Vẫn còn phổ biến tình trạng dạy “chay”, học “chay”

Nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, chương trình sách giáo khoa mới đã dành khá nhiều tiết để học sinh thực hành, luyện tập, nhưng vẫn còn phổ biến tình trạng “dạy chay”, “học chay”.

Tình hình thực tế cho thấy có không ít trường phổ thông hiện nay, còn nhiều tiết thực hành, luyện tập chưa đáp ứng đúng yêu cầu, mục tiêu bài học. Đặc biệt, đối với các trường vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, tình trạng dạy “chay”, học “chay” trong các tiết luyện tập, thực hành là khá phổ biến. Hệ quả là các tiết học diễn ra trong không khí rời rạc, buồn tẻ, học sinh gặp khó khăn trong việc vận dụng những kiến thức lý thuyết vào thực tiễn.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Các tiết luyện tập, thực hành chưa mang lại hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân. Về phía giáo viên, phương pháp thuyết giảng truyền thống theo lối áp đặt đối với học sinh vẫn còn tồn tại, phương pháp này không chỉ được sử dụng trong các tiết lý thuyết mà còn được áp dụng trong các tiết luyện tập, thực hành đã ảnh hưởng đến việc phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh trong việc vận dụng các kiến thức lý thuyết để giải quyết một bài tập hoặc một vấn đề thực tế, tạo sức ỳ trong tâm lý tiếp nhận của học sinh.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là hầu hết các tiết thực hành ở các môn khoa học tự nhiên đều yêu cầu phải có các thiết bị thí nghiệm, thực hành, dụng cụ trực quan… Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều trường, đặc biệt là các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, phòng thực hành, thiết bị thực hành, thí nghiệm nhìn chung còn thiếu thốn, chưa đồng bộ. Thiếu thiết bị để thực hành dẫn đến tình trạng thầy dạy “chay”, trò học “chay”. Hiệu quả tiết thực hành, luyện tập, vì thế mà bị ảnh hưởng.

Để cải thiện tình trạng bất cập nêu trên, cần có những sự chuyển bíến tích cực cả về phía khách quan lẫn chủ quan. Trước hết, trong các tiết thực hành, luyện tập, giáo viên cần tránh biến quá trình hướng dẫn luyện tập, thực hành thành dịp để giảng lại một lần nữa những kiến thức lý thuyết mà học sinh đã học. Nhưng mặt khác, giáo viên cũng cần tránh lối hướng dẫn thực hành tách rời lý thuyết, nó sẽ dẫn học sinh tới chỗ mò mẫm hoặc tiếp thu sự hướng dẫn của giáo viên một cách máy móc, cứng nhắc, không chắc chắn. Giáo viên có thể đưa ra một số tình huống để học sinh lưa chọn hoặc phân biệt đúng - sai, không nên chỉ quan tâm đến kết quả lựa chọn hoặc phân biệt của học sinh mà điều quan trọng là yêu cầu học sinh nói rõ vì sao mình lại lựa chọn, phân biệt như thế, từ đó giúp học sinh thực sự nâng cao trình độ hiểu biết và phát triển năng lực tư duy. Giáo viên có thể khuyến khích học sinh đưa ra những ý kiến, tìm tòi, phát hiện riêng, không nên áp đặt học sinh phải suy nghĩ hay diễn đạt giống mình. Nếu ý kiến của học sinh có sai sót thì giáo viên cần uốn nắn, nhưng phải làm sao để học sinh không mất đi niềm hào hứng, sự tự tin trong tiết thực hành, luyện tập.

Về phía khách quan, các nhà trường cần nỗ lực hơn trong việc xây dựng phòng thực hành, thí nghiệm đúng tiêu chuẩn cho các tổ bộ môn. Đồng thời cần có hệ thống thiết bị thí nghiệm, thực hành đồng bộ. Việc thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tạo đồ dùng dạy học là dịp để làm phong phú, đa dạng số thiết bị thực hành, dụng cụ trực quan. Quan trọng hơn, từ những cuộc thi này, có thể kích thích khả năng tìm tòi, khám phá, đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên.

 

Bùi Minh Tuấn
Trường THPT Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Học đi đôi với hành là nguyên lý quan trọng hàng đầu của giáo dục. Muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục thì không thể để kéo dài tình trạng dạy “chay” - học “chay”. Bằng sự nỗ lực vận dụng sáng tạo nguyên lý giáo dục của đội ngũ thầy cô giáo cũng như sự quan tâm đầu tư phương tiện, thiết bị cho phòng thí nghiệm và phòng thực hành đối với các môn khoa học tự nhiên, để tạo điều kiện cho học sinh biết vận dụng kiến thức học lý thuyết vào những bài tập thực hành, phát huy sự sáng tạo và lòng ham mê học tập các môn khoa học của học sinh.

Không được biến các tiết thực hành, luyện tập phân phối trong chương trình thành tiết giảng lại lý thuyết cho học sinh như sự phản ảnh của tác giả bài viết trên đây.