Văn hoá đọc trong trường phổ thông: Nỗi niềm ai tỏ
Gần đây, dư luận quan tâm nhiều đến văn hoá đọc. Đã có nhiều bài báo lên tiếng báo động về sự xuống cấp của văn hoá đọc. Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho biết: “…thực tế mỗi người Việt chỉ mua 0,6 quyển sách/năm”
Trong các nhà trường phổ thông, thực trạng cũng không mấy sáng sủa. Là một giáo viên (GV) Văn bậc THPT, với cách nhìn của một người trong cuộc, tôi xin trao đổi về một số vấn đề liên quan đến văn hoá đọc trong nhà trường.
Giáo viên đọc gì?
Nghề GV như con ong hút nhụy từ kho tàng tri thức nhân loại để rồi truyền thụ cho các thế hệ học trò. Ngay như trong nghệ thuật, hình ảnh người thầy được khắc hoạ theo một mô típ phổ biến là đêm đêm mệt mài bên trang giáo án hay tập bài của học sinh (HS). Tự học và học suốt đời chính là đặc thù của nghề giáo. Lịch sử giáo dục đã có biết bao nhà giáo uyên bác, được mệnh danh là “từ điển sống” khiến cho học trò vô cùng khâm phục, ngưỡng mộ, coi là tấm gương để suốt đời noi theo. Được học với những thầy giáo tài ba là niềm hạnh phúc lớn lao của mọi học trò.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Dĩ nhiên là GV có thể đọc sách, báo ở thư viện nhà trường, nhưng thư viện nhiều trường cũng lâm vào tình cảnh “vườn không nhà trống”: sách vở, tài liệu thiếu thốn đến thảm hại, phòng ốc chật chội, nóng bức…Trường chúng tôi là trường lớn, có hơn 2.000 HS và 100 GV nhưng thư viện chỉ có một phòng đọc bé tí, sách vở hầu như không có gì. Riêng bộ môn Văn chỉ có vài cuốn tiểu thuyết sờn gáy từ thời bao cấp để lại, mấy quyển bài văn mẫu, chỉ có mỗi tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, còn ngoài ra không hề có thêm một loại tạp chí chuyên ngành nào khác, không có báo, tạp chí của địa phương... Không phải nhà trường không có kinh phí, vấn đề là ở chỗ người ta không quan tâm đầu tư xây dựng thư viện, có lẽ vì suy nghĩ: đọc lắm cũng chẳng ích gì! Điều lạ là ở chỗ, thư viện như vậy những không có GV nào có ý kiến phản đối, thắc mắc gì cả. Chuyện GV mua máy vi tính, rồi nối mạng Internet để khai thác thông tin... hãy còn hiếm hoi.
Thực ra, cũng có một số trường vẫn đầu tư cho thư viện, song còn nặng về hình thức chứ chưa thực sự phát huy được hiệu quả để làm chuyển biến chất lượng dạy học.
Một số GV do sinh kế, phải bươn chải làm thêm những việc ngoài chuyên môn để tăng thu nhập, vì vậy càng không có điều kiện để học hỏi, nâng cao trình độ.
Ít đọc, ít rèn luyện trau dồi nên trình độ chuyên môn của GV cứ cùn mòn dần đi, không thể có sáng tạo và nâng cao chất lượng giáo dục. Người GV ít trau dồi chuyên môn sẽ trở thành cái máy dạy, đôi khi nhìn bề ngoài có vẻ rất bài bản, chỉn chu nhưng thực chất thì không hiệu quả gì mấy. Ví dụ: GV đó vẫn lên lớp rất nghiêm túc, chữ viết đẹp, hỏi bài cũ đàng hoàng, giảng bài lên bổng xuống trầm hùng hồn…nhưng chỉ có chừng ấy, với những thứ đã thuộc lòng và lặp đi lặp lại 100% ở tất cả các giờ khác, lớp khác, không hề biết và không thể điều chỉnh nội dung, phương pháp cho phù hợp với đối tượng HS cụ thể, không thể mở mang thêm kiến thức cho HS và hầu như không trả lời được những câu hỏi “ngoài luồng” của HS.
Nhiều GV không tiếp cận được những thông tin mới, những thành tựu nghiên cứu khoa học mới thuộc chuyên môn của mình. Có những GV Văn hầu như đã bị tách ra khỏi đời sống văn hoá, văn học đương đại của Việt Nam và thế giới. Nhiều khi nghe tên một nhà văn, một nhà thơ (là Hội viên hội nhà văn Việt Nam) song nhiều người không biết đó là ai, nam hay nữ và rất nhiều tên tác phẩm văn học nổi tiếng, các tạp chí chuyên ngành…mà nhiều GV Văn còn chưa nghe nói đến.
Vốn kiến thức nghèo nàn của GV đã gây nên không ít câu chuyện bi hài: có những GV đã dạy đi dạy lại một bài thơ ngắn hàng chục lần nhưng vẫn không thuộc, lên lớp cứ kè kè cuốn SGK để vừa đọc, vừa giảng giải…Nhiều GV chưa thuộc giáo án nên vừa dạy vừa mở giáo án để sẵn trên bàn, thỉnh thoảng phải xem để… giảng tiếp. Nhiều GV vẫn trung thành với phương pháp đọc chép bởi họ không biết giảng giải, hay không biết cách hướng dẫn cho HS con đường để tiếp cận kiến thức, mà chỉ biết mớm cho HS những thứ mà mình đã nhai sẵn. Một số GV văn nói về các văn bản trong chương trình thì thao thao bất tuyệt nhưng gặp một tác phẩm mới thì “bó tay”. GV Toán có khi viết bài tập lên bảng, nhưng loay hoay mãi vẫn không giải được, đến khi trò kêu lên: “Thầy ơi, lời giải chúng em đã tìm ra đây rồi!”. Một GV Văn trong giờ thao giảng nhưng chỉ biết đọc lại phần chú thích đã in trong SGK, một GV Anh văn thì viết lên bảng sai rất nhiều từ. Đã có hiện tượng HS “nổi loạn” đòi đổi GV, thậm chí có nhiều HS khi biết thầy giáo nọ được phân công dạy lớp mình đã khóc. Hiện tượng GV “đứng nhầm lớp” không hề cá biệt mà thậm chí đã đến mức báo động. Đây đang là một bài toán nan giải của ngành giáo dục.
Trong những mối quan hệ như bòng bong ở các trường phổ thông cũng như các cơ quan công sở nói chung, nhiều người không chịu trau dồi về nghề nghiệp mà lại tìm cách củng cố vị trí bằng cách thiết lập các mối quan hệ với lãnh đạo cơ quan hay lãnh đạo cấp cao hơn. Chuyện rằng có vị hiệu trưởng nọ vốn rất nghiêm khắc với GV, duy chỉ có một GV nữ õng ẹo và muốn làm gì thì làm. Vì sao, chắc ai cũng rõ.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể yêu cầu GV cái gì cũng biết, song không thể chấp nhận hiện tượng GV quá thờ ơ với cuộc sống và có phông văn hoá quá thấp như vậy. Hiện tượng HS ngồi nhầm lớp phải chăng bắt nguồn từ chính những GV “đứng nhầm lớp”?
HS lấy gì để đọc?
Hiệu trưởng một trường nọ vốn là GV Văn thường hứa với một số lớp rằng nhà trường sẽ mở cửa thư viện cho các em đọc sách. Song thực tế là ngay cả GV cũng chưa có đủ sách và chỗ ngồi để đọc sách, nói gì đến HS. Nhiều người đã nói đến bài toán kinh phí của GV khi đầu tư mua sắm sách vở khi mà đồng lương chưa đủ sống. GV còn như vậy, việc HS có tiền để mua sách hãy còn xa vời. Dĩ nhiên là do nhu cầu học tập, HS sẽ mua các quyển sách bài tập, bài làm văn mẫu, bộ đề…nhưng những cuốn sách này thường bị dư luận và các GV lên án là “lợi bấp cập hại”. Các loại báo, tạp chí…lại còn thiếu thốn hơn nữa. Vốn hiểu biết xã hội của HS vùng nông thôn, vùng khó khăn đặc biệt hạn chế. Không có sách báo để đọc trong một thời gian dài, HS không có thói quen đọc sách, và hiện tượng phổ biến là GV hỏi gì cũng lắc đầu. Văn hóa đọc được “hâm nóng” lên một dạo khi có các cuộc vận động đọc các cuốn sách của Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm, song kết quả rất hạn chế. Hãy cứ làm một thống kê xem tỷ lệ HS phổ thông đã đọc trọn vẹn hai cuốn sách trên là bao nhiêu, chắc hẳn sẽ có không ít người giật mình.
Dĩ nhiên, quĩ thời gian của HS hết sức eo hẹp để có thể đọc sách, mở mang kiến thức. HS lớp 10 bây giờ học đến 15 môn, môn nào cũng “quan trọng”, mỗi ngày học 5 tiết, ngoài ra còn lao động, học thêm, hoạt động tập thể và phụ giúp gia đình lao động… Như vậy, mỗi HS chỉ có thể dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tự học mỗi môn học, hỏi còn thời giờ đâu mà đọc sách, vui chơi? Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng HS của chúng ta đã đánh mất thói quen đọc sách. Một chủ quán Internet nói: “Tôi chỉ thấy HS lên mạng để “chát chít”, chơi game, nghe ca nhạc… chứ không thấy em nào đọc sách báo cả”.
Tình trạng nội dung học bậc phổ thông quá tải đã được cảnh báo từ lâu, song trong chương trình giáo dục mới, nó không hề được cải thiện và ngày càng trở nên trầm trọng. HS phải học rất nhiều, nhưng khối lượng kiến thức được chuyển hoá không nhiều, “học xong trả lại cho thầy”. Vì vậy, việc học lệch, học thêm là không thể tránh khỏi. Những lỗ hổng về kiến thức này đã lộ ra khi Bộ GD-ĐT xiết chặt kỉ cương thi cử, đã có khoảng 400.000 HS hỏng tốt nghiệp THPT, trong khi năm trước, tỉ lệ đậu rất cao, xấp xỉ 100%. Hiện tượng các thí sinh thi vào đại học đạt điểm số môn lịch sử rất thấp mà dư luận gọi là “thảm họa môn sử” góp thêm một tiếng chuông báo động. Các cuộc thi kiến thức như Rung chuông vàng trên VTV…đã cho thấy những ấu trĩ trong nhận thức của sinh viên. Trong một cuộc thi kiến thức ở địa phương, HS không thể trả lời được đường quốc lộ 1 đã chạy qua những huyện thị xã nào trong tỉnh.
Một vài suy nghĩ
Như vậy, có thể thấy trong các trường phổ thông hiện nay không thực sự tồn tại khái niệm văn hóa đọc. Chi li hơn thì khái niệm này được hiện thực hóa không rõ nét trong đội ngũ GV và hầu như không hề tồn tại đối với HS. Những HS xuất sắc, học giỏi toàn diện như trong cuộc thi Đường lên đỉnh Ôlimpia chỉ là cá biệt. Hậu quả của sự suy thoái về văn hoá đọc vừa nhãn tiền, vừa để lại những di chứng nặng nề trong tương lai.
Mục tiêu giáo dục toàn diện của chúng ta rất khó thành hiện thực, hoặc chỉ đạt được trong một mặt bằng kiến thức rất thấp. Qua trao đổi với nhiều người và từ những hiểu biết trong lĩnh vực giáo dục của mình, chúng tôi đã nhận thấy tình trạng phân hoá sâu sắc trong trình độ của HS, sinh viên ngày nay. Tình trạng này rất dễ nhận thấy khi so sánh kiến thức, kĩ năng giữa HS các trường chuyên với HS các trường bình thường, giữa HS thành thị với HS nông thôn, vùng sâu vùng xa. Ngay trong một lớp học cũng có một số HS, sinh viên học rất giỏi (dĩ nhiên là chỉ một số môn) và có rất nhiều HS, sinh viên ngồi nhầm lớp. Có nghĩa là trình độ HS, sinh viên hôm nay về mũi nhọn thì có khá hơn trước, song về mặt bằng chung lại thấp hơn.
Đã đến lúc ngành giáo dục phải có một cuộc khảo sát toàn diện về thực trạng văn hoá đọc trong trường phổ thông(và cả các trường đại học), nghiên cứu kĩ các nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả cao. Có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó không thể không tính đến việc xây dựng một nền văn hoá đọc lành mạnh, tích cực, thắp lên ngọn lửa của niềm say mê trí tuệ, văn hoá, thái độ trung thực, tình yêu lao động cho GV và HS-sinh viên.
Trọng Nghĩa
LTS Dân trí - Nhà trường vốn là môi trường văn hóa, vậy mà việc không còn tồn tại trên thực tế khái niệm “văn hóa đọc” thì quả thật là điều đáng suy nghĩ. Hơn thế, hiện tượng đó đã trở thành phổ biến không những đối với HS mà đối với cả GV thì thật đáng báo động.
Những nguyên nhân gây nên tình trạng đó đã được tác giả bài viết trên đây nêu lên khá đầy đủ: đó là cách thức quản lý chuyên môn và đánh giá chất lượng bài giảng quá cứng nhắc, khuôn sáo, không khuyến khích sự sáng tạo của GV; thư viện nhà trường quá nghèo nàn; chương trình quá nặng nề đối với HS, khiến các em không còn thời gian để đọc sách.
Không biết Bộ GD-ĐT có nắm được tình hình sa sút nghiêm trọng về văn hóa đọc trong nhà trường hay không ? Thiết nghĩ đấy cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm suy giảm chất lượng dạy và học mà cần được quan tâm và khắc phục kịp thời.