; người xưa chả bảo “lễ bạc lòng thành” đó sao? Vị cao tăng trụ trì chùa Hương đã nói: Khách đến chùa nên chỉ mang theo một nén hương, và không cần mang theo bất cứ lễ vật gì cũng tốt.                         

 

Thế nhưng, những ý kiến đó đâu có “thấu” được đối với những người đã coi việc cầu cúng, đi lễ, hành hương như một “điều  tất yếu của cuộc sống”. Bởi vì, cơ sở của tâm linh là niềm tin, họ không băn khoăn nhiều lắm về những đạo lý cao xa, những nguyên lý khoa học “đau đầu”, “rắc rối”. Tâm lý hành động theo đám đông, suy nghĩ đơn giản chính là cơ sở của những hành vi mê tín, phản khoa học.                                                           

 

Nơi thờ tự thần linh là chốn thanh tịnh, thoát tục, thế nhưng không ít người đã làm vẩn đục với những hành vi nhuốm màu con buôn, tiêu cực. Người ta lấy đồng tiền làm thước đo của lòng thành, làm giá trị để “mặc cả” với thần linh: công đức, vứt tiền xuống giếng, đút tiền vào tay, chân tượng thần, rải tiền xuống khe suối, mua lễ sang, “boa” cho thầy bói hậu hĩnh, thắp nhiều hương, đốt nhiều vàng mã…Lợi dụng tâm lý này, nhiều kẻ đã xây rất nhiều chùa giả, điện thờ giả với mục đích thu tiền công đức của du khách, sau chính quyền phải ra tay dẹp bỏ.                       

 

Số lượng người tham gia lễ hội quá đông, nhà vệ sinh không đáp ứng nổi, thế là du khách phóng uế bừa bãi xung quanh di tích, có nơi sau hàng tuần lễ còn mùi hôi thối nồng nặc. Sau mùa lễ hội, nhiều di tích thành một “bãi chiến trường” rác, nhân viên không thể thu dọn hết. Hành xử như thế, thánh thần còn không trừng phạt cho là may, nói gì phù hộ.            

 

Người ta đốt vàng mã cho người chết gồm quần áo, giày dép, tiền bạc chưa đủ, còn đốt thêm xe hơi, nhà lầu, điện thoại di động, thậm chí còn đốt cả vợ lẽ, bồ nhí, cổ vũ cho lối sống hưởng thụ, thác loạn nơi âm giới! Ở nhiều nước không có tục đốt vàng mã, chẳng lẽ người thân của họ đều đói khát, rách rưới cả? 

 

Một vài suy nghĩ

 

Dòng người đông đảo chen chúc nhau đến nơi chùa chiền, thờ tự để cầu tài, cầu lộc không phải là một tín hiệu vui đối với văn hóa.                                                      

 

Một mặt, số người đến chùa đền quá đông đã gây nên tình trạng quá tải, làm ô nhiễm, hủy hoại môi trường, tàn phá di tích và phát sinh các hành vi tiêu cực, phạm pháp như buôn bán, giữ xe theo kiểu móc túi, chặt chém, rồi trộm cắp, giả dạng ăn xin hoành hành.

 

Trong thời kinh tế suy thoái, mọi chi tiêu đều cần dè sẻn thì người ta đã lãng phí thời giờ, tiền bạc một cách không thể tưởng tượng cho nhu cầu tâm linh.          

 

Mặt khác, hậu quả nguy hại nhất là đã làm gia tăng tình trạng mê tín dị đoan, lối suy nghĩ và cách hành xử tiêu cực, chạy theo các giá trị vật chất hiện sinh, cách ứng xử gian dối, phủ nhận khoa học, coi thường lao động, sự trung thực và những giá trị chân chính của cuộc sống.

 

Người đến chùa chiền, lễ hội chỉ cầu lộc, cầu tài, cầu may mắn, cầu thăng quan tiến chức, bán đắt buôn may, trúng dự án, tránh thanh tra…không mấy ai cầu Trí, cầu Nhân, cầu Dũng, cầu Liêm. Giả sử có người cầu thế, không khéo sẽ bị đám đông chê cười là “không bình thường”.

 

Kẻ học hành lười nhác nghĩ rằng mình đã được thần linh phù hộ, kẻ tham nhũng, làm ăn phi pháp cho là mình đã được độ trì, quan chức tiêu cực yên trí là mình đã có “chỗ dựa”…Có kẻ làm ăn bất chính nên không tiếc tiền công đức, coi như mình đã “ăn chia” chu đáo với thần.

 

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng: “Các đối tượng thiêng liêng chỉ còn là một thứ quyền lực mà họ phải hối lộ và việc hành hương đến một địa điểm thiêng liêng, tham dự một lễ hội chỉ còn là một chuyến tham quan mà thôi”. (Báo Lao động ngày 11/2/2009).

 

Đầu tư quá mức cho việc xây dựng chùa chiền, đúc chuông, tô tượng, chi phí lớn cho lễ vật, công đức sẽ khiến nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội bị giảm sút. Đức Phật từ bi vui sao được khi mà chùa được xây quá hoành tráng, tốn kém, trong khi bệnh viện lại nhếch nhách, tồi tàn, người bệnh nghèo vật vã, đau đớn; trường học cho trẻ em xập xệ, đường sá của dân gập ghềnh, hiểm nguy.

 

Thế nhưng vẫn có không ít bài báo ca ngợi những kỉ lục kiểu như “ngôi chùa to nhất, bức tượng cao nhất, ngôi chùa xây tốn kém nhất, nhiều tượng nhất, ngọn tháp cao nhất…”.              

 

Mấy năm gần đây, tình trạng buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan ngày càng gia tăng, sự “lạm phát” các nhà ngoại cảm với năng lực “siêu phàm” đã được báo chí khẳng định. Sau một thời gian “hô mưa gọi gió”, các “nhà ngoại cảm” đã dần dần rơi rụng hết năng lực “kì diệu” theo đồn thổi mà lộ rõ chân tướng lừa đảo, ngay cả đối với những người nổi tiếng nhất.              

 

Chưa nhận thức được bản chất, tính hai mặt của văn hóa tâm linh, chậm trễ trong khi đối phó với những hành vi mê tín dị đoan, cho rằng đây là một hiện tượng “nhạy cảm” nên ngại can thiệp, thậm chí coi việc quảng bá “du lịch tâm linh” như một phương án hay để tạo nguồn thu…đã dẫn đến những hậu quả nói trên.

 

Khó khăn lớn nhất trong cuộc chiến chống mê tín dị đoan hiện nay là bởi tất cả những người mê tín chấp nhận tính “phi lý”, “tiên đề” của hiện tượng. Vì vậy, mọi phân tích lôgic, khoa học đều như “nước đổ lá khoai”.

 

Đức Khổng Tử, ông tổ của Nho giáo từng nói: “Chỉ có con người là trung tâm của trời đất”. Giáo sư Trương Quang Đệ cũng phát biểu “Một thế giới hiện đại theo đúng nghĩa được mọi người chấp nhận phải là một thế giới duy lý”. Đó là những điều rất đáng suy ngẫm.

 

Trần Quang Đại

 

 

LTS Dân trí - Trong hoàn cảnh một đất nước còn nghèo như chúng ta, lại gặp thời buổi kinh tế toàn cầu suy thoái, vậy mà triền miên những ngày sau Tết toàn là những lễ hội…Đập vào mắt mọi người là những bộ lễ phục diêm dúa, khoa trương và những điệu múa pha chất đồng bóng của các bà cô…Đấy là chưa kể những lễ vật và những lời cầu xin của khách thập phương khấn cầu các Thần Thánh…thì đầy màu sắc vụ lợi và mê tín dị đoan, đúng như tác giả bài viết trên đây phản ảnh và phân tích.

 

Các cấp quản lý chính quyền, nhất là quản lý trực tiếp ngành văn hóa cần quan tâm nhiều hơn đến việc uốn nắn những mặt trái của các lễ hội, tránh phô trương hình thức, gây tốn kém; đặc biệt cần bài trừ và nghiêm cấm mọi hình thức hoạt động mê tín dị đoan.

 

Tôn trọng đời sống tâm linh của người dân là cần thiết nhưng điều đó không có nghĩa là chấp nhận việc “buôn thần bán thánh” trong một xã hội văn minh.