Vài suy nghĩ về công tác phổ cập giáo dục hiện nay

Trên thế giới, khi làm giáo dục gần như bất cứ quốc gia nào cũng bắt đầu từ nhà trẻ mẫu giáo đến tiểu học - trung học cơ sở - trung học phổ thông - đại học và sau đại học, theo quy luật phát triển có gốc mới có ngọn.

Vài suy nghĩ về công tác phổ cập giáo dục hiện nay - 1
Học sinh Đan Lai làm bài tập tiếng Việt tại lớp
 
Tuân thủ quy luật

Điều đó vừa thể hiện tính quy luật nhưng cũng rất phù hợp với quy luật của tính tư duy phát triển, bởi nhận thức của con người bắt đầu từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Cũng như cái cây, muốn cây sinh trưởng phát triển xanh tốt để cho hoa thơm, quả ngọt, thì bắt buộc phải chăm sóc ngay từ khi hạt nó mới nảy mầm cho đến khi ra rễ, ra lá, sinh trưởng và phát triển.

Đối với ngành giáo dục Việt Nam, chúng tôi không dám phê bình, nhưng rõ ràng trong nhiều năm qua chúng ta chưa làm đúng quy luật trên. Chúng ta bắt đầu từ phổ cập tiểu học đến trung học cơ sở xong, chúng ta mới bắt đầu phổ cập ở bậc học mầm non.
 
Ngay cả trong đầu tư về cơ sở vật chất trường lớp, chúng ta cũng đang nặng đầu tư từ trên xuống! Bậc học đại học có trường lớp đàng hoàng, khang trang hiện đại. Rồi bậc học trung học phổ thông có nhà cao tầng trước, đến bậc học trung học cơ sở, tiểu học được đầu tư lớn hơn, trước hơn. Gần đây chúng ta mới bắt đầu đầu tư cơ sở vật chất cho bậc học mầm non, nhất là vùng nông thôn, miền núi.
 
Chúng tôi đã được dự các hội nghị hội thảo của ngành giáo dục huyện Con Cuông, Nghệ An. Một hội thảo dạy môn ngữ văn cho học sinh thuộc tộc người Đan Lai bậc học trung học cơ sở và cuộc giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” của bậc học tiểu học. Qua cả hai hội nghị trên, tất cả đều có nhận xét rằng: Việc các em nói chưa sõi tiếng phổ thông (tiếng Việt), việc các em phát âm không chuẩn (kể cả âm từ và dấu câu) là bởi lý do không có gốc, yếu từ bậc học mầm non đến tiểu học.
 
Trong 5 năm trở lại đây, khi phủ kín bậc học mầm non trên địa bàn huyện, chúng tôi được xem các tiết mục biểu diễn văn nghệ hoặc các cuộc thi bé khỏe, bé ngoan tại địa bàn huyện và nhận thấy rằng: khoảng cách giữa các xã vùng trung tâm huyện và các xã vùng sâu, vùng xa không còn lớn, nếu không muốn nói là gần như ngang bằng nhau. Từ cách phát âm, đến phong thái biểu diễn, tính rụt rè, sợ sệt không còn, các cháu đã mạnh dạn hơn, tự tin hơn.
 
Học toàn diện
 
Về phương pháp và cách thức phổ cập còn nhiều vấn đề tranh cãi, thì trong chương trình giáo dục của chúng ta cũng còn nhiều chuyện phải nói!
 
Trước hết muốn có một con người toàn diện, học sinh toàn diện, trong giáo dục đòi hỏi phải giáo dục toàn diện, học sinh phải học toàn diện, nhưng thực tế chưa phải như vậy.
 
Trong chương trình vẫn đầy đủ, thời khóa biểu vẫn có đủ các môn, các tiết, nhưng rõ ràng chúng ta chỉ chú trọng vào các môn như: Toán, Lý, Hóa, Sinh (khối tự nhiên); Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ (khối xã hội), nhất là các lớp cuối cấp chuẩn bị thi tốt nghiệp, thi đại học. Còn các môn khác, nhất là giáo dục công dân hay môn kỹ thuật thể dục… thường học sinh ít quan tâm, ngay cả giáo viên dạy các môn này cũng ít được chú ý, nếu không nói là bị xem nhẹ.

Chưa nói đến hiện nay việc phân ban, phân luồng ngay từ đầu cấp cũng đang làm trăn trở dư luận, tạo tâm lý không tốt cho học sinh. Không ít phụ huynh lại phải cạy cục xin cho con được vào các phân ban có các môn học có nhiều lợi thế để thi vào đại học, cao đẳng. Chưa nói đến việc chỉ quan tâm dạy chữ, dạy văn hóa, chưa quan tâm đến dạy người, dạy đạo đức và cả việc hướng nghiệp cho học sinh lâu nay vẫn còn ít được quan tâm.

Một nền giáo dục phát triển mạnh, bền vững là một nền giáo dục đòi hỏi chất lượng toàn diện, học sinh được học, được bồi dưỡng, rèn luyện một cách toàn diện và phải quan tâm ngay từ gốc đến ngọn. Đầu tư cho bậc đại học và đầu tư cho nhà trẻ mẫu giáo phải được quan tâm như nhau! Còn cứ theo kiểu xây nhà từ nóc như hiện nay, để lại hậu quả là hoặc phải đào tạo lại hoặc phải mất thêm nhiều tiền của đầu tư chăm bón những cái cây vốn đã yếu ngay từ… gốc.

Phùng Văn Mùi