Văn hoá doanh nghiệp là yếu tố quyết định trong cạnh tranh

Xây dựng văn hoá doanh nghiệp (DN) là việc làm quan trọng, tạo nên hình ảnh khó quên của mỗi DN. Tuy nhiên, ở nhiều DN Việt Nam việc này vẫn chưa được coi trọng đúng mức.

Dưới đây là cuộc trao đổi với ông Lê Quý Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bắc Hà (BAK Group), một DN khá thành công trong việc xây dựng thương hiệu của mình chỉ trong vòng 7 năm qua.
 
Ông quan niệm thế nào về văn hoá DN?

Văn hoá DN là một tổng thể phức tạp, bao gồm rất nhiều yếu tố cấu thành và quan hệ biện chứng với nhau để tạo nên sự khác biệt và khẳng định vị thế của DN trên thương trường. Những yếu tố cơ bản tạo nên giá trị và sự khác biệt của DN gồm tri thức, kiến thức của người lãnh đạo và của đội ngũ nhân viên; đạo đức, phong cách sống của từng cá nhân và tập thể; quy chế, nội quy được ban hành. 
 
Bên cạnh đó, việc vận dụng tập quán, tín ngưỡng của mỗi vùng, miền cũng ảnh hưởng trực tiếp tới từng cá nhân trong DN. Ngoài ra, sự hiểu biết về những giá trị thẩm mỹ cũng được vận dụng để biểu hiện về mặt hình thức đối với mỗi DN như logo, khẩu hiệu thương mại, bài trí văn phòng, phong thái giao tiếp... Và cuối cùng, một yếu tố đáng lưu tâm là thái độ ứng xử với khách hàng cũng như người tiêu dùng của mỗi DN cũng chính là biểu hiện của văn hoá DN.
 
Vậy việc xây dựng văn hoá có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi DN?

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Văn hoá DN chính là một trong những yếu tố cơ bản để xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu. Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến giá cả, mà còn quan tâm đến thương hiệu nữa. Những thương hiệu đã đạt tới đỉnh cao, chiếm được cảm tình của người tiêu dùng chính là nét văn hoá tạo nên phong cách riêng, thương hiệu riêng của DN. Chính văn hoá mới là “cửa mở” cho mỗi DN hội nhập trong nước và quốc tế. Khi công nghệ đã toàn cầu hóa, mặt bằng giá cả đã được xác lập, thì chính văn hoá sẽ là yếu tố quyết định chiến thắng trong cạnh tranh.
 
Theo ông, các DN phải làm gì để xây dựng văn hoá cho riêng mình?

Trách nhiệm xây dựng văn hoá DN thuộc về “ông chủ” của DN đó. Trí tuệ, phẩm chất, trình độ nghiệp vụ của chủ DN sẽ quyết định tầm văn hoá của DN. Phải bằng nhiều yếu tố mới có thể xây dựng nên văn hoá DN. Chính vì vậy, không thể một sớm một chiều mà có ngay một nền văn hoá của một DN được. Văn hoá DN thuộc phạm vi ý thức, phụ thuộc vào nhận thức và quá trình chuyển hoá từ nhận thức đến thực tế trước hết của người đứng đầu DN và sau đó là của các nhân viên trong DN.
 
Ở BAK Group, văn hoá DN đã được xây dựng như thế nào, thưa ông?

BAK Group bắt đầu hoạt động từ năm 2001 từ 1 đơn vị là Công ty Hội chợ Triển lãm Bắc Hà (chỉ có 5 nhân viên). Tới nay, BAK Group đã có 5 đơn vị thành viên độc lập và 2 đơn vị trực thuộc với hơn 110 nhân viên, trong đó 90% có trình độ đại học và trên đại học. 
 
Với cương vị là Chủ tịch HĐQT BAK Group, tôi có trách nhiệm xây dựng cho DN có một nền tảng văn hoá riêng biệt thể hiện ở các yếu tố đã nói ở trên. Điều quan trọng là phải kiên định với ý tưởng ban đầu và thể hiện bằng hành động từ những việc nhỏ nhất. Những thành quả của BAK Group trong 7 năm qua là nhỏ bé so với cộng đồng các DN Việt Nam, nhưng với chúng tôi đó là sự động viên to lớn.

Hồng Anh
Theo Báo Đầu tư

LTS Dân trí - Xây dựng nền tảng văn hóa do mình và của chính mình, làm nên sắc thái của riêng mình là yếu tố hàng đầu khẳng định thương hiệu của mỗi doanh nghiệp, khiến cho khách hàng nhớ mãi và đến với doanh nghiệp ngày càng đông. Đấy cũng là phong cách kinh doanh văn minh trong thời hiện đại khi mà ranh giới hành chính quốc gia hầu như bị xóa bỏ trong hội nhập thương trường quốc tế.

Thực tiễn đã cho thấy doanh nghiệp nào biết coi trọng xây dựng nền tảng văn hóa trong kinh doanh thì doanh nghiệp ấy sẽ phát triển bền vững và có cơ hội ngày càng mở rộng sự thâm nhập vào thị trường trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp hiện nay của nước ta chưa biết coi trọng văn hóa kinh doanh, kể cả một số doanh nghiệp lớn. Nếu còn thái độ cửa quyền trong kinh doanh để cho người dân còn phải oán thán thì làm sao “đánh bóng” được thương hiệu của mình dù đấy là tập đoàn này hay tập đoàn nọ.

Nhiều khi ở vị trí độc quyền thì dễ sinh ra thói “kẻ cả” hay tính cách “ban phát” hoàn toàn trái với bản chất của văn hóa kinh doanh.