Bạn đọc viết:

Vài lời gửi đến những người "có văn mà... thiếu hóa"

(Dân trí) - Giá trị văn hóa hình như bị "đảo ngược" khi một cụ già 70 tuổi phải thưa, phải dạ một nhân viên chỉ hơn 20 tuổi! Đứng nhìn cảm thấy xót thương cho cụ, sao anh chàng kia không đặt trường hợp đó là bố mình, ông nội mình nhỉ?

Vài lời gửi đến những người "có văn mà... thiếu hóa" - 1

Còn đâu duyên nữ sinh (Nguồn ảnh: Internet).

Nhân đọc bài báo “Ứng xử thiếu văn hóa không chỉ ở giới trẻ”, tôi thấy đây là bài báo hay và có tác động lớn, nhất là đến những người là "vai chính" trong bài báo hoặc những ai "không biết thẹn". Tôi xin có một vài ý kiến về vấn đề này như sau:

Thứ nhất, trong xã hội mình nhiều khi nói vô học mới vô văn hóa, nhưng tôi thấy một số người học càng cao, văn hóa... càng thấp (chỉ một số). Tôi đã từng chứng kiến nhiều cảnh quát mắng, la ó như trong bài báo đề cập và nhất là khi tiếp xúc với một số cơ quan chức năng mà nhân viên tiếp dân ăn nói chẳng có chủ ngữ, vị ngữ gì cả.

Giá trị văn hóa hình như bị "đảo ngược" khi một cụ già 70 tuổi phải thưa, phải dạ một nhân viên chỉ hơn 20 tuổi! Đứng nhìn cảm thấy xót thương cho cụ, sao anh chàng kia không đặt trường hợp đó là bố mình, ông nội mình nhỉ? Tôi không nêu trường hợp cụ thể bởi vì không hiếm những cảnh như vậy ngoài đường, ít nhất các bạn đã gặp một lần dù bạn đang ở đâu trên đất nước này.

Thứ hai: Đúng là văn hóa ứng xử của một số người tệ thật, nhất là văn hóa du lịch. Tôi đã đi nhiều nơi và cảm nhận một số hành vi bức xúc của cả khách lẫn người làm du lịch. Ngoài việc xả rác, xâm phạm di tích thì việc thiếu tôn trọng người xung quanh bằng việc cười nói, bình phẩm, nói tục... tự nhiên ở nơi thanh tịnh, tôn nghiêm hay bất kì đâu cũng thế. Tôi đã nghe một câu nói rất hợp lý - đó là "người Tây du lịch bằng mắt, người Việt du lịch... bằng miệng". Quả là đúng!

Một lần tôi vào nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội. Trong khi chúng tôi xếp hàng tuần tự thì có một nhóm người có học sinh, có phụ huynh và hình như cả giáo viên của một trường THCS cứ thản nhiên cười nói, chen lấn, ném thức ăn cho cá, trêu đùa con công trong lồng...

Thứ ba: Trong du lịch, phương thức "tận thu" diễn ra rất phổ biến. Có nghĩa là cứ mặc kệ lần sau họ có đến nữa hay không, ta cứ ra tay xin xỏ, chèo néo và cả "chém đẹp" đối với du khách. Như vậy thì thật "tai hại", họ sẽ nghĩ gì và trên 80% du khách không trở lại Việt Nam mà chọn một nơi khác nghèo nàn về di tích, thắng cảnh nhưng "chuyên nghiệp" hơn là điều dễ hiểu. Vấn đề phát triển bền vững cần được chú trọng hơn nữa trong du lịch.

Thứ tư: Tính gương mẫu như bài báo có đề cập cũng rất chính xác, ngoài làm gương cho trẻ con thì cho tôi xin nêu ra một khía cạnh rất nhỏ của những "trí thức" đó là sinh viên, học sinh.

Hình như phong thái thư sinh, nho nhã của ông cử, cậu tú không còn nữa. Mà có còn cũng thật ít, khi mà ra đường gặp một số sinh viên "có văn mà... thiếu hóa" bởi áo quần, tóc tai, ăn nói... trời ơi chẳng giống ai. Lại còn hút thuốc, uống rượu, tụ tập đánh nhau và cả sex như một số clip trên mạng. Tôi ngồi xem mà lạnh sườn khi thấy giới trẻ như vậy.

Trong xã hội khi mà các yếu tố văn hóa bên ngoài du nhập, bên cạnh những giá trị tốt thì hình như cái xấu nhiều hơn nếu không biết chọn lọc định hướng, mà giới trẻ là những người "tiếp thu nhanh". Thiết nghĩ chúng ta nên xem lại phương pháp giáo dục con cái, học trò... để ngăn chặn từ lúc đầu chứ để nó diễn ra rồi khắc phục hậu quả thì càng... có tội.

Cũng tâm huyết nên tôi có một số tản mạn như vậy. Xin một số nhỏ những người đã từng, hoặc đã từng nhiều lần "thiếu văn hóa" nên xem lại. Và một số bạn trẻ hãy nghĩ đến công ơn của cha mẹ mình, xa hơn nữa là tương lai của mình mà học, chơi, sống có ích từ những điều nhỏ nhất.

Phạm Ngọc (Đại học Khoa học Huế)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm