Vận động học sinh Đan Lai tới trường: Thực trạng và giải pháp

(Dân trí) - Không đủ ăn, không có người chăm nuôi. Tất cả các em đi học chỉ có người không, còn quần áo chỉ nhất bộ trong người, gạo, thức ăn không có gì mang theo cả.

Thực trạng về học sinh Đan Lai ở Con Cuông

Theo số liệu thống kê dân số ngày 1/4/2009, người Đan lai, có gần 700 hộ với gần 3.300 khẩu. Đan Lai là tộc người duy nhất thuộc dân tộc thiểu số ít người đang sinh sống tại các ngọn khe, suối sát biên giới Việt - Lào của huyện Con Cuông. Do sống cách biệt với thế giới bên ngoài và cả những hủ tục, tập quán lạc hậu, phương thức sản xuất đang ở dạng tự nhiên, nên đời sống vô cùng khó khăn.

Quanh năm đói ăn, thiếu mặc. Trong số gần 1.000 em trong độ tuổi đến trường, việc huy động học sinh đến các lớp mầm non hay tiểu học còn có điều kiện hơn vì chủ trương mở lớp tới tận các bản. Còn vận động các em đi học lên Trung học cơ sở và trung học phổ thông quả là quá gian nan vất vả, bởi do cả nhận thức, tập quán và cả lý do kinh tế chi phối.
Vận động học sinh Đan Lai tới trường: Thực trạng và giải pháp - 1
Học sinh Đan Lai giữa đại ngàn vườn quốc gia Pù Mát (Ảnh: Nguyễn Duy)

Đón đầu được những khó khăn trong việc huy động các em học sinh Đan Lai đến trường đúng thời gian, ngay từ đầu tháng 8 năm 2010, Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Môn Sơn đó thành lập tổ công tác do đồng chí phó hiệu trưởng làm trưởng đoàn, đến với các bản có học sinh Đan lai để vận động các em đến trường.

Ngày tựu trường 16/8/2010 chỉ có 17 em học sinh các bản vùng khe Khặng có mặt tại trường nhưng chỉ học được mấy buổi thì đã có 13 em bỏ về với lý do: Không đủ ăn, không có người chăm nuôi. Tất cả các em ra đi học chỉ có người không, còn quần áo chỉ nhất bộ trong người, gạo, thức ăn không có gì mang theo cả. Không riêng trường Trung học cơ sở Môn Sơn mà các trường có học sinh Đan Lai như: Trung học cơ sở Châu Khê; Lạng Khê, Thạch Ngàn, Lục Dạ.. cũng rất gian nan trong việc huy động học sinh đến lớp.

Những giải pháp đã tiến hành

Nhận thấy nếu để tình trạng học sinh Đan Lai bỏ học nhiều như vậy vừa ảnh hưởng đến nhiệm vụ huy động, duy trì sĩ số học sinh, công tác phổ cập giáo dục của nhà trường vừa ảnh hưởng đến chính sách dân tộc đối với học sinh Đan Lai. Không để các em đến trường vừa đói ăn, vừa thiếu quần áo, sách vở, Chi bộ, Ban giám hiệu, công đoàn nhà trường đã tìm nhiều giải pháp như: thành lập Ban vận động ủng hộ học sinh Đan Lai do đồng chí Phó hiệu trưởng làm trưởng ban.

Từ khi Ban vận động được thành lập, trường đã kết hợp cùng với UBND xó Môn Sơn ngược dòng sông Giăng vận động các em trở lại trường, chuyến công tác đó có 19 em đã cùng các thầy, cô giáo trở lại ngôi trường học tập. Để tổ chức được việc học tập, nơi ăn chốn ở cho 41 em học sinh Đan Lai quả là một điều khó khăn khi kinh phí cấp về muộn. Từ 690 kg gạo ủng hộ của Đồn 555 và Hội phụ nữ xã ủng hộ, nhà trường đã bố trí người nấu ăn cho 23 em học sinh nội trú bằng cách vận động bảo vệ nhà trường vừa làm công tác bảo vệ vừa nấu ăn cho học sinh.

Công đoàn nhà trường đã vận động giáo viên và học sinh ủng hộ quần áo sách vở, tiền… Kết quả có 83 quyển vở, sách giáo khoa; 23 bộ quần áo; 580.000 đồng và nhiều giày dép, đồ đi mưa, cặp sách; mua sắm chăn màn, gường cho học sinh nội trú…Bên cạnh đó nhà trường cũng vận động được 2 đơn vị THCS Trà Lân, THCS Thị Trấn quyên góp, ủng hộ 128 bộ quần áo.

Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, nhà trường cũng quan tâm đến đời sồng tinh thần của các em bằng các hình thức: Đa dạng các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, tổ chức sinh hoạt nội trú hàng tuần, hàng tháng để tạo điều kiện cho các em hòa nhập và thu hút, lôi cuốn các em.
Vận động học sinh Đan Lai tới trường: Thực trạng và giải pháp - 2
Lãnh đạo huyện, phòng giáo dục huyện Con Cuông và Ban giám hiệu trường, đến thăm và tặng quà cho học sinh Đan Lai nội trú (Ảnh: Phùng Mùi)

Chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh Đan Lai được nhà trường đặc biệt quan tâm. Bên cạnh các giải pháp chung để nâng cao chất lượng của toàn trường, Chi bộ, Ban giám hiệu, công đoàn nhà trường đã giao trách nhiệm cho các giáo viên kèm cặp các em học sinh Đan Lai trong học tập. Theo đó, 41 em học sinh Đan Lai được 41 giáo viên bồi dưỡng, phụ đạo thêm ngoài giờ lên lớp, sự tiến bộ của các em được xem là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động sư phạm của các thầy cô.

Một nửa năm học trôi qua, các biện pháp trên đã đạt được những kết quả nhất định. Nhưng để đạt hiệu quả cao hơn trong việc giáo dục học sinh Đan Lai, ở Môn Sơn nói riêng và trong toàn huyện nói chung, thiết nghĩ Đảng, Nhà nước cần đưa ra các giải pháp có tính ổn định và bền vững như: Thành lập trường Phổ thông cơ sở, mở các lớp ghép tại các bản vùng sâu, có nhà nội trú cho các em và quan trọng nhất là có trợ cấp hàng tháng đẻ các em yên tâm học tập.

Còn nếu chỉ dựa vào tình thương của các thầy, cô giáo và lòng hảo tâm của xã hội thì khó huy động được học sinh Đan Lai tới trường, vì khả năng và lòng bao dung cũng chỉ có hạn nhất định.

Phùng Văn Mùi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm