Bạn đọc viết:
Vẫn điệp khúc quen thuộc ấy…
(Dân trí) - Đã rất nhiều lần sau mỗi đợt tăng giá điện hay xăng dầu, tôi lại nghe thấy điệp khúc:" Giá điện và xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn khu vực" trong lời giải thích của các cơ quan chức năng.
Sáng 30/3, khi đi đổ xăng, tôi giật mình khi nhìn thấy con số 21.300 đồng/lít và nghe thấy nhân viên cây xăng thắc mắc “Sao hôm nay ít ô tô đổ xăng hơn nhỉ, có lẽ họ đoán trước tăng giá rồi nên đổ từ hôm qua”. Tôi bần thần dắt xe đi với câu hỏi mung lung: “Không biết đâu sẽ là con số cuối cùng cho giá xăng?”
Đến cơ quan, tôi nhìn lên một số trang báo và một lần nữa lại bắt gặp câu trả lời quen thuộc của Bộ Tài chính “Giá xăng của chúng ta vẫn thấp hơn khu vực 2.300 - 5.000 đồng/lít”. Đồng thời phía dưới các bài báo, như lệ thường vẫn vậy, là một loạt phản ứng gay gắt của các độc giả, những người bị ảnh hưởng.
Đây là lần điều chỉnh thứ 2 từ đầu năm đến nay sau đợt tăng ngày 24/2 với mức 3.000 đồng/lít. Trước đó, Bộ Tài chính cho biết: đến nay ngành xăng dầu đã lỗ trên 16,4 nghìn tỷ đồng, trong đó lùi thuế khoảng 10 nghìn tỷ đồng; sử dụng quỹ bình ổn giá mất 6,4 nghìn tỷ đồng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì ngành xăng dầu sẽ lỗ rất lớn, chưa biết là bao nhiêu nếu giá xăng dầu thế giới vẫn tăng.
Câu giải thích tương tự cũng được đưa ra cho việc nâng giá điện lên 1.242 đồng/kWh, tăng 165 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân thực hiện năm 2010, được áp dụng từ ngày 1/3/2011. Theo Bộ Tài chính, tăng giá sẽ giúp bù lỗ cho ngành xăng dầu đang phải chịu số lỗ lũy tiến lên tới gần 28 nghìn tỷ đồng, chưa kể hạch toán treo về tỷ giá và thanh toán lưới điện nông thôn tính đến 31/12/2010. Con số này có thể sẽ lên tới trên 57 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2011.
Nhưng những con số lỗ khổng lồ là do đâu? Phải chăng là từ sự quản lý yếu kém dẫn đến lãng phí đầu tư của những dự án tỷ đô có tốc độ rùa bò như nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, Hải Phòng, nhà máy thủy điện Bản Chát và Huổi Quảng… Trong khi đó, khẩu hiệu thắt chặt, tăng hiệu quả đầu tư vẫn luôn được hô vang.
Tăng giá xăng dầu, điện do lỗ, nhưng do đâu mà lỗ thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Có chăng cũng chỉ lòng vòng là: thiếu vốn, do tác động của diễn biến trên thị trường thế giới, thuế nhập khẩu còn thấp…Và chính người dân, đặc biệt nhóm thu nhập thấp, đang phải hứng chịu những ảnh hưởng của những điều chỉnh này khi khắp các chợ, cửa hàng, siêu thị, mặt hàng nào cũng tăng giá…
Thủ tướng Chính phủ vừa ban ngành Nghị Quyết 11 nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua các biện pháp kiểm soát thị trường tiền tệ, giảm thâm hụt ngân sách, mục tiêu không để CPI lên đến 2 con số. Nhưng e rằng cứ đà này không biết con số CPI sẽ là bao nhiêu?
Chúng ta vẫn giữ được mức GDP cao, nhưng thực tế vẫn còn nan giải bài toán chất lượng tăng trưởng khi còn quá nhiều khó khăn trong đời sống người dân.
So sánh giá xăng dầu trong nước với các nước láng giềng có hợp lý không khi giá xe của Việt Nam cao gấp 2-3 lần các nước trong khu vực? Cho đến bây giờ, các cơ quan chức năng vẫn có thể giải thích: do giá xăng dầu của nước ta thấp hơn các nước trong khu vực, nhưng không biết họ sẽ có câu trả lời thế nào khi mức giá của mặt hàng thiết yếu này đã ngang bằng láng giềng?
Phạm Thị Hằng (Từ Liêm, Hà Nội)